Syria: 1 sứ mệnh, 4 thành công đưa Nga đến cuộc chiến tồi tệ mà ông Putin lo ngại nhất
Sứ mệnh của Nga ở Syria
Xung đột ở Syria là một trong những cuộc khủng hoảng nguy hiểm và có sức tàn phá nhất trên thế giới.
Kể từ đầu năm 2011 đến nay, đã có hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hơn 10 triệu người phải di tản, châu Âu náo động vì các vụ khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và hệ quả chính trị nặng nề từ vấn đề người tị nạn. Ngoài ra, liên quân do Mỹ đứng đầu đã hơn một lần gần như đối đầu trực tiếp Nga trên chiến trường Syria.
Sự can thiệp quân sự vào Syria từ ngày 30/9/2015 đã đánh dấu sự trở lại của Nga trong vai trò một chủ thể chiến lược để tiến hành các hoạt động tác chiến kéo dài bên ngoài biên giới Liên Xô cũ, kể từ sau cuộc chiến tranh ở Afghanistan những năm 1980.
Đây được coi là chiến dịch quan trọng nhằm thể hiện nỗ lực của Nga trong việc khẳng định vai trò đối với những vấn đề nóng của thế giới.
Các thế lực cực đoan nằm trong mục tiêu chiến dịch quân sự của Nga để ổn định tình hình Syria là các nhóm đối lập chống lại chính quyền tổng thống Bashar al-Assad, cùng các nhóm khủng bố như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) và các biến thể khác của những tổ chức này.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)
Để đạt được mục đích của chiến dịch quân sự, Nga đã tạo nên một liên minh với chính quyền Assad ở Syria, Iran, Iraq và lực lượng Hezbolla ở Li Băng.
Liên minh này được thành lập ngày 30/9/2015 trên cơ sở Nghị quyết về chống khủng bố ở Syria của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) thông qua ngày 24/9/2015, và nhận được đề nghị chính thức của chính quyền Damascus tiến hành chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ của họ.
4 mục tiêu Nga đã đạt được
Sau hai năm thực hiện các chiến dịch quân sự ở Syria, tuy đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Nga đã khẳng định được vị thế của mình trong cuộc chiến chống khủng bố, vì đạt được những mục tiêu cơ bản.
Thứ nhất, Nga giúp giữ vững và củng cố chính quyền Assad ở Syria, vốn được Moskva coi là "thành trì" chống lại các thế lực khủng bố. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, nếu chính quyền ông Assad sụp đổ, khi đó bất cứ lực lượng nào lên thay thế cũng đều là những phần tử cực đoan, và cuộc chiến chống khủng bố coi như thất bại, thế giới sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả khôn lường từ chủ nghĩa khủng bố.
Thứ hai, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria bước đầu tái định hình được bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông. Nga có được chỗ đứng vững chắc ở vùng Đông Địa Trung Hải, bao gồm cả sự hiện diện quân sự ở căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân mới ở Latakia, những cứ điểm cho phép Nga thách thức sự kiểm soát của Mỹ và NATO ở khu vực.
Điều đó đảm bảo cho Nga có một vị trí trên bàn đàm phán trong bất kỳ toan tính địa chính trị nào về tương lai của Trung Đông.
Một cố vấn quân sự Nga trao đổi với các binh sĩ điều khiển xe tăng của quân đội Syria (Ảnh: Russia Insider)
Thứ ba, hiện diện quân sự của Nga ở Syria đã truyền tải thông điệp mạnh của Tổng thống Putin tại Liên Hợp Quốc khi kêu gọi tạo ra “một liên minh chống khủng bố đích thực trên diện rộng”.
Moskva đồng thời khiến Washington phải dịu giọng khi thể hiện lập trường của Mỹ đối với vấn đề Trung Đông, và ngày càng nhiều lãnh đạo Trung Đông hướng tới Nga khi tìm kiếm các lợi ích.
Thứ tư, mặc dù nhóm IS chưa bị tiêu diệt, nhưng liên quân Nga-Syria đã thu hẹp phạm vi hoạt động của chúng và giảm thiểu những hành động tàn bạo của IS đối với dân thường, đồng thời ngăn chặn được sự trỗi dậy của các lực lượng đối lập khác ở Syria.
Có thể nói, Nga tuy vẫn còn khoảng cách rất xa mới quay trở lại được thời kỳ huy hoàng của Liên Xô ở Trung Đông, nhưng việc sử dụng "quyền lực cứng" để đạt được những mục tiêu cụ thể và khả thi tại Syria đã khiến Moskva trở thành tâm điểm đối với các quốc gia chủ chốt ở Trung Đông, qua đó tạo nên một thách thức địa chính trị to lớn đối với Mỹ.
Nga bất mãn tố Mỹ "đâm sau lưng"
Cùng giương cao ngọn cờ chống khủng bố ở Syria không chỉ có liên minh do Nga dẫn đầu, mà còn có hai liên minh khác, đó là liên minh của hơn 60 quốc gia do Mỹ chỉ huy và liên minh các nước Hồi giáo Ả Rập do Saudi Arabia đứng đầu.
Hai liên minh này được hình thành trước khi có Nghị quyết về chống khủng bố ở Syria của HĐBA năm 2015, và không được chính quyền Damascus cho phép tiến hành các hoạt động chống khủng bố trên lãnh thổ Syria.
Bộ quốc phòng Nga thời gian gần đây cáo buộc liên quân do Mỹ đứng đầu có liên quan, thậm chí hậu thuẫn nhóm khủng bố IS. Thái độ của Nga đặc biệt gay gắt sau khi trung tướng Valery Asapov, chỉ huy nhóm cố vấn quân sự của Nga ở Syria trong chiến dịch Deir Ezzor, tử trận.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chỉ trích "thói đạo đức giả" và "chính sách hai mặt" của Mỹ là nguyên nhân góp phần khiến tướng Nga thiệt mạng. Moskva cho rằng quân đội Mỹ cố ý rò rỉ thông tin về vị trí của ông Asapov cho IS.
Một trong số hình ảnh được Bộ quốc phòng Nga công bố cuối tháng 9/2017, cáo buộc lực lượng Mỹ "an toàn tuyệt đối" giữa khu vực do IS kiểm soát (Ảnh: BQP Nga)
Bộ quốc phòng Nga đã tung ra hàng loạt hình ảnh, để ám chỉ và cáo buộc Mỹ/đồng minh dung túng cho các nhóm đối lập mà họ hậu thuẫn tại Syria.
Những bức ảnh mà quân đội Nga chụp được gần đây ở các khu vực đóng trú và trên đường hành quân của liên quân Mỹ trong chiến dịch ở Deir Ezzor cho thấy, liên quân Mỹ đã "tự do đi lại" trong khu vực kiểm soát của khủng bố IS mà không có bất kỳ sự giao tranh nào.
Ngoài ra, theo lời khai của những tay súng IS bị bắt, thì liên quân Mỹ đã nhiều lần hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập rút chạy khi bị quân Nga-Syria đánh bật ra khỏi khu vực chiếm đóng.
Tình hình hiện nay cho thấy, có rất nhiều dấu hiệu về các kịch bản không mấy sáng sủa trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syria. Tổng thống Nga Putin - người rất cẩn trọng khi bình luận về quan hệ Nga-Mỹ, đã phải chỉ trích rằng các đối tác Mỹ trên lời nói thì sẵn sàng hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng thực tế lại sử dụng khủng bố để chống phá Nga.
Ông Putin quan ngại, hiện thực này có thể sẽ dẫn đến cuộc đối đầu Nga-Mỹ tồi tệ hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Đại úy Phạm Doãn Tình/Trường Đại học Chính trị