Suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhiều địa phương còn ở mức cao
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tại địa phương, đồng thời khẩn trương xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Sữa học đường” của địa phương.
Theo đó, tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể có thể triển khai thí điểm hoặc toàn tỉnh, trong đó chú trọng ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.
Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương trong việc sử dụng sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT.
Nguyên liệu sữa tươi khi sản xuất thành phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Do đó, các địa phương cần tổ chức đấu thầu lựa chọn sản phẩm phục vụ chương trình một cách công khai, minh bạch.
Cần ưu tiên triển khai chương trình sữa học đường ở các vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng..
Theo Bộ Y tế, thời gian qua được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, tình trạng suy dinh dưỡng của người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em đã được cải thiện rõ rệt. Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm liên tục và bền vững (13,4% năm 2017).
Tuy nhiên, suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao (23,8%), ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành. Cá biệt, vẫn còn nhiều tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%, thậm chí một số tỉnh tỷ lệ này còn cao khoảng 35% như: Kon Tum (38,9%), Gia Lai (35,2%), Lai Châu (36,2%), Lào Cai (35%), Hà Giang (38,9%).
Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4 cm và của nữ thanh niên đạt 153,4 cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1 cm và 10,7 cm. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực.
Hà Vy