Sự thật xấu xí đằng sau trào lưu "phượt ăn xin" của khách Tây ở nhiều nước, kể cả Việt Nam
Nhiều khách du lịch nhận của bố thí như thể họ không còn cách nào khác để kiếm tiền. Họ tạo ra một cộng đồng "phượt thủ ăn xin" (begpackers), tự làm những món đồ đơn giản để bán cho dân địa phương. Hoặc đơn giản là viết ra các tấm biển cầu cứu như: "Tôi đang đi du lịch nhưng không có tiền, làm ơn hãy giúp tôi".
Theo Travel Wire Asia, quốc gia nơi mà phượt thủ ăn xin thường có thu nhập trung bình hàng năm thấp. Thậm chí số tiền mà phượt thủ kiếm được từ công việc "bèo bọt" nhất ở quê nhà còn cao hơn nhiều.
Năm 2017, khách du lịch chân chính kêu gọi từ bỏ trào lưu phượt ăn xin. Tuy vậy, trào lưu này vẫn tiếp diễn trong năm 2018, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng mạng.
Phượt ăn xin có xu hướng thịnh hành ở khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều điểm du lịch và chi phí rẻ. Trong năm ngoái, cơ quan chức năng Thái Lan đã yêu cầu du khách chứng minh có đủ mức tài chính tối thiểu để được nhập cảnh vào nước này.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đi du lịch đến một quốc gia khác mà không đảm bảo yếu tố tài chính là liều lĩnh, ngu ngốc và là gánh nặng đối với nền kinh tế địa phương.
"Thêm vào đó, việc tiêu thụ thực phẩm, nước, không gian và các tiện ích khác mà không trả tiền cũng ảnh hưởng đến nhu cầu cần thiết của người dân địa phương - những người xứng đáng được đáp ứng các nhu cầu đó hơn", Rosie Spinks viết trên trang Quartzy.
Du lịch tiết kiệm thực sự thu hút với những người đam mê trải nghiệm trong những năm qua. Luôn có cách để dân phượt đi du lịch vừa thoải mái vừa tốn ít tiền. Tuy vậy, "phượt ăn xin" không nằm trong số đó, nó là sự lười biếng.
Duy Nam