Sự thật về Biển Đông (bài 4): Biển Đông có phải chỉ là vấn đề song phương?
Malaysia tiếp tục phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông Malaysia đã phản đối yêu sách chủ quyền mở rộng của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây được coi là động thái bất thường của ... |
Sự thật về Biển Đông (bài 3): Những khó khăn của các “tiến trình ngoại giao và pháp lý” hay vấn đề “chủ quyền không được tranh cãi” Các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ vốn đã và đang tồn tại giữa nhiều nước và tại nhiều nơi trên thế giới. Biện pháp ... |
Sự thật về Biển Đông: Tiếng nói từ Việt Nam (bài 1) Những diễn biến phức tạp và căng thẳng gia tăng liên quan đến vấn đề Biển Đông đang thu hút sự chú ý của dư ... |
Chiến thuật "bắt nạt" trong khu vực
Đồng thời, Trung Quốc luôn phản đối “đa phương hoá”, “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông, ra sức ngăn cản ASEAN và các diễn đàn khu vực, quốc tế thảo luận thực chất hay ra các tuyên bố về vấn đề Biển Đông, luôn gây sức ép, đe doạ và thậm chí còn “trừng phạt” các nước nếu dám “công khai hoá”, “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông. Điều đó dẫn đến việc một số nước đã buộc phải thực hiện “chiến thuật im lặng” ngay cả khi Trung Quốc có các hành động xâm hại chủ quyền hợp pháp của họ trên Biển Đông.
Còn Trung Quốc thì lại sử dụng điều đó để luôn khẳng định là tình hình Biển Đông vẫn “cơ bản ổn định”, “trong vòng kiểm soát” nhằm ngăn chặn và hạn chế sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này. Hành động đó nếu ở trong trường học thường được gọi là “bắt nạt”, chỉ có điều Biển Đông không phải là lớp học và các quốc gia không phải là những học sinh tiểu học.
Hình ảnh tàu cá QNg 90819TS chìm tại Hoàng Sa, tháng 3/2019, được các ngư dân dùng điện thoại ghi lại - Ảnh cắt từ video của ngư dân |
Rõ ràng ở Biển Đông trước hết có vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia ven biển. Nhưng bản thân cách thức xử lý các tranh chấp chủ quyền giữa các nước luôn có tác động trực tiếp đến hoà bình, ổn định chung và do đó, đương nhiên là mối quan tâm chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Vì thế mới cần có Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế quy định về cách thức giải quyết tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia. Cũng vì thế mới có các hội nghị và thoả thuận quốc tế về xung đột Israel-Palestine, về Triều Tiên, về Síp…
Chắc chắn Trung Quốc cũng đã xuất phát từ nhận thức đó khi chủ động thúc đẩy đưa tranh cãi giữa Ấn Độ và Pakistan về tranh chấp tại khu vực Kashmir tháng 8 năm 2019 ra thảo luận tại Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc. Điều không thể biện minh là tại sao Trung Quốc lại luôn ngăn cản việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác?
Áp đặt dư luận
Mặt khác, Biển Đông lại không chỉ là vấn đề liên quan đến chủ quyền của các quốc gia ven biển mà còn là vùng biển quốc tế lớn thứ tư trên thế giới với các tuyến đường hàng hải, hàng không quốc tế quan trọng bậc nhất hành tinh hiện nay. Duy trì và bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông liên quan đến lợi ích chung và là trách nhiệm của tất cả các nước và cộng đồng quốc tế, trong đó ASEAN có nhiệm vụ hàng đầu.
Sẽ không thể hiểu nổi nếu ASEAN, với tư cách là một Cộng đồng An ninh, có thể ra tuyên bố về tình hình trên bán đảo Triều Tiên nằm ở Đông Bắc Á mà không thể ra tuyên bố về Biển Đông là vấn đề liên quan đến chủ quyền của nhiều nước thành viên ASEAN và hoà bình, an ninh của chính khu vực Đông Nam Á. Và trong khi AU (Liên minh Châu Phi) vừa qua đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh để bàn về dự án đập thuỷ điện Đại Phục Hưng đang có tranh chấp giữa Ethiopia và một số nước Bắc Phi khác thì cho đến nay vẫn chưa có một hội nghị cấp cao nào của ASEAN hay EAS để bàn riêng về vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt như Biển Đông. Chúng ta có thể đoán được ai là người không muốn nhất điều đó.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam trên Biển Đông. |
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Trung Quốc không phải lúc nào cũng nhất quán với quan điểm nêu trên. Ngược lại, Trung Quốc đã không ít lần chủ động “công khai hoá”, “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông bằng cách triển khai các chiến dịch thông tin quốc tế để quảng bá lập trường của Trung Quốc, thậm chí còn vận động các chính phủ, các đảng phái, các tổ chức và cá nhân các nước ra tuyên bố hay phát biểu ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề này. Thực ra, Trung Quốc chỉ muốn ngăn chặn tiếng nói của các nước có quan điểm khác với lập trường của Trung Quốc mà thôi.
Trần Minh (Tổng hợp)
Còn nữa