Sở GTVT Hà Nội đề xuất khống chế Uber, Grab Taxi để... giảm kẹt xe
Ảnh minh hoạ
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã gửi văn bản góp ý kế hoạch triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đến Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó Sở đề nghị khống chế số lượng ôtô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh bằng cách sử dụng phần mềm gọi xe.
VnExpress ngày 19/11 dẫn lời Sở GTVT Hà Nội cho biết, với hợp đồng điện tử theo mô hình mà Uber, Grab Taxi đang thực hiện thì giá cước vận tải là sự thỏa thuận giữa hành khách và đơn vị cung cấp phần mềm. Trong đó Uber, Grab Taxi tự đưa ra mức giá cước và quy định tương tự như loại hình vận tải hành khách bằng taxi. Ngoài ra, các công ty này còn quy định thời gian cao điểm và thấp điểm.
Sở lo ngại việc không giới hạn số lượng xe sử dụng phần mềm gọi xe sẽ khiến gia tăng ùn tắc giao thông. "Bản chất không khác gì kinh doanh vận tải khách bằng taxi", văn bản khẳng định. Do đó, lãnh đạo Sở cho rằng điều này không phù hợp với chủ trương của Chính phủ trước đó "là phần mềm ứng dụng chỉ hỗ trợ cho hoạt động vận tải của các hãng chứ không phải tham gia trực tiếp điều hành".
“Nếu Bộ không khống chế số lượng xe dưới 9 chỗ tham gia ứng dụng phần mềm gọi xe thì quy hoạch tổng thể của kinh doanh vận tải sẽ bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô còn tăng cao”, lãnh đạo Sở Giao thông lo ngại, theo VnExpress.
Đề xuất trên đã gặp phải phản ứng của nhiều bạn đọc với ý kiến cho rằng "taxi mới là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông" chứ không phải oto chạy Uber hay Grab.
"Tôi đi Uber tài xế vui vẻ, chạy đúng luật, giá cước rẻ, không chạy vòng vo. tại sao không giảm taxi mà lại giảm Uber?", một bạn đọc nói. Bạn đọc khác bổ sung: "Uber hay Grab hầu hết chỉ chạy khi có khách, chứ không chạy xe trống như taxi, thì ùn tắc ở chỗ nào?"
"Thời buổi kinh tế hội nhập, xin đừng cấm hay hạn chế gì cả, mà hãy đưa ra các quy định để các loại hình taxi hoạt động lành mạnh hợp pháp. Hãy để quy luật kinh tế thị trường tự do phát triển. Cạnh tranh lành mạnh sẽ tốt cho người tiêu dùng", bạn Tran Phuong nêu ý kiến.
"Kẹt xe là do con người chứ ko phải phương tiện càng ko phải dịch vụ tăng", bạn Sonsati đồng tình.
Nhưng vẫn có bạn đọc đồng tình với đề xuất của Sở GTVT Hà Nội: "Đúng là việc để Uber và Grabtaxi phát triển quá mạnh sẽ phá vỡ quy hoạch giao thông. Đó là một trong những lý do các hãng này bị cấm ở nhiều nước trên Thế Giới. Việt Nam cũng nên cẩn trọng với các loại hình kinh doanh mới này".
Hiện Hà Nội có 21.000 ô tô vừa là taxi vừa là Uber và Grab Năm 2011, để hạn chế một số bất cập như: lượng xe taxi tăng nhanh, ùn tắc giao thông, cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng… Sở GTVT Hà Nội đã tạm dừng việc cấp phép thành lập hãng taxi mới và không cho tăng số lượng xe của các hãng đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, một số đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải đã thành lập các chi nhánh tại các tỉnh lân cận và đưa các phương tiện về Hà Nội hoạt động gây khó khăn trong quản lý, mất trật tự an toàn giao thông và đi ngược lại với chủ trương hạn chế gia tăng số lượng taxi. Một trong những giải pháp của Sở khi đó là cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”. Nhờ đó, 18.629 taxi được phép hoạt động trên địa bàn thành phố đã được quản lý dễ dàng hơn. Thời gian qua, sự xuất hiện loại hình vận tải mới thông qua ứng dụng phần mềm gọi xe như Uber, Grab Taxi được cơ quan này đánh giá đã làm tăng đột xuất số lượng xe dưới 9 chỗ đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Tính đến giữa tháng 11, đã có thêm 2.364 xe được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”. Hiện tổng số lượng xe hoạt động kinh doanh vận tải kể cả taxi lẫn hợp đồng của thành phố gần 21.000 chiếc (vượt kế hoạch dự kiến trong Đề án quản lý taxi trước đó là trong năm 2015 đạt 20.000 xe). |
A.T tổng hợp