Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc “bẻ cong” Luật Báo chí và Luật Tố cáo?
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc
Số 541 đường Mê Linh, Phường Khai Quang, Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Theo yêu cầu của Thanh tra Sở; ngày 21/01/2015 Tổng biên tập báo Thời Đại ký giấy giới thiệu cử Trưởng ban Thời sự cùng với phóng viên đến Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc liên hệ công tác, đặt lịch làm việc liên quan đến văn bản số 05/TTr-TLB ngày 12/01/2015 về việc trao đổi thông tin của Thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc và tiến trình giải quyết đơn tố cáo của ông Nguyễn Hữu Kiền.
Thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc “bẻ cong” Luật Báo chí?
Theo lịch làm việc do Thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc sắp đặt, khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 04/02/2015 Trưởng ban Thời sự cùng với phóng viên báo Thời Đại làm việc với 06 cán bộ của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc gồm có: ông Trần Hồng Hiệp, Chánh Thanh tra Sở; ông Nguyễn Đình Thư, Chánh văn phòng Sở; ông Lê Gia Thanh, Phụ trách phòng CNTT Sở; cùng với 3 cán bộ của Sở.
Sau khi hai bên tự giới thiệu thành phần làm việc; ông Trần Hồng Hiệp, Chánh thanh tra sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu cán bộ, phóng viên báo Thời Đại xuất trình giấy ủy quyền do Tổng biên tập báo Thời Đại ký, để làm việc.
Đại diện báo Thời Đại nêu: Ngày 21/01/2015 phóng viên đã đến liên hệ công tác, đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Đình Thư, Chánh văn phòng Sở, giấy giới thiệu đã gửi ông Thư lưu giữ.
Ông Trần Hồng Hiệp, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nói: “Phải có giấy ủy quyền của Tổng biên tập, còn giấy giới thiệu thì chúng tôi không làm việc. Nếu lãnh đạo ban biên tập không cử lãnh đạo, thì các đồng chí phải có giấy ủy quyền người có trách nhiệm; các đồng chí phải đầy đủ thủ tục thì chúng tôi mới làm việc, còn không đủ thủ tục thì chúng tôi không làm việc”.
Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, ông Trần Hồng Hiệp.
Phóng viên đề nghị Chánh thanh tra Sở cho biết: Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh phúc hay của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định phải có giấy ủy quyền của Tổng biên tập thì mới làm việc, còn có giấy giới thiệu thì không làm việc?
Sau một hồi suy nghĩ, vị Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đi ra khỏi phòng làm việc, khi trở lại phòng làm việc không trả lời câu hỏi của phóng viên, chỉ nói: “chúng tôi không làm việc nữa”.
Rõ ràng, đây là dấu hiệu của hành vi vi phạm Luật Báo chí, cản trở phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật. Bởi lẽ:
Tại khoản 1, điều 8 - Quyền hạn của nhà báo, của Nghị số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/04/2002 của Chính Phủ; quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, quy định:
“Điều 8. Quyền hạn của nhà báo
1. Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước”.
Tại văn bản số 70/STTTT-BCXB ngày 12/3/2013 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc gửi các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh cũng như báo cáo với Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, văn bản số 70/STTTT-BCXB đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Khi tiếp xúc phóng viên báo chí: Chỉ làm việc khi đủ điều kiện đảm bảo (Xuất trình Thẻ Nhà báo – Như quy định tại điều 8, Nghị số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/04/2002 của Chính Phủ; quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Với trường hợp phóng viên chưa được cấp Thẻ Nhà báo thì phải có Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí).
Điều kiện cần và đủ để phóng viên tác nghiệp, làm việc là phải có Giấy giới thiệu do Tổng biên tập tòa soạn ký và giấy tờ tùy thân.
Phải chăng, Thanh Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cố tình “bẻ cong” Luật Báo chí? Cố tình “đẻ” ra quy định cho riêng mình trên cả Luật báo chí là phải có có Giấy ủy quyền của Tổng biên tập mới làm việc, còn có giấy giới thiệu thì không làm việc?
Thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc “bẻ cong” Luật Tố cáo?
Hơn 60 ngày Người tố cáo mòn mỏi chờ đợi thông báo của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc trả lời việc thụ lý giải quyết tố cáo liên quan đến những sai phạm của Hiệu trưởng trường THPT Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người tố cáo nói riêng, dư luận nói chung vui mừng khi Thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có thông báo số 91/TB-SGDĐT ngày 23/01/2015 gửi Người tố cáo, thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, với 8 nội dung tố cáo được thụ lý giải quyết; thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày làm việc.
Thông báo số 91/TB-SGDĐT ngày 23/01/2015 của Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc
Niềm vui là vậy, nhưng khi biết được thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày làm việc thì dư luận có quyền hoài nghi: Phải chăng Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cố tình kéo dài thời hạn giải quyết Tố cáo? Hay, Thanh tra Sở cố tình không biết quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về thời hạn giải quyết tố cáo? Bởi lẽ:
Tại khoản 1, Điều 21 - Thời hạn giải quyết tố cáo, của Luật Tố cáo năm 2011 quy định:
“Điều 21. Thời hạn giải quyết tố cáo
1. Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.”
Vậy vì sao, Thanh tra Sở lại thông báo đến Người tố cáo là thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày làm việc?
Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh căn cứ văn bản quy phạm pháp luật nào yêu cầu phóng viên báo chí có giấy giới thiệu, phải có thêm giấy ủy quyền của Tổng biên tập thì mới làm việc? Làm rõ, vì sao thời gian thụ lý giải quyết tố cáo không đúng quy định của Luật Tố cáo năm 2011?
Văn Muôn - Minh Sơn