Sinh viên Việt phát huy làng nghề truyền thống Việt
Làng nghề truyền thống là một bộ phận của nền văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng, thể hiện sự sáng tạo của hoạt động Văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề truyền thống của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ giảm sút về quy mô hoạt động chức năng. Do vậy, định hướng cho làng nghề truyền thống để hội nhập là hết sức cần thiết.
Nhằm góp phần phần khôi phục, phát triển và quảng bá các sản phẩm mang bản sắc văn hóa Việt, đồng thời tìm kiếm những tài năng trong lĩnh vực truyền thông; nhóm sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo – Học viện Báo chí và Tuyên truyền hợp tác cùng Elite PR School và trường Truyền thông VNMG đã tổ chức cuộc thi Media Leaders với chủ đề “Làng nghề Việt Nam”.
Bảo tồn và phát huy truyền thống của các làng nghề dân tộc là điều rất cần thiết hiện nay
Cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Họ tham gia với mong muốn đem sức trẻ và trí tuệ của mình để bảo tồn và phát triển các làng nghề tại Việt Nam. Qua chủ đề và các phần thử thách của cuộc thi, sinh viên có cơ hội được thể hiện quan điểm cá nhân, kiến thức sâu rộng và phát huy tài năng của bản thân trong lĩnh vực mà mình đam mê.
Sau khi trải qua 2 vòng thi từ nộp ý tưởng cho đến triển khai đề án, cuộc thi đã chọn ra được 4 đội xuất sắc nhất lọt vào vòng Chung kết: Nhóm L2T - Làng Lụa Vạn Phúc, nhóm One Piece – Làng Hương Yên Phụ, nhóm Legendary – Làng Nghề Da giầy Phú Yên, nhóm Airblade – Làng nghề Giò Chả Ước Lễ. Các đội đến từ những trường đại học khác nhau trong thành phố Hà Nội là Học viện báo chí và tuyên truyền, Đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh tế Quốc Dân, Học viện Ngân Hàng, Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Đại Học Công Nghệ. Đây là những đề án ấn tượng và có thể áp dụng vào thực tiễn để phát triển làng nghề.
Làng lụa Vạn Phúc là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước, đã đi vào thơ ca dân gian lẫn hiện đại. Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại.
Trải qua quá trình hiện đại hóa, làng lụa Vạn Phúc đứng trước nguy cơ mất dần những giá trị truyền thống, những sản phẩm thủ công đang ngày một ít, thay vào đó là những trang phục được tạo ra nhờ máy móc công nghiệp hay thậm chí là hàng nhập từ Trung Quốc. Chính điều này đã khiến cho khách hàng không còn tin tưởng vào làng lụa Vạn Phúc. Do đó, nhóm L2T đã lên kế hoạch và ý tưởng để lấy lại lòng tin của mọi người vào một làng nghề lụa truyền thống.
Làng hương Yên Phụ nằm ở cửa ô Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo sử sách ghi lại thì nghề làm hương ở đây do một người Trung Hoa mang tới từ thế kỷ XIII và dạy cho dân làng. Tuy nhìn que hương mảnh mai nhưng đòi hỏi rất nhiều công đoạn từ đơn giản đến phức tạp để tạo thành. Công đoạn khó nhất là khâu pha trộn mùi hương. Công đoạn này phải do người có tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm đảm nhận vì nếu pha chế không đúng liều lượng quy định, hương sẽ không thơm. Thành phần làm hương đều có nguồn gốc là các loại thảo mộc như ngũ vị thuốc Bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi. Ngoài ra còn có cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn…
Que hương mảnh mai nhưng đòi hỏi rất nhiều công đoạn từ đơn giản đến phức tạp để tạo thành
Bởi dân ta có truyền thống thắp hương thờ cúng ông bà, tổ tiên nên những que hương không phải là một thứ gì lạ lẫm. Tuy nhiên, ít người để ý đến nguồn gốc xuất xứ của những que hương mà chỉ đơn giản tiện thì mua. Do đó, nhóm One Piece đã thành lập một dự án truyền thông nhằm giúp làng hương Yên Phụ trở nên thân quen hơn đối với người Hà Nội.
Làng da giày Phú Yên thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phốHà Nội. Làng nghề Phú Yên nổi tiếng từ hơn 100 năm nay, do 2 cụ Nguyễn Lương Nghè và Nguyễn Lương Mạc sau khi học được nghề đã về quê truyền lại cho các thế hệ dân trong làng.
Các cơ sở sản xuất tại Làng nghề Phú Yên làm tất cả các khâu, từ cắt may da, thiết kế, tạo khuôn, gò giày…theo đơn hàng gia công, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Làng nghề da giầy Phú Yên được công nhận làng nghề truyền thống và điểm du lịch của Hà Nội, nhiều nghệ nhân giỏi đạt danh hiệu nghệ nhân bàn tay vàng. Để tiếp tục phát huy ưu thế của làng nghề, nhóm Legendary có những ý tưởng sáng tạo giúp cho làng da giày Phú Yên có thể vươn xa hơn nữa trong thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Các cơ sở sản xuất tại Làng nghề Phú Yên làm tất cả các khâu, từ cắt may da, thiết kế, tạo khuôn, gò giày
Làng Ước Lễ là một làng cổ Việt Nam, thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Làng được biết đến nhiều với nghề truyền thống làm giò chả. Người dân Ước Lễ không biết nghề giò chả ở quên mình có từ khi nào và tổ nghề là ai, chỉ biết là có từ rất sớm. Và qua những truyền khẩu, những câu chuyện để mà tự hào về nghề tổ của mình. Họ biết những bí truyền trong nghề, đúc rút những kinh nghiệm để sống bằng nghề và ngày càng sáng tạo sao cho sản phẩm của làng trở thành những tinh hoa đa dạng và phong phú. Chính vì thế giò chả Ước Lễ không chỉ nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc mà còn có tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay, số hộ gia đình làm giò chả tại làng không còn nhiều. Vì lẽ đó, nhóm Airblade với mong muốn bảo tồn và phát triển làng nghề thực hiện một kế hoạch truyền thông mà mang ý tưởng này tham dự cuộc thi Media Leaders.
Giò chả Ước Lễ không chỉ nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc mà còn có tiếng ở nhiều nước trên thế giới
Vậy ý tưởng phát triển làng nghề nào xuất sắc nhất? Làng lụa Vạn Phúc, làng hương Yên Phụ, làng da giày Phú Yên hay làng giò chả Ước Lễ? Câu trả lời sẽ có trong đêm chung kết của cuộc thi Media Leaders diễn ra vào lúc 18g30 thứ 7, ngày 7/11/2015 tại Tầng 15, Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đông Hoa