Siêu dự án thành phố mới Bình Dương 10 tỷ USD hiện giờ ra sao?
Thành phố có 7 phân khu chức năng gồm trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán; công viên công nghệ kỹ thuật cao; trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học; khu phục vụ cộng đồng (quảng trường, công viên, hồ sinh thái…); khu văn phòng cho thuê, nhà hàng, khách sạn cao cấp và khu các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngoài nhiều con đường rộng lớn dẫn vào ra khu đô thị hoành tráng này, bốn bề vẫn còn khá hoang vắng.
Tại đây, hàng ngày vẫn diễn ra hiện tượng người rao bán nhà đất thì nhiều nhưng người mua thì không nhiều!
Nhiều công ty đã đổ ra hàng tỷ đồng để chạy chiến lược quảng bá, vực dậy dự án nhưng đến nay mọi thứ vẫn "im ắng".
Khi cơn khủng hoảng thị trường bất động sản "càn quét" liên tiếp từ các năm 2008-2013, hàng loạt dự án nhà ở tại tỉnh này đều rơi vào tình trạng "đóng băng" mãi cho đến tận thời điểm hiện nay.
Theo quan sát, ngoài tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh, trường đại học miền Đông, còn lại tại đây đang có một số dự án chung cư và nhà phố được xây dựng cùng thời điểm khởi công thành phố mới nhưng hầu như rất ít người sinh sống. Qua tìm hiểu được biết, đa phần những người đang thuê nhà sinh sống tại các dự án này đều đang làm việc tại các khu công nghiệp cạnh thành phố mới.
Sôi động nhất vẫn là các tuyến đường quanh trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, hàng quán "mọc" lên chỉ phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính
Nhiều con đường rộng lớn đã được đầu tư ngay từ khi dự án mới bắt đầu, nhưng lâu nay chỉ phục vụ cho các loại xe tải hạng nặng ra vào nhiều khu công nghiệp xung quanh
Một khu trường trung học được xây dựng khá bắt mắt cách trung tâm hành chính tỉnh khoảng 500m
Con đường chính dẫn từ thành phố Bình Dương (cũ) vào trung tâm khu thành phố mới. Dọc trên con đường này hiện có vì dự án nhà ở nhưng vắng bóng người. Phần lớn khách hàng đã mua nhà nhiều năm trước đây đã cho thuê lại để người khác kinh doanh quán nước, ăn uống
Một trong những dự án nổi bật ở thành phố này là khu phố thương mại dịch vụ Uni – Tower do Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) làm chủ đầu tư. Hàng trăm căn nhà phố được xây dựng đồng bộ, hạ tầng đầy đủ. Khu nhà ở được bao quanh bởi các tuyến đường chính rộng 6 làn xe như Phạm Văn Đồng, Lê Hoàn, cách đường Nguyễn Văn Linh không xa. Tuy nhiên xe cộ qua lại khu vực này rất ít.
Chuỗi dự án Uni-Tower được đầu tư xây dựng khá quy mô nhưng con số người đến ở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo quan sát, do không có người sinh sống, nhiều dãy nhà bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp nhanh chóng
Những dãy nhà vắng chủ gần 10 năm nay
Trao đổi với một số nhân viên môi giới nhà đất tại đây, được biết giá đất ở thành phố mới Bình Dương đang được chào bán khoảng 10-15 triệu đồng/m2, nhưng phần lớn khách hàng không chuộng do nơi này đang rất thiếu các loại hình dịch vụ. Thành phố mới chỉ nhộn nhịp trong các ngày làm việc bởi người dân đến khu trung tâm hành chính để thực hiện các loại thủ tục liên quan, còn ban đêm không ai dám đi qua các tuyến đường này do rất vắng vẻ.
Một trong đang dự án nhà ở đã được Becamex đầu tư - chung cư TDC Plaza nhưng phần lớn kéo dân cho thuê.
Khu vực này gần 10 năm qua rất ít hoạt động xây dựng dự án.
Khu đô thị đại học Miền Đông nằm ngay trung tâm thành phố mới, đối diện trung tâm hành chính tập trung tỉnh.
Trái ngược với kỳ vọng về một thành phố sinh động và đáng sống với hàng loạt dự án BĐS tầm cỡ, có dự án được "vẽ" ra với quy mô hàng tỷ đô la, hiện Bình Dương mới chỉ có số ít dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, còn lại nhiều khu đô thị hơn 10 năm qua vẫn còn dang dở, bỏ hoang không người ở.
Xét về nguồn cung, thời gian qua hầu như nơi này các chủ đầu tư không triển khai thêm dự án căn hộ, đất nền nào mới mà chỉ tiếp tục mở bán các giai đoạn tiếp theo của dự án hiện hữu. Nguồn cung mới hạn chế, giao dịch nhà đất trong các năm qua gần như giậm chân tại chỗ.
Nhiều năm qua, rất nhiều chủ đầu tư lớn nhỏ, ngay cả các công ty môi giới thứ cấp cũng đã phải "khóc ròng" trên đống tài sản không thể nào bán được.
Theo ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, cho rằng thành phố mới Bình Dương đưa ra tầm nhìn quá xa so với thực tiễn. Vấn đề cốt lõi của Bình Dương là chính sách đưa dân về khu vực Thành phố mới. Để về đây không hề đơn giản, muốn thực hiện phải có những chính sách lâu dài.
"Theo tôi, cần tập trung vào những doanh nhân, những nhà kinh doanh. Lý do, họ sẽ tạo ra được công ăn việc làm, khi đó người lao động cũng sẽ tập trung về đây theo họ làm việc cho họ”, ông Chánh nói. Gần đây, dựa vào thông tin nhiều dự án hạ tầng lớn sẽ được "kéo" dài từ TP.HCM về trung tâm tỉnh, nhiều sàn môi giới lập tức lên chương trình "săn đón" khách hàng, nhưng tâm lý chung của khách hàng vẫn e dè, không muốn tiếp tục "rơi" vào vùng đất một thời chỉ thấy "cỏ nhiều hơn người".
Dự án Becamex Tokyu cũng chung số phận "hẩm hiu" sau nhiều năm được đầu tư.
Một trong số nhiều dự án "cầm cự" qua ngày tại thành phố mới Bình Dương.
Một xu hướng thấy rõ, có nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn đã tính chuyện bán đứt dự án, rút khỏi thị trường Bình Dương, hoặc bắt tay hợp tác cùng đối tác khác để cầm cự, và cũng có tình trạng chủ dự án ký gửi toàn bộ tài sản của mình cho các sàn môi giới.
Cũng theo ông Chánh, giá bất động sản ở đây cũng đã bị đẩy lên cao so với bản chất của nó. “Có thời điểm tôi tìm hiểu thị trường thành phố mới giá lên tới 8 – 9 tỷ đồng/căn. Đây cũng là điểm nghẽn của khu vực này” - Ông Chánh chia sẻ.
Theo đại diện một số công ty dịch vụ nhà đất tại Bình Dương, các giao dịch hiện nay chỉ diễn ra ở một số dự án đã có từ nhiều năm nay, hiện giờ chủ đầu tư làm mới lại dự án và đưa sản phẩm ra thị trường.
Khu nhà ở 100 triệu đồng dành cho người thu nhập thấp nằm cạnh rìa thành phố mới, giáp với một số khu công nghiệp lớn.
Thành phố mới Bình Dương gần đây được nhắc đến nhiều do Becamex khá thành công trong các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.
Được biết trong lĩnh vực phát triển khu đô thị, ngoài Dự án Thành phố mới Bình Dương, Becamex IDC còn có các dự án như Becamex City Center với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, dự án Ecolakes Mỹ Phước với tổng mức đầu tư gần 620 triệu USD trong vòng 7 năm.. Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương hay dự án nhà ở an sinh xã hội Becamex… với quy mô mỗi dự án lên đến hàng trăm ha.
Becamex hiện cũng là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, với các dự án đã phát triển bao gồm Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1-2-3, Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước và góp vốn với Sembcorp Industries thành lập Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP).
Đăng Khải