Siết cho vay tiêu dùng với công ty tài chính
FE Credit là một trong những công ty tài chính tăng trưởng mạnh trong những năm qua. |
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Các công ty tài chính cũng chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đã, đang vay tại đơn vị đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia đến thời điểm gần nhất tính từ khi ký hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định nhằm “siết” cho vay tiêu dùng, bởi trước đó, nhiều thông tin liên quan đến việc các công ty tài chính áp dụng lãi suất rất cao đối với người vay. Mặc dù không đến mức “cắt cổ” như "tín dụng đen", nhưng lãi suất mà một số công ty tài chính đưa ra cũng khiến người vay chịu áp lực lớn, với mức dao động trong khoảng 20-30%/năm. Cá biệt có những trường hợp phải vay với lãi suất lên tới 40-50%/năm do hồ sơ vay quá yếu, lịch sử tín dụng thiếu minh bạch. Đó là chưa kể tình trạng một số công ty áp dụng kiểu đòi nợ như xã hội đen đối với người vay. Bởi vậy, động thái này của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng, cũng như hỗ trợ quản lý rủi ro, quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính) cho rằng: Về cơ bản, các kiến nghị mới sẽ góp phần hạn chế rủi ro trong tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, nhưng khó có thể loại bỏ hết. Vì khả năng trả nợ của khách hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Ngay cả đối với những người vay với mục đích lành mạnh, có lịch sử trả nợ tốt vẫn có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nếu bị tác động bởi những yếu tố khách quan...
Ngoài ra, những quy định mới trong dự thảo có thể tác động lớn tới hoạt động cho vay của các công ty tài chính, cũng như việc tiếp cận khoản vay của khách hàng. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng, song thực tế, hiện hoạt động này tăng mạnh thông qua các gói cho vay tiền mặt mà các công ty tài chính đang triển khai. Có những công ty tài chính còn đưa ra những gói vay vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã đến lúc các công ty tài chính cần được đưa vào khuôn khổ hoạt động với những quy định chặt chẽ hơn, để những khoản nợ xấu không có cơ hội “phình” ra nhờ những tiêu chuẩn vay quá thông thoáng. Bên cạnh đó, lãi suất mà các công ty tài chính áp dụng không thể đẩy lên quá cao, mang đến áp lực cho những người vay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: Ngành Ngân hàng đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế "tín dụng đen". Ngân hàng Nhà nước cũng quyết liệt đưa ra những chính sách, chương trình phục vụ ưu đãi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ban hành các văn bản, ký kết các chương trình phối hợp công tác với các tổ chức chính trị xã hội... để kịp thời điều chỉnh các chính sách phù hợp, đạt kết quả tốt.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình nỗ lực đẩy lùi "tín dụng đen", nhưng không vì vậy mà các công ty tài chính tiêu dùng có thể nới lỏng chế độ quản trị rủi ro tín dụng. Các công ty tài chính vẫn phải tuân thủ những quy định an toàn của hệ thống ngân hàng để bảo đảm tăng trưởng trong dài hạn. Mặc dù các công ty tài chính đã giúp nhiều người dân có cơ hội tiếp cận vốn vay, nhưng với việc đòi nợ kiểu xã hội đen của một số đơn vị, cho vay tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, đã đến lúc hoạt động của các công ty tài chính cần phải được kiểm soát và siết chặt hơn.