Sẽ phát triển đa dạng du lịch đêm ở Hội An
-Thưa ông, trước tiên xin ông cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh về phát triển kinh tế đêm ở Quảng Nam ở thời điểm này có gì thay đổi, bổ sung so với trước đây không ?
-Trước đây, loại hình du lịch đêm, bao gồm các hoạt động kinh tế, nhất là các hoạt động giải trí đêm, tại Quảng Nam chưa có hoạt động nào sôi nổi, trừ một vài điểm tại vùng lõi của phố cổ Hội An.
Xuất phát từ nhu cầu chính đáng về hoạt động vui chơi giải trí của du khách vào ban đêm, nhiều nhà cung cấp dịch vụ, cũng như khách du lịch quan tâm, đề xuất thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phải tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Từ khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm, thí điểm ở một số thành phố du lịch trên cả nước; Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, trong đó có TP. Hội An, Quảng Nam.
Hội An về đêm |
Về quan điểm của lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm và tập trung chỉ đạo về phát triển kinh tế đêm ở Quảng Nam, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 146/TB-UBND ngày 05/5/2023 của UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2023; Thông báo số 245/TB-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý các loại hình sản phẩm du lịch tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 5869/KH-UBND ngày 30/8/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chỉ đạo UBND thành phố Hội An chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm xây dựng sản phầm du lịch đêm trên địa bàn thành phố trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện, sớm phục vụ du khách các hoạt động tham quan, giải trí, mua sắm, văn hóa, ẩm thực vào ban đêm diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Hiện nay, UBND thành phố Hội An đã thuê đơn vị tư vấn là Hiệp hội du lịch Quảng Nam đang nghiên cứu, xây dựng đề cương nhiệm vụ và dự toán “Đề án thí điểm xây dựng sản phầm du lịch đêm trên địa bàn thành phố Hội An”, dự kiến đến tháng 4 năm 2024 sẽ hoàn thành.
-Là 1 địa phương có rất nhiều lợi thế về du lịch ở miền Trung và Quảng Nam cũng đã tận dụng tương đối thế mạnh của mình để phát triển ngành “công nghiệp không khói” này, tuy nhiên thưa ông, vì sao kinh tế đêm vẫn chưa thực sự gây ấn tượng với khách du lịch?
-Thực tế hiện nay, sản phẩm du lịch và các dịch vụ về đêm đang hoạt động tại thành phố Hội An nhưng chưa đa dạng, phong phú, các hoạt động vui chơi giải trí và hoạt động mang tính “hội” còn khiêm tốn, không thường xuyên để tạo nên thương hiệu đủ mạnh thu hút sự quan tâm, tạo ấn tượng cho du khách; phần lớn các hoạt động ở đây được tổ chức dưới các hình thức như mua sắm, ăn uống, dạo đêm, tụ điểm ca nhạc quy mô rất nhỏ chưa trở thành sản phẩm độc đáo, thời gian hoạt động ngắn chỉ diễn ra đến 10 giờ đêm là kết thúc.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Nguyên nhân của thực trạng trên có rất nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là thiếu định hướng quy hoạch cụ thể những phân khu để phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch đêm, nhất là cơ chế và chính sách hỗ trợ.
Hiện nay, tại Hội An các cơ chế hiện tại chỉ phản ảnh phần nào định hướng phát triển kinh tế cho địa phương. Các hoạt động vui chơi tại một số điểm du lịch chủ yếu ở khu vực bên trong phố cổ Hội An như thả hoa đăng, hát bài chòi hoặc du thuyền kiểu tự phát dọc sông Hoài…tuy được tổ chức nhưng thiếu đánh giá nhu cầu và mong muốn từ du khách trong và ngoài nước, cũng như chưa được hình thành dựa trên những đánh giá khoa học, bài bản các số liệu thống kê hoặc báo cáo cụ thể về đóng góp của hoạt động kinh tế đêm đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội để từ đó đưa ra những cơ chế hỗ trợ, xây dựng những khu riêng biệt, quy mô, có những hoạt động phong phú hơn, an toàn hơn, có kiểm soát để bổ trợ cho các hoạt động tham quan, du lịch của du khách.
Chính vì thế, khi chưa có cơ chế và công cụ quản lý hiệu quả, chính quyền địa phương thường áp dụng hình thức cấm hoặc không cho phép tổ chức hoạt động. Từ đó, bài toán về vừa phát triển kinh tế - du lịch, vừa đảm bảo an toàn - trật tự xã hội vẫn chưa có một lời giải thỏa đáng, đúng khoa học, bắt kịp với xu thế của thời đại.
-Đâu là những vướng mắc trong quan niệm, cơ chế quản lý về kinh tế đêm cần tháo gỡ để khái niệm này được triển khai và bứt phá đúng với ý nghĩa của nó, thưa ông?
-Thực hiện Thông báo số 245/TB-UBND ngày 14/8/2023 tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý các loại hình sản phẩm du lịch tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng, UBND thành phố Hội An đã chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm xây dựng sản phầm du lịch đêm trên địa bàn thành phố, đến nay, thành phố Hội An đã thuê đơn vị tư vấn là Hiệp hội du lịch Quảng Nam xây dựng đề án, đơn vị này đang lập đề cương nhiệm vụ, dự toán và đang tiến hành các bước tiếp theo để xây dựng đề án.
Trước mắt, triển khai hoạt động kinh tế đêm có thể khởi nguồn, bắt đầu từ việc xây dựng các khu phố kết nối phố cổ Hội An đến thị xã Điện Bàn và Đà Nẵng theo trục ven biển, cần quy hoạch xây dựng những khu phố mới chạy dọc ven biển, phát triển thành khu phố đi bộ với các trung tâm mua sắm, trình diễn thời trang, âm nhạc, chăm sóc sắc đẹp, thể thao, giải trí quy mô, đẳng cấp, cửa hàng bán đặc sản địa phương xem kẽ với các khu vui chơi giải trí.
Trong tương lai gần, có thể phát triển khu từ vực phía nam cầu Cửa Đại, trong đó lấy khu Nam Hội An, mà trung tâm là khu nghỉ dưỡng Hoiana làm điểm nhấn và phát triển lan toả dọc theo trục đường về Hội An và về phía khu du lịch Vinpearland Nam Hội An.
Xa hơn nữa, khu vực biển Tam Thanh của TP. Tam Kỳ và khu vực Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành) có thể phát triển thành những thiên đường nghỉ dưỡng kết hợp hoạt động du lịch biển và biến những nơi này thành “thiên đường của những tuần trăng mật”, nơi yếu tố thiên nhiên, riêng tư và tĩnh lặng được xem là ưu tiên hàng đầu cho loại hình nghỉ dưỡng này.
-Xin ông cho biết dự định khai thác thế mạnh đặc thù của Quảng Nam để phát triển kinh tế đêm?
-Chúng tôi sẽ phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Hội An đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, hình thành các khu phố đi bộ, phố ẩm thực, các trung tâm mua sắm, trình diễn thời trang, âm nhạc, chăm sóc sắc đẹp, thể thao, giải trí quy mô, đẳng cấp, chú trọng sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa sâu sắc, là lợi thế của địa phương, tạo điểm nhấn và khác biệt, hạn chế trùng lặp ở các địa phương khác, khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Quảng Nam.
-Trân trọng cảm ơn ông!