Sau khi bị Ukraine bán với giá... sắt vụn, xe tăng quốc bảo của Liên Xô "đi đâu, về đâu"?
Đồn đoán khi ấy cho rằng đó là nước Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tới năm 2016, thỏa thuận giữa hai phía mới chính thức được công bố. Theo thông tin do Ukraine cung cấp cho Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường của Liên Hiệp Quốc, nước này đã chuyển giao cho Congo 25 trên tổng số 50 xe tăng theo hợp đồng ký kết năm 2014.
Thỏa thuận này không chỉ gây chú ý bởi bên mua và bên bán, mà còn bởi loại xe tăng được cung cấp. Cho tới trước thời điểm đó, Liên Xô chưa từng bán T-64 cho quốc gia nước ngoài nào.
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được thừa hưởng hàng trăm xe tăng T-64. Kiev đã quyết định tân trang và bán chúng ra nước ngoài bởi với họ, xuất khẩu vũ khí mang lại nguồn ngân sách quan trọng cho quân đội và nền kinh tế.
Theo trang mạng War is Boring, T-64BV-1 là phiên bản nâng cấp của mẫu xe tăng thời Chiến tranh Lạnh được thiết kế chuyên để xuất khẩu sang các nước thế giới thứ ba.
Gói nâng cấp bao gồm 1 pháo KBA3 125mm, giáp phản ứng nổ để tăng cường khả năng bảo vệ của xe tăng trước các loại đạn và vũ khí chống tăng.
T-64BV-1 được trang bị súng máy NSVT 12,7mm và súng máy đồng trục PKT 7.62mm. Các ống phóng lựu đạn khói được gắn ở phía bên trái tháp pháo.
Không như nhiều mẫu xe tăng hiện đại, T-64BV-1 có chi phí rẻ và không đòi hỏi yêu cầu huấn luyện quá cao. Đối với một nước như Congo - nơi đang phải đối mặt với các đối đe dọa từ xe tăng, 250.000 USD/chiếc xe tăng T-64BV-1 (theo trang Ukrainian Defense Review) là mức giá quá hời. Trong khi đó, một chiếc xe tăng M1-Abrams của Mỹ đã có chi phí lên tới 4,3 triệu USD.
Lục quân Congo có quy mô tương đối lớn trong khu vực, với quân số 103.000 người. Họ có nhiệm vụ bảo vệ một quốc gia có diện tích chỉ bằng phần phía đông sông Mississippi của Mỹ, với dân số hơn 82 triệu người.
Theo Viện nghiên cứu chiến lược, lực lượng thiết giáp của lục quân Congo có quy mô đáng kể, bao gồm 12-17 xe tăng Type 59 từ Trung Quốc, 32 xe tăng T-55 và 100 xe tăng T-72AV (với trang bị tốt hơn) mua từ Ukraine.
Ngoài ra, họ còn có hàng chục xe trinh sát bọc thép có nguồn gốc từ Pháp, 20 xe chiến đấu BMP-1 và 144 xe bọc thép chở quân. Tuy nhiên, những con số này có thể không thực sự chính xác do những khó khăn trong việc theo dõi số liệu về trang thiết bị quân sự của Congo.
Các xe tăng của Congo đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột, chẳng hạn như trong chiến dịch chống lại nhóm phiến quân M23 (bị đánh bại năm 2013).
Theo War is Boring, các xe tăng T-64BV-1 được chuyển giao đúng vào thời điểm đang xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn tại Congo. Hàng nghìn người đã thiệt mạng và hơn 1,4 triệu người phải lưu vong do cuộc chiến ở Kasai.
Xác của những tên phiến quân (do quân chính phủ Congo và lực lượng dân quân đồng minh tiêu diệt) cùng thi thể của những người dân thường bị chúng hành quyết đã lấp đầy hàng chục ngôi mộ tập thể tại đây.
Liên Hiệp Quốc đã nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí đối với chính phủ Congo vào năm 2016, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm đối với "các nhóm vũ trang". Trong khi đó, quân đội Congo lại dựa vào những nhóm như vậy để tăng cường số lượng.
Tổng thống Congo Joseph Kabila, tái đắc cử vào năm 2001 sau khi cha của ông bị vệ sĩ ám sát, cũng đang cố gắng củng cố và giữ chặt quyền lực của mình bằng cách đàn áp các cuộc biểu tình.
Và giờ đây, khi lệnh cấm vũ khí được nới lỏng, ông Kabila đã nhanh chóng tiến hành nâng cấp các xe tăng T-64 mua từ Ukraine.
QS