Sáng kiến công nghệ góp phần xây dựng cộng đồng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái
Toàn cảnh buổi lễ
Ở Việt Nam, dân số thành thị đang phát triển nhanh chóng. Đến năm 2015, 35,7% dân số Việt Nam sống ở thành thị và ước tính con số này sẽ lên đến 40% tới 2020. Quá trình đô thị hoá mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong việc cung cấp và duy trì các dịch vụ công dễ tiếp cận, chi phí phù hợp và an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghiên cứu của AAV và Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường phát triển (CGFED) được thực hiện tại Việt Nam vào năm 2014 cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Một nghiên cứu tiếp theo cho thấy 63% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng ở những địa điểm công cộng, 51% cảm thấy không an toàn trên xe buýt và ở trạm dừng xe buýt.
Bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới không chỉ là vấn đề bực thiết ở khu vực thành thị. Vào năm 2010, 58% phụ nữ đã kết hôn ở Việt Nam cho biết đã trải qua tình trạng lạm dụng thể chất, tình dục, tâm lý hoặc kinh tế trong cuộc đời mình. Trong đó 27% phụ nữ báo cáo họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng 1 năm trở lại. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn ở thành thị.
Ông Tạ Việt Anh phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý AFV cho biết: Để góp phần giải quyết tình trạng vi phạm quyền và sự an toàn của phụ nữ ở Việt Nam, Quỹ AFV với sự hỗ trợ của Cơ quan Viện trợ Ailen và AAV sẽ triển khai dự án “Cộng đồng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam”. Mục tiêu chung của dự án là nâng cao năng lực, tiếng nói và hành động tập thể của phụ nữ và trẻ em gái như là các chủ thể quyền. Các bên liên quan khác trong xã hội như nam giới, thanh niên và chính quyền địa phương cần thúc đẩy cộng đồng an toàn thông qua các cơ chế bảo vệ hiệu quả để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trong không gian công cộng.
Nhằm xây dựng một cộng đồng an toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em gái, năm 2017, một ứng dụng chạy trên điện thoại thông minh với tên gọi “S-city ActionAid” đã được AAV xây dựng. Với tính năng cần thiết như gọi cứu trợ khẩn cấp, cảnh báo an toàn, đánh giá chất lượng dịch vụ công, kể từ khi ra mắt vào tháng 6/2017, S-city đã thu hút được gần 1000 người sử dụng.
Dự án “Cộng đồng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam” do IrishAid tài trợ sẽ là một nỗ lực đưa phần mềm S-city gần hơn và tới nhiều người dân Việt Nam hơn, để tận dụng hiệu quả công nghệ vào việc phòng chống bạo lực, quấy rối, xây dựng cộng đồng an toàn và thân thiện. Dự án có tổng ngân sách gần 100.000 Euro, sẽ được AAV, AFV và Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia thực hiện tại Hà Nội trong năm 2018.
Giao diện ứng dụng S-city.
Bên cạnh việc nâng cấp ứng dụng S-city với đầy đủ chức năng, dự án mong đợi sẽ có khoảng 10.000 người dùng. Dự án còn tận dụng những dữ liệu và thông tin từ phần mềm để vẽ nên một bức tranh tổng quan về tình trạng an toàn tại các thành phố và cộng đồng ở Việt Nam. Đây chính là một đầu vào quan trọng để vận động việc thí điểm và lồng ghép bộ tiêu chí Thành phố và cộng đồng An toàn trong các quyết định chính sách và cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam.
Ứng dụng S-city có nhiều chức năng hữu ích như tìm đường, báo động an toàn, gọi điện thông báo hỗ trợ khẩn cấp. đánh giá chất lượng dịch vụ và báo cáo tình trạng quấy rối. S-city có thể được tải miễn phí từ App Store (cho trình duyệt iOS), CH Play (cho trình duyệt Android) và Window Store (cho trình duyệt Window) với từ khoá “S-city ActionAid”
Thuỳ Linh