San hô kêu cứu!
Đảo cát nổi giữa biển Hội An ngày càng tăng kích thước Ngắm bãi biển cát đen độc đáo ở biển Cần Giờ Ngăn chặn và bảo vệ các rạn san hô tự nhiên ở Hòn Yến (Phú Yên) |
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) đã và đang tiến hành khảo sát các rạn san hô trên địa bàn tỉnh Phú Yên để tìm giải pháp bảo tồn và phục hồi hiệu quả theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh này.
Nguy cơ bị xâm hại
Chi cục Biển và Hải đảo - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết vùng biển gần bờ Phú Yên hiện có 182 loài san hô. Tuy nhiên, do nằm ở gần bờ nên hầu hết các rạn san hô này đang bị xâm hại.
Trong đó, khu vực danh thắng quốc gia quần thể Hòn Yến (xã An Hòa, huyện Tuy An) có 17 loài sinh sống và phát triển tốt. Vào ngày rằm hằng tháng, khi thủy triều xuống, lộ ra các rạn san hô tuyệt đẹp, thu hút đông du khách đến tham quan.
Cũng vì vậy, san hô Hòn Yến đang chịu tác động lớn từ con người. Anh Hồ Văn Trung, một người dân địa phương, bày tỏ lo lắng: "Khách du lịch kéo nhau ra bãi, giẫm đạp lên san hô để chụp hình. Nhìn san hô ở ngay khu vực danh thắng quốc gia bị xâm hại, người dân địa phương chúng tôi xót lắm".
Tại Khánh Hòa, Khu Bảo tồn biển Hòn Mun là nơi có rạn san hô đẹp nhất với 350 loài san hô. Thế nhưng, san hô nơi đây cũng chịu áp lực nhiều từ lượng du khách trên 6,3 triệu lượt mỗi năm đến Khánh Hòa, trong đó tour đảo, lặn ngắm san hô luôn được nhiều du khách lựa chọn. Nhiều hướng dẫn viên lặn biển phản ánh khá nhiều rạn san hô bị hư hại, đứt gãy, mắc đầy rác thải. Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, thừa nhận du khách đến quá đông, nhiều du khách thiếu ý thức đã tác động tiêu cực đến san hô, đây là điều không thể tránh khỏi.
Tổ chức Nghiên cứu san hô Reef Ecologic (Úc) cũng vừa kết thúc việc nghiên cứu và khảo sát Khu Bảo tồn biển Hòn Mun. TS Adam Smith, đồng Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu san hô Reef Ecologic, cho rằng Hòn Mun đang đối mặt với sự tác động của con người và những sinh vật có hại. "San hô nơi đây đang bị tác động rất lớn từ con người, như xả rác, giẫm đạp và khai thác hải sản bừa bãi. Nếu không có cách bảo tồn phù hợp thì chẳng mấy chốc rạn san hô ở đây sẽ biến mất. Để có được một rạn san hô đẹp phải mất đến 30 triệu năm nhưng để phá nó chỉ mất nửa năm" - TS Adam Smith khuyến cáo.
Rạn san hô ở Hòn Yến (Ảnh: Zing). |
Tìm cách bảo vệ
Ban Quản lý vịnh Nha Trang đang phối hợp với các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành việc cấy lại số san hô bị gãy lên vùng nước ở phía Bắc Hòn Mun, với diện tích hàng nghìn mét vuông. Những mẩu san hô bị gãy nhưng vẫn còn tốt để trồng lại ở khu vực phía Bắc Hòn Mun tạo thành vườn ươm. Sau đó lấy nguồn này phục hồi cho các khu vực bị thiệt hại ở khu bảo tồn biển này. "Thực sự thì việc cấy ghép rất khó khăn nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi nên những tập đoàn san hô bị hư hỏng đã phục hồi rất nhanh. Điều quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền ý thức cho người dân, du khách để bảo vệ rạn san hô, tránh tác động tiêu cực như xả rác bừa bãi, lặn biển giẫm đạp san hô, thả mỏ neo tàu gây hư hại" - ông Huỳnh Bình Thái nói.
Liên quan đến bảo tồn san hô, từ năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đặt hàng Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện đề tài "Nghiên cứu đề xuất một số khu vực có thể phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô phục vụ du lịch sinh thái biển Khánh Hòa". Trong giai đoạn đầu thực hiện, tỉ lệ sống của san hô phục hồi đạt khá, với tỉ lệ 49%.
Tại Phú Yên, sau khi khảo sát các rạn san hô ở phía Bắc của tỉnh như Hòn Yến, Hòn Chùa, Lao Mái Nhà, ngày 19-4 vừa qua, đoàn công tác của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tiến hành khảo sát ở Vũng Rô. Tiến sĩ Đặng Hồng Triển, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, nói đoàn sẽ khảo sát thực tế một cách chi tiết để từ đó có phương án cụ thể trong việc bảo tồn các rạn san hô nơi đây.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, bày tỏ lo ngại trước nguy cơ san hô bị xâm hại. Ông Thế nhấn mạnh: "Không chỉ là bảo tồn, việc cần đặt ra cho tỉnh Phú Yên là phải phục hồi các rạn san hô để từ đó kết hợp với phát triển du lịch bền vững".
Với riêng danh thắng quốc gia quần thể Hòn Yến, trước khi có những giải pháp căn cơ, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, khẳng định huyện đã ký hợp đồng, thuê nhân viên bảo vệ để ngăn chặn nạn khai thác san hô trái phép, nhắc nhở du khách không xả rác, giẫm đạp lên san hô.
Hòn Cau bị đe dọa Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có diện tích 12.500 ha, là nơi đa dạng về tài nguyên sinh vật biển thuộc loại bậc nhất nước. Riêng san hô đã có 234 loài. Theo quy định, khách du lịch ra đảo Hòn Cau phải đăng ký với ban quản lý khu bảo tồn biển này. Tuy nhiên, hiện có nhiều trường hợp du khách ra đảo chỉ liên hệ với các chủ tàu là người dân địa phương để họ trực tiếp chở ra đảo. Anh Bùi Huy Cường, nhân viên Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, cho biết hiện đội tuần tra của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau có 4 người, quản lý không xuể lượng khách đến đảo vào các mùa cao điểm. Còn theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, không chỉ khách du lịch, điều lo ngại hơn là tình trạng người dân địa phương lặn vào các vùng cấm để khai thác san hô làm hàng mỹ nghệ, vô tư giẫm đạp, phá hủy san hô. "Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng và chính quyền địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát việc khai thác trái phép này" - ông Phúc nhấn mạnh. |
Xem thêm
Hành trình 700 năm lịch sử của một làng nghề đóng tàu ở Nghệ An Làng Trung Kiên (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) được biết đến là một làng nghề đóng thuyền có truyền thống lâu ... |
Top đặc sản mang đậm hương vị của đất Quy Nhơn Bánh xèo tôm nhảy, nem chợ Huyện, mắm nhum, bún chả cá… là những món đặc sản mang đậm hương vị của đất Quy Nhơn ... |
Tàu biển tiền tỷ "made in" Quất Lâm Bắt đầu từ công việc sửa chữa vài chục năm trước, dần dần người thợ ở Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định) đã tự đóng ... |
Thăm Quy Nhơn phải ghé Cù Lao Xanh không thì phí cả chuyến đi "Cái gì cũng rẻ" là câu nói của du khách mỗi khi đến với Quy Nhơn. Đâu chỉ có vậy, hải sản tươi sống, điểm ... |