Ra mắt bộ công cụ ngăn ngừa bạo lực giới học đường tại Việt Nam
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phát biểu tại sự kiện.
Bộ công cụ được giới thiệu trong chương trình Hội thảo Tập huấn công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo, ChildFund Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/1.
Ước tính mỗi năm có tới 246 triệu trẻ em gái và trẻ em trai bị bạo lực ở trường học trên toàn thế giới. Bạo lực giới ở trường học gây tổn hại tương đương với chi phí cho một năm học ở bậc tiểu học – khoảng 17 tỷ USD/năm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình – con số này cao hơn tổng số tiền mà nước ngoài tài trợ hàng năm cho các can thiệp giáo dục tại các nước nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam gần đây đã xảy ra một số trường hợp bạo lực giới trong học đường, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập, sức khỏe tâm lý, khiến các em bị rối nhiễu, tự ti, trầm cảm, có thể dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục trong đó có HIV, tăng nguy cơ bỏ học,...
Theo một nghiên cứu do UNESCO tiến hành về bạo lực giới ở trường học tại 6 tỉnh ở ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam vào năm 2015, có tới trên một nửa số học sinh tham gia nghiên cứu cho biết từng là nạn nhân của ít nhất một hành vi bạo lực trong vòng 6 tháng trước đó, trong đó học sinh các lớp đầu cấp II là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Trước thực tế trên, bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng: Ngăn ngừa bạo lực giới học đường” đã ra đời với mục tiêu hỗ trợ giáo viên THCS trong việc phòng ngừa bạo lực giới trong trường học, thông qua các hoạt động và bài học mang tính tương tác.
Bộ công cụ là công trình nghiên cứu của trường Đại học Melbourne (Australia), Nhóm công tác Khu vực về Bạo lực giới ở trường học, thuộc Sáng kiến Giáo dục cho Trẻ em gái khu vực Đông Á Thái Bình Dương (UNGEI) và dự án Đoàn kết để chấm dứt bạo lực với phụ nữ (với sự tham gia của các tổ chức Plan International, UN Women, UNESCO và UNICEF).
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm từ nhiều chương trình ở các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bộ công cụ bao gồm các hoạt động được thiết kế nhằm khuyến khích các mối quan hệ mang tính xây dựng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các học sinh ở lứa tuổi 11-14.
Cụ thể, bộ công cụ cung cấp các khái niệm, kiến thức và khuyến khích tư duy phản biện của học sinh về bạo lực giới, giúp các em hiểu ảnh hưởng của các chuẩn mực giới tiêu cực và có các hành động phòng ngừa, thay đổi thực trạng này, thông qua các hoạt động theo nhóm, thảo luận, đưa ra ý kiến về những trường hợp trong thực tế cũng như thực hành đóng vai.
Hơn 100 giáo viên đã được tiếp cận với bộ công cụ.
Các hoạt động có thể được sử dụng lồng ghép cho nhiều môn học khác nhau, bao gồm văn học, khoa học xã hội, kỹ năng sống, giáo dục công dân, y tế, giáo dục giới tính. Các hoạt động cũng có thể được áp dụng cho môi trường giáo dục không chính thức như học tập tại cộng đồng hoặc các chương trình xóa mù chữ, cũng như có thể được điều chỉnh để sử dụng cho các học sinh ở nhiều độ tuổi.
Nói về bộ công cụ, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quyết định triển khai thử nghiệm bộ công cụ nhằm xây dựng một nền giáo dục chất lượng, toàn diện và bình đẳng hơn cho mọi trẻ em. Trẻ em cần được học về cách thức xây dựng và duy trì các mối quan hệ trong trường học dựa trên nền tảng tôn trọng và bình đẳng, từ đó các em sẽ áp dụng những nguyên tắc này trong cuộc sống của mình”.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Quốc gia ChildFund Việt Nam chia sẻ: “Trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong một thế giới có nhiều biến động. Các em không chỉ cần nỗ lực học tập thật tốt mà còn cần được hỗ trợ để có những kiến thức, hiểu biết thích hợp về hành vi ứng xử, xây dựng bản lĩnh của công dân toàn cầu để khi lớn lên các em có thể tự tin khẳng định “Tôi được giáo dục, Tôi có tương lai”.
Phi Yến
Ảnh: ChildFund VN