Quyết nắm giữ Ngân hàng, "hậu duệ" ông “Phú Doji” sẽ không núp bóng cha?
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 thì Chủ tịch HĐQT ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác.
Quy định này nhằm minh bạch hóa hoạt động ngân hàng, giảm triệt để tình trạng sở hữu chéo, công ty sân sau, nâng cao quản trị ngân hàng, loại bỏ vấn đề xung đột lợi ích. Chính vì thế, để thực hiện đúng quy định pháp luật, Ông Đỗ Minh Phú sẽ thoái khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Doji và tiếp tục ở lại TPBank để cống hiến và phát triển Ngân hàng.
Được biết, tiền thân của Doji là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/07/1994, do ông Phú gây dựng nên. Việc Doji phát triển lớn mạnh, trở thành một "định chế", với nhiều dấu ấn cảu ông Phú, nên việc rời khỏi Doji đối với ông là quyết định không dễ dàng.
Tuy nhiên, ông Phú cũng cho biết việc chuyển giao tại Doji đã có thời gian chuẩn bị đủ dài.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Phú nói: "Chúng tôi đã có những thế hệ kế cận có thể đảm đương việc đó. Thách thức còn, khó khăn còn nhưng những người cộng sự đã làm với tôi cả thời gian qua ở DOJI có thể làm được".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ông Đỗ Minh Phú có 2 người con là bà Đỗ Vũ Phương Anh (SN 1980) và ông Đỗ Minh Đức (SN 1983) đều đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc tại Doji, "núp bóng" cha điều hành Tập đoàn vàng bạc đá quý này.
Mặt khác, tại TPBank, ông Phú đã có 5 năm gắn bó với ngân hàng này và đã góp công đưa TPBank từ ngân hàng nằm trong Top 9 ngân hàng buộc phải tái cơ cấu đến ngân hàng đầu tiên tái cơ cấu thành công.
Sau 5 năm tái cơ cấu, TPBank đã khôi phục toàn bộ lỗ lũy kế, 9 tháng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm và dự kiến vượt xa với 1.200 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng vừa thực hiện thương vụ bán gần 5% vốn cho đối tác nước ngoài, với giá lên tới gần 30.000 đồng/cổ phiếu. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu chính thức dự tính trong quý 2/2018.
Với diễn biến trên, TPBank trở thành một điển hình trong sự hồi phục của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, sau giai đoạn khó khăn 2011 - 2015 (với cao điểm 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc, trong đó có TPBank).
Sau 5 năm đánh đổi và vượt qua nhiều thử thách, ông Đỗ Minh Phú cho biết ở TPBank ông vẫn còn nhiều việc để làm, và tái cơ cấu thành công mới chỉ là một sự khởi đầu mới, cũng như cho rằng hành trình tới đây TPBank sẽ cần ông hơn.
Được biết, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua, ông Phú là một trong số những lãnh đạo cao cấp buộc phải lựa chọn giữa một bên là chủ ngân hàng và một bên là chủ doanh nghiệp.
Việc ông Phú "đánh tiếng" sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo tại Doji và nhường vị trí điều hành cho các con cho thấy dù không còn là lãnh đạo trực tiếp, ông Phú vẫn rất có thể gián tiếp tác động đến chiến lược và định hướng phát triển của Tập đoàn Doji trong những năm tới.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp, có "sân sau" là ngân hàng sắp tới cũng phải buộc lựa chọn vị trí lãnh đạo như ông Đỗ Minh Phú, có thể kể đến, như: Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tich HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) kiêm Chủ tịch HĐQT BRG Group; ông Dương Công Minh – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam; Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), kiêm Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của Tập đoàn T&T, Chủ tịch CTCP Chứng khoán SHS; Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan; Bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, kiêm Chủ tịch CTCP Thực phẩm sữa TH (TH Milk); Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank, kiêm Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàn Cầu kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Nha Trang, Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty thương mại Hoàn Cầu... |
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại