Quyền anh và câu chuyện về bình đẳng giới ở Pakistan
Trong một khu phố đông đúc và bụi bặm của Karachi, 8 cô gái trẻ đang xếp hàng bên bức tường xi măng, đưa tay lên mặt để cầu nguyện trước khi bước vào buổi luyện tập quyền anh.
Từ 6 tháng nay, các nữ vận động viên tương lai này được huấn luyện tại Câu lạc bộ quyền anh Shaheen ở khu dân cư nhỏ bé Lyari, thuộc Karachi. Đây là một địa bàn phức tạp, hầu như chỉ được biết đến bởi những vụ thanh toán lẫn nhau của các băng đảng xã hội đen.
Mỗi tuần, hàng chục cô gái – tuổi từ 8 đến 17 – đều đến câu lạc bộ sau giờ học để hoàn thiện kỹ năng đấm bốc trong nhiều giờ liền. Các em hy vọng rằng, một ngày nào đó, mình có thể mang huy chương về cho tổ quốc.
“Cháu đã được đào tạo từ khi còn là một đứa trẻ… Cháu sẽ trở thành võ sĩ quyền anh (đẳng cấp) quốc tế. Cháu sẽ khiến cái tên Pakistan trở nên nổi tiếng” – Urooj Qambrani (15 tuổi) chia sẻ.
Một số ít phụ nữ Pakistan được đào tạo để trở thành võ sĩ quyền anh và tranh tài tại Đại hội Thể thao Nam Á vào năm ngoái – huấn luyện viên Younis Qambrani cho hay. Ông chính là người sáng lập ra câu lạc bộ này từ năm 1992.
Theo ông Younis, sự phát triển của môn thể thao dành cho cả nam và nữ giới bị hạn chế bởi tình trạng thiếu thốn trang thiết bị và cơ sở vật chất, nhưng tình hình đang dần được cải thiện.
Pakistan là một quốc gia Hồi giáo bảo thủ. Vì thế, phụ nữ và trẻ em gái nước này còn phải đối mặt với nhiều trở ngại: bị nhóm phiến quân Taliban ngăn không cho đi học, những hành vi bạo lực từ người thân. Trong đó, có một hủ tục là “giết người danh dự”, khi người thân là nam giới có thể sát hại thành viên nữ bị cho là mang lại tiếng xấu cho gia đình.
Tháng 10 năm ngoái, Hiệp hội Quyền anh Sindh tổ chức trại huấn luyện cho các nữ võ sĩ tại Karachi. Đó là lần đầu tiên diễn ra một sự kiện thể thao dành cho phụ nữ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, ở Pakistan.
Một số cô gái – từng tự tập quyền anh tại nhà trước đó – đã đăng ký tham gia trại. Sau đó, họ gặp ông Younis và thắc mắc rằng, tại sao họ không thể đến câu lạc bộ của ông và tập luyện như những vận động viên chuyên nghiệp?
“Một số cô gái rất muốn được đào tạo bài bản, nhưng do áp lực xã hội, tôi đành lảng tránh. Năm ngoái, có cháu đến hỏi: tại sao con gái thì không được huấn luyện?” – ông Younis kể lại. Cuối cùng, ông đã chấp nhận trước lời tâm sự của cô bé: “Chẳng ai dạy chúng cháu cách tự bảo vệ mình cả”.
Kể từ đó, một vài bé gái bắt đầu tham gia các giải đấu. Các em chập chững bước lên võ đài trong bộ trang phục thi đấu màu trắng, đôi găng quyền anh và không quên khăn choàng đầu.
Đối với Anum Qambrani – cô con gái 17 tuổi của huấn luyện viên Younis, có cơ hội để được đào tạo chính thức tại câu lạc bộ chẳng khác việc thực hiện quyền thừa kế là mấy. “2 người chú của cháu và võ sĩ quốc tế, còn cha cháu là một huấn luyện viên. Quyền anh đã ngấm vào máu của cả nhà” – Anum tuyên bố.
Trọng Sang