Nói về quan hệ với Lào, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà chia sẻ hiếm có một mối quan hệ bang giao nào đặc biệt như của Việt Nam với nước bạn Lào, một mối quan hệ được hun đúc từ bề dày lịch sử và sự đồng cảm của hai quốc gia trước nhiều vấn đề lớn. Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Hà về nội dung trên, đặc biệt là về những thành quả trong hợp tác giữa Quốc hội hai nước. |
- Việt Nam và Lào là hai quốc gia có mối quan hệ đặc biệt trên nhiều bình diện, nếu nói riêng về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, xin ông cho biết đâu là nét khác biệt nổi bật nếu so sánh trong sự hợp tác với Quốc hội của một số quốc gia khác. - Việt Nam và Lào là hai quốc gia có mối quan hệ đặc biệt trên nhiều bình diện, điều này xuất phát từ thực tiễn lịch sử Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, cùng sống chung trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, cùng uống chung dòng nước Mekong, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và có mối quan hệ gắn bó với nhau từ lâu đời để cùng đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những đặc điểm, hoàn cảnh đó đã gắn kết hai nước lại với nhau thành một khối thống nhất, gắn bó chặt chẽ, cùng chia sẻ ngọt bùi và đồng cam cộng khổ với nhau trong suốt thời gian qua và đến tận ngày nay. |
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihan chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 15-17/5/2022. |
Trên cơ sở mối quan hệ Lào - Việt Nam không chỉ là mối quan hệ của hai nước láng giềng như các quốc gia khác mà giống như tình anh em trong một gia đình, là mối quan hệ mẫu mực cho quan hệ quốc tế hiếm có, quan hệ toàn diện giữa hai cơ quan lập pháp hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành nét khác biệt nổi bật, nếu so sánh trong sự hợp tác với Quốc hội của một số quốc gia khác. Điều đó thể hiện ở những điểm sau: Về hợp tác song phương: qua các nhiệm kỳ, Quốc hội hai nước, Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào đều ký Thỏa thuận hợp tác, trong đó ngoài việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao, và các cấp trên tất cả các kênh trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước, hai bên đã hình thành cơ chế hợp tác giữa Đại biểu Quốc hội trẻ, nữ Đại biểu Quốc hội hai nước; Cơ chế hợp tác thường niên giữa các Ủy ban, hai Văn phòng Quốc hội/Ban thư ký của hai Quốc hội; cơ chế hợp tác ba bên Campuchia - Lào - Việt Nam giữa các Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Tài chính - Ngân sách về khu vực Tam giác phát triển ba nước. Quan trọng hơn nữa, Quốc hội hai nước đã phát huy vai trò trong việc giám sát, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các Hiệp định, Hiệp ước, thỏa thuận, kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ; thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tìm nguồn vốn cho các dự án kết nối cơ sở hạ tầng chiến lược, góp phần nhất định hỗ trợ Lào vượt qua các khó khăn kinh tế hiện nay, trong đó có vấn đề thiếu hụt ngoại tệ, giúp Lào sớm sửa đổi, bổ sung các quy định và luật liên quan để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh. Cụ thể, trong nhiệm kỳ Quốc hội XIV và khóa XV, hai bên đã tổ chức nhiều Hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm công tác lập pháp giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chỉ trong nửa năm thứ hai của nhiệm kỳ, Quốc hội hai nước đã tổ chức 03 Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào về: (i) Trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam và (ii) Kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, quyết định các dự án quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản đồng chủ trì nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản tháng 12/2021. Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa hai Quốc hội về chủ đề về “Cơ chế chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19” do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản đồng chủ trì nhân chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 5/2022, Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác tập trung vào công tác lập pháp, giám sát các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách, tiền tệ và đầu tư giữa Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Xổm-mạt Phôn-xể-na tháng 7/2022. Hai Quốc hội của hai nước đã tiến hành giám sát chung hiệu quả chuyên đề “Tình hình thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”. Ngoài ra, qua các nhiệm kỳ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đều do đồng chí lãnh đạo cấp cao của Quốc hội hai nước đảm nhận, thể hiện sự coi trọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Đặc biệt hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai và bàn giao dự án xây Nhà Quốc hội mới của Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào; tổ chức trao tặng Huân, huy chương - phần thưởng cao quý của hai nước cho các tập thể một số cơ quan của Quốc hội hai nước. |
Tòa nhà Quốc hội mới của Lào - công trình này là món quà của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào. |
Về hợp tác đa phương: Quốc hội hai nước phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của hai nước trên trường quốc tế, hai bên cũng đã phối hợp rất tốt trong các hoạt động đối ngoại của Quốc hội mỗi nước, đặc biệt là tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế, như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA); đánh giá cao Lào phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 cũng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Có thể nói, không chỉ trong khuôn khổ song phương, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam và Lào còn thể hiện rõ nét tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác tiểu vùng…, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới. Nét đặc biệt trong hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam và Lào đã đóng góp tích cực vào mối quan hệ anh em gần gũi, ngày càng trở nên keo sơn, khăng khít và trở thành một tấm gương mẫu mực trong quan hệ quốc tế. - Sự thành công trong hợp tác của hai Quốc hội đã đóng góp thế nào vào thành quả chung của mối quan hệ hữu nghị bền chặt này? - Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục được thúc đẩy triển khai đồng bộ, hiệu quả với hình thức linh hoạt cả trực tuyến và trực tiếp, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của mối quan hệ hữu nghị bền chặt này, thể hiện ở các điểm sau: Thứ nhất, trong hoạt động đối ngoại, hai bên nỗ lực duy trì thường xuyên các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, thực hiện các thỏa thuận cấp cao và kế hoạch hợp tác trên tất cả các kênh; nhất là kết quả chuyến thăm chính thức hai nước của Lãnh đạo cấp cao hai bên trong đó có Lãnh đạo Quốc hội hai nước và Thỏa thuận Cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị cũng như các Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam có điện mừng và lẵng hoa gửi Lãnh đạo Quốc hội Lào; tổ chức các hoạt động khác: triển lãm ảnh về quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, giao lưu thể thao. Ủy ban Đối ngoại và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Lào chủ trì tổ chức, mời đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam và một số cơ quan liên quan tham dự hoạt động gặp gỡ Lãnh đạo tỉnh Sơn La, thăm hỏi lưu học sinh Lào tại Sơn La và thăm Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La nhân dịp Tết Bun-pi-may của Lào. Thứ hai, trong hoạt động lập pháp, tiếp nối các văn bản Thoả thuận hợp tác đã được lãnh đạo Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký tại các cuộc gặp cấp cao, hai Quốc hội hiện nay đang tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của văn bản Thỏa thuận hợp tác do hai Chủ tịch Quốc hội ký tại Viêng Chăn tháng 5/2022. Văn bản này là cơ sở pháp lý để hai Quốc hội tiến hành các hoạt động hợp tác song phương, đưa mối quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới, đi vào chiều sâu một cách thiết thực và có hiệu quả. Các cơ quan của hai Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm chuyên môn; tăng cường sự phối hợp tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện thế giới IPU và Liên minh Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á AIPA, APPF, APF, ASEP... góp phần vào tiếng nói chung của nhân dân thế giới đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, phát triển và tiến bộ xã hội. Ngoài ra, hai Quốc hội thường xuyên tổ chức các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, về tổ chức kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương và các nội dung hợp tác khác mà hai bên cùng quan tâm, nhất là các Hội thảo có chuyên đề giúp đỡ phía bạn tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế, hợp tác đạt hiệu quả cao; tổ chức giao lưu, trao đổi đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhất là các tỉnh chung đường biên giới, các tỉnh quan hệ kết nghĩa của hai nước. Quốc hội hai nước cũng đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Campuchia trong việc nâng cấp cơ chế hợp tác định kỳ giữa các cơ quan của Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam trong khuôn khổ Tam giác phát triển CLV lên cấp Chủ tịch Quốc hội chủ trì vào năm 2023. Thứ ba, trong hoạt động giám sát, hai Quốc hội tăng cường giám sát, thúc đẩy triển khai các Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với Lào, tổ chức Đoàn giám sát chung giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội hai nước về các thỏa thuận hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2016 - 2021. Qua giám sát tập trung rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc khi triển khai một số dự án đầu tư của ta tại Lào tiến độ chậm, hiệu quả chưa cao để tham mưu Quốc hội, Chính phủ các giải pháp thúc đẩy giải quyết phù hợp. Tóm lại, quan hệ tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào thúc đẩy triển khai hiệu quả các Thỏa thuận cấp cao, Thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị, Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội, trong việc giám sát, thúc đẩy thực hiện hiệu quả Hiệp định, Hiệp ước, thỏa thuận, kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ; góp phần quan trọng vào thành quả chung quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước. -Xây dựng và hoàn thiện thể chế là mối quan tâm hàng đầu của nước bạn Lào, Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Quốc hội Lào trong lĩnh vực này như thế nào? Hiện Lào đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm khắc phục khó khăn kinh tế - tài chính vĩ mô, phục hồi kinh tế, tăng cường phòng chống tham nhũng và tội phạm ma túy. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện thể chế là mối quan tâm hàng đầu của nước bạn Lào, Quốc hội Việt Nam đã luôn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Quốc hội Lào trong lĩnh vực này, cụ thể như sau: Thứ nhất, tổ chức Hội thảo chuyên đề về hoạt động của các cơ quan Quốc hội cũng như việc trao đổi kinh nghiệm giữa Hội đồng Nhân dân của các địa phương. Trong nhiệm kỳ Quốc hội XIV và khóa XV, hai bên đã tổ chức nhiều Hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm công tác lập pháp giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: lấy phiếu tín nhiệm; công tác quản lý đất đai và chính sách tài khóa; kinh nghiệm trong việc gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế; chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, công tác phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân giữa các cơ quan Quốc hội với các Bộ, ngành liên quan; Các khóa bồi dưỡng đại biểu, tập trung vào các chính sách pháp luật về hoạt động của Hội đồng nhân dân (giúp Lào xây dựng lại hệ thống Hội đồng nhân dân cấp tỉnh); Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào về (i) Trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam và (ii) Kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, quyết định các dự án quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản đồng chủ trì nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản tháng 12/2021; Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa hai Quốc hội về chủ đề về “Cơ chế chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19” do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản đồng chủ trì nhân chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 5/2022. Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác tập trung vào công tác lập pháp, giám sát các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách, tiền tệ và đầu tư giữa Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Xổm-mạt Phôn-xể-na tháng 7/2022. Thứ hai, chuyến thăm chính thức Lào tháng 5/2022 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, là lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của Việt Nam thăm Lào trong "Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022" và cũng là chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội nước ngoài đầu tiên đến Lào trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX của Bạn đã đáp ứng sự quan tâm của phía Lào, động viên kịp thời Bạn trước những khó khăn về kinh tế - xã hội của Lào. Tại các cuộc gặp trong chuyến thăm, Bạn nhiều lần bày tỏ đánh giá cao sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của ta thời gian qua, giúp bạn ứng phó với khó khăn về tài chính - ngân sách, phòng chống đại dịch COVID-19 và vấn nạn ma tuý, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội... Lãnh đạo Quốc hội bạn nhấn mạnh việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Lào vào thời điểm “chúng tôi đang gặp khó khăn liên tiếp, lúng túng chưa tìm được biện pháp tốt” đã đem lại cho Bạn “sự động viên, ủng hộ và hỗ trợ cụ thể, kịp thời rất đáng quý”. Một số vấn đề Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, lãnh đạo Bạn muốn sắp tới sẽ đi Việt Nam, để tiếp tục trao đổi sâu hơn, đúc rút các biện pháp cụ thể nhằm xử lý các vấn đề kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ, thuế, vấn đề xăng dầu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…Chuyến thăm đã góp phần thúc đẩy triển khai kết quả Cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị và Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào; bước đầu tháo gỡ và xác định phương hướng tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc, tồn tại của một số dự án hợp tác giữa hai nước (thanh toán gỗ Nhà Quốc hội Lào, cảng Vũng Áng, sân bay Nỏng-khạng, đặc khu kinh tế của Công ty Long Thành…), thể hiện sự nghiêm túc, cam kết nhất quán, mạnh mẽ của phía Việt Nam.
- Sau hơn 1 năm đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong bối cảnh hiện tại ông thấy đâu là những nội dung cần ưu tiên cho sự hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Lào? Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào là tài sản vô giá của hai dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng Chủ tịch Xu-pha-nu-vông kính yêu đã đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước chúng ta không ngừng dày công vun đắp. Tiếp nối truyền thống đó, sau hơn 1 năm đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng những nội dung cần ưu tiên cho sự hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Lào, cụ thể như sau: Thứ nhất, triển khai hiệu quả các Thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước, các nội dung tại kỳ họp thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; triển khai hiệu quả, toàn diện, thực chất Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước. Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi Đoàn cấp cao và các cấp. Triển khai các hoạt động song phương và đa phương khác theo Nghị quyết số 03/NQ-UBTVQH15 ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2022. Thứ ba, tổ chức các hội nghị, hội thảo và tọa đàm trao đổi kinh nghiệm: tổ chức các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, về tổ chức kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương và các nội dung hợp tác khác mà hai bên cùng quan tâm, nhất là các Hội thảo có chuyên đề giúp đỡ phía bạn tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế, hợp tác đạt hiệu quả cao; tổ chức giao lưu, trao đổi đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới, các tỉnh quan hệ kết nghĩa của hai nước; Gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nhóm Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Quốc hội, Nhóm Nữ Đại biểu Quốc hội, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ hai nước và phối hợp tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về việc phát huy vai trò của nữ Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội trẻ; phối hợp với Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia xem xét nâng cấp cơ chế hợp tác định kỳ giữa các cơ quan của Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam trong khuôn khổ Tam giác phát triển CLV lên cấp Chủ tịch Quốc hội chủ trì vào năm 2023. Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào giám sát các Hiệp định, Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thúc đẩy việc triển khai các Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với Lào; xem xét khả năng tổ chức Đoàn giám sát chung giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội hai nước về các thỏa thuận hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2016 - 2021. Qua giám sát tập trung rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc khi triển khai một số dự án đầu tư của ta tại Lào tiến độ chậm, hiệu quả chưa cao, đề xuất các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tính chất đặc thù của quan hệ Việt Nam - Lào để tham mưu Quốc hội, Chính phủ các giải pháp thúc đẩy giải quyết phù hợp. Thứ năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế như: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)..., tổ chức các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị; phối hợp, trao đổi lập trường trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Thứ sáu, tăng cường công tác truyền thông, nhất là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hai nước về mối quan hệ vĩ đại Việt Nam - Lào là mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Lào là tài sản vô giá của hai đất nước. |
- Năm 2022 là thời điểm kỷ niệm 60 năm quan hệ son sắt giữa hai quốc gia, ông có thể cho biết bản thân kỳ vọng gì vào tương lai hợp tác hữu nghị của Quốc hội hai nước? 60 năm là một dấu mốc quan trọng, thể hiện mối quan hệ khăng khít, bền chặt, lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Lào. Như chúng ta đã biết, Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em thân thiết, uống chung một nguồn nước, cùng dựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, cùng chia ngọt sẻ bùi trong nhiều thập kỉ, cả trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc. Đây là mối quan hệ này được tạo nên bởi mồ hôi, công sức và xương máu của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ và nhân dân hai nước cùng nhau cống hiến vì cách mạng, dân chủ, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Kể từ khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, chúng ta đã bước sang thời kì mới - thời kì của hòa bình, thống nhất, độc lập. Trong giai đoạn hơn 35 năm đổi mới, hai nước bước vào mối quan hệ mới với tầm cao mới, cùng phát triển đất nước, giúp đời sống của bà con nhân dân được cải thiện, tiến bộ, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo. Tất cả những điều đó giúp mối quan hệ của chúng ta ngày một sâu sắc, đáng tin cậy, góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình, thắt chặt các mối quan hệ trên thế giới và khu vực. Bối cảnh đó càng tạo điều kiện để hai nước giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau không chỉ trong mối quan hệ song phương mà cả trên các diễn đàn quốc tế. Đó là những điểm nổi bật giúp cho mối quan hệ của chúng ta ngày càng được thắt chặt không chỉ trong lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, ngoại giao, kinh tế - thương mại mà cả giáo dục - văn hóa, xã hội… Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, sâu sắc, Việt Nam và Lào đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên tất cả các lĩnh vực. Song, lịch sử đã chứng minh, càng khó khăn bao nhiêu, hai nước chúng ta càng đoàn kết, gắn bó và sát cánh bấy nhiêu vì thắng lợi chung của những người đồng chí, anh em chí tình, chí nghĩa, thủy chung, son sắt. Năm 2022 là Năm Đoàn kết - Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, thời điểm kỷ niệm 60 năm quan hệ son sắt giữa hai nước, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, từ kinh nghiệm xương máu trong đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất như anh em ruột thịt để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, hỗ trợ lẫn nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, mang lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chắc chắn rằng, mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào đang được tiếp tục vun đắp trên cơ sở vì mục tiêu chung của hai quốc gia, với tinh thần quốc tế trong sáng, đưa cách mạng hai nước từng bước vượt qua những thử thách, chông gai và là hành trang quý giá, là cơ sở vững chắc để các thế hệ Việt Nam - Lào hiện nay và mai sau tiếp tục phát huy tình đoàn kết, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. |
-Trân trọng cảm ơn ông! |
Bài: Lê Sơn Đồ họa: Tào Đạt
|