Quốc Cường Gia Lai thoát bão
Hiện Quốc Cường Gia Lai đang chủ trương tập trung đầu tư vào phân khúc trung bình vì đây cũng là phân khúc đã “cứu” Công ty ngày trước.
Những năm trước thời điểm 2015, Công ty Quốc Cường Gia Lai do ông giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc gặp khó, khi phải đối mặt với doanh thu sụt giảm mạnh, một phần lớn là do cú trượt chân của Công ty trong cơn bão bất động sản 2010-2014. Không chỉ vậy, thời gian qua, Công ty lại gặp không ít sự cố truyền thông từ phía người tiêu dùng.
Quốc Cường Gia Lai hoạt động trong các lĩnh vực như thủy điện, gỗ, đặc biệt là bất động sản và chuyện đa ngành khiến công ty này mang vác quá nhiều gánh nặng. Dù trong năm 2015, Quốc Cường Gia Lai có thay đổi với gam màu sáng hơn, nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Trong 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 18 tỉ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Con số này vẫn còn một quãng đường xa mới quay trở lại được thời kỳ đỉnh cao vào năm 2010. Khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt tới 268,1 tỉ đồng, doanh thu đạt 854,5 tỉ đồng.
Vì thế, ông Cường đã nhanh chóng tái cấu trúc Quốc Cường Gia Lai và dùng Quốc Cường Land (một công ty con của Quốc Cường Gia Lai ra đời cuối năm 2015) vào những canh bạc mới.
Việc một công ty tái cấu trúc trong ngành bất động sản không mới. NCĐT đã từng đề cập đến việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tái cơ cấu và tách Công ty Cổ phần Xây lắp An Phú ra thành công ty độc lập và chuyển một số dự án bất động sản từ Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh sang cho An Phú. Công ty này hoạt động tương tự như một công ty mua bán tài sản để xử lý các khoản nợ cho Hoàng Anh Gia Lai trong thời gian 3 năm và giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Việc này giúp cho báo cáo tài chính của doanh nghiệp được tốt hơn.
Tương tự, với việc Quốc Cường Gia Lai thực hiện tái cơ cấu và thành lập Quốc Cường Land, một số chuyên gia nhận định đây là nước cờ đúng để ông Cường làm mới hoạt động kinh doanh và cũng thể hiện kỳ vọng doanh nghiệp mới sẽ hoạt động tốt hơn nhờ được “tự do” từ công ty mẹ, đồng thời được bơm vốn mới từ nhiều cổ đông khác. Ông Cường cũng xác định rõ năng lực và giá trị từng ngành, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm từ 50-60% tổng doanh thu hằng năm.
Với hướng đi này, Quốc Cường Land đang đảm nhiệm vai trò chủ quản tất cả các dự án chuyên về bất động sản của Công ty Quốc Cường Gia Lai và sẽ chuyên sâu hơn về hoạt động phát triển dự án, bán hàng và hậu mãi. Ông Cường cũng kỳ vọng rằng điều này sẽ giúp lấy lại hình ảnh của Quốc Cường Gia Lai trên thị trường.
Hiện ông Cường chủ trương tập trung đầu tư vào phân khúc trung bình vì đây cũng là phân khúc đã “cứu” Công ty ngày trước (trước khi Quốc Cường Land ra đời, sản phẩm cấp trung của Quốc Cương Gia Lai đã bán được phần lớn và thoát cảnh được cảnh tồn kho).
Sắp tới, Quốc Cường Land sẽ phải tiếp tục hoàn thành các dự án Giai Việt giai đoạn 3, Quốc Cường Gia Lai giai đoạn 2, Phước Kiểng và một số dự án khác do Quốc Cường Gia Lai thực hiện thời gian vừa qua.
Mới đây, Quốc Cường Land đã ra mắt dự án căn hộ cao cấp De Capella ở quận 2, TP.HCM. Có vẻ như nhiều nhà đầu tư cũng như ông Cường kỳ vọng khu Đông Sài Gòn này sẽ khu vực kinh tế - tài chính mới. Tuy nhiên, thời điểm công ty này mở bán dự án De Capella cũng có hơn 15 dự án của các công ty khác đang mở bán. Đây là một thách thức cạnh tranh lớn cho Quốc Cường Gia Lai trong thời gian sắp tới.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư