“Quay lưng” với bằng MBA Mỹ
Để tiếp tục phát triển công việc làm ăn, đầu năm 2017, Rodrigo Paolucci (31 tuổi) - Giám đốc một doanh nghiệp khởi nghiệp tại Sao Paulo (Brazil) quyết định học thêm chứng chỉ kinh doanh ở nước ngoài. Dù ước mơ của anh là tốt nghiệp tấm bằng MBA tại Thung lũng Silicon hoặc New York nhưng sau khi “cân đong đo đếm”, Paolucci lại chọn Canada là điểm đến.
“Chính sách thị thực và nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump đang gây khó khăn cho những người nước ngoài. Nghiễm nhiên, có trong tay tấm bằng đỏ của trường Stanford hay Columbia là chìa khóa đảm bảo cho thành công của bạn sau này. Tuy nhiên, với tình hình mới, bạn sẽ phải đánh cược. Những người tài năng sẽ đến nơi họ được chào đón”, Paolucci nói.
Sau khi nộp đơn xin học tại trường Quản lý kinh doanh Rotman thuộc Đại học Toronto (Canada), Paolucci được cấp ngay học bổng 40%. Quan trọng hơn, vợ của Paolucci còn được tạo điều kiện làm việc ngay khi họ chuyển đến Toronto vào mùa Hè này.
Số lượng sinh viên châu Á quan tâm đến bằng MBA của Mỹ đang giảm dần. (Ảnh: NBC News)
Mất điểm vì hiệu ứng Trump
Cuộc khảo sát hồi tháng Ba vừa qua của Hội đồng tuyển sinh cao học về Quản lý và Kinh doanh Mỹ (GMAC) cho thấy, khoảng 2/5 trong số 547 thí sinh nước ngoài không muốn tiếp tục bậc học Thạc sỹ tại Mỹ do ảnh hưởng từ kết quả bầu cử Mỹ cuối năm 2016. Đơn nhập học từ các sinh viên nước ngoài bắt đầu vào tháng Tám năm ngoái cho đến cuối tháng 2/2017 đã giảm tới gần 2/3 trong tổng các chương trình MBA hai năm ở Mỹ.
Sự quan tâm của các sinh viên quốc tế đã bớt dần trong những năm gần đây khi các chương trình học ở nước ngoài ngày càng trở nên cạnh tranh, GMAC cảnh báo.
Gọi tên tình trạng này là “hiệu ứng Trump”, Tim Mescon, Phó Chủ tịch của AACSB International – tổ chức kiểm định chất lượng các trường kinh doanh tại Mỹ than phiền: “Những quan ngại ngày càng gia tăng về chính sách siết chặt thị thực, nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump đang khiến các sinh viên quốc tế quay sang tìm kiếm những phương án khác. Đây sẽ là một kịch bản nguy hiểm đối với hệ thống giáo dục cao học ở Mỹ”.
Jon Kaplan, Phó Chủ nhiệm chương trình MBA tại trường Kinh doanh Paul Merage thuộc Đại học California ở Irvine, cho biết, trường của ông có phân nửa số sinh viên đến từ bên ngoài nước Mỹ. “Các sinh viên đang theo học tại trường và cả những ứng viên tương lai gửi đến chúng tôi hàng loạt câu hỏi. Họ hỏi chúng tôi điều gì sắp xảy ra. Câu trả lời đơn giản là chúng tôi cũng không chắc”, ông Kaplan lo lắng.
Cũng theo GMAC, chỉ 31% trong tổng số 324 chương trình MBA Mỹ được khảo sát nhận được số hồ sơ xin nhập học từ sinh viên quốc tế gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Hai năm trước, gần 2/3 các chương trình MBA ghi nhận sự tăng trưởng.
Tạo cơ hội cho đối thủ
Mặc dù đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu vẫn là những sinh viên quốc tế đến từ các nước Hồi giáo mà Mỹ hạn chế nhập cảnh, theo GS. Eric Cornuel - Giám đốc điều hành của EFMD (tổ chức điều hành hệ thống các trường kinh doanh tại Brussels, Bỉ), vấn đề nằm ở “nhận thức”.
“Trên thực tế, những sinh viên châu Âu và châu Á chưa chắc đã biết rõ về chính sách hạn chế nhập cư của ông Trump. Nhưng điều đáng lo ngại là họ cảm thấy Mỹ đang mất dần sự thân thiện và đa dạng”, ông Eric Cornuel nhận định.
Việc bằng MBA của Mỹ đang mất dần sức hút cũng tạo điều kiện cho hệ thống các trường kinh doanh ở nhiều nước có thêm cơ hội chiêu sinh. Trường Quản lý kinh doanh Rotman cũng đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng MBA khoảng 30% trong năm nay, thu hút phần lớn các sinh viên đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
“Số lượng sinh viên quốc tế đăng ký theo học MBA tại trường chúng tôi đang liên tục tăng lên. Nhiều ứng viên không ngần ngại trao đổi với chúng tôi rằng họ không có ý định học tại Mỹ nữa”, Jamie Young – Giám đốc phụ trách bộ phận tuyển sinh của trường cho hay.
Trước tình trạng lượng sinh viên quốc tế ngày càng sụt giảm, nhiều trường kinh doanh tại Mỹ đã chuyển hướng đầu tư vào các chương trình học mới và các khoa mới để cấp bằng MBA học 1 năm với giá rẻ hơn ở những môn học như phân tích dữ liệu, quản lý y tế và khởi nghiệp.
“Xu hướng này, nếu tiếp tục trong một thời gian dài, có thể tác động tới tình hình tài chính của một số trường. Ngân sách sẽ chịu nhiều áp lực do việc xin vốn tài trợ từ chính quyền đã trở nên khó khăn hơn”, Sangeet Chowfla - Chủ tịch GMAC, nhận xét.
Theo Báo Quốc tế