Quảng Nam phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường
Quảng Nam có đô thị cổ Hội An và thành phố trẻ Tam Kỳ với lối kiến trúc xây dựng và hồn sắc khác nhau, vừa mới ở giai đoạn tiếp cận, thiết kế ban đầu về đô thị thông minh, thân thiện với môi trường.
Nhắm đến tăng trưởng xanh
Tam Kỳ có định hướng rõ nét trong quy hoạch không gian đô thị sinh thái - không gian xanh. Vì sinh sau đẻ muộn, nên việc xây dựng thành phố có điểm thuận lợi là thực hiện theo một quy hoạch đô thị chung. Điểm cộng của Tam Kỳ là phát triển đô thị cộng sinh môi trường với nước và cây xanh, tận dụng lợi thế cảnh quan tự nhiên kiến tạo sẵn như biển Tam Thanh, sông Tam Kỳ, Trường Giang, hồ Phú Ninh, hồ Sông Đầm, đồi An Hà, Quảng Phú, đồi Trà Cai, cánh đồng Nhong.
Gần đây, Tam Kỳ phát huy các tiềm năng lợi thế để phát triển đô thị theo hướng “tăng trưởng xanh”, đặc biệt chú trọng phát triển đô thị vừa chú trọng bảo tồn không gian sinh thái. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, chính quyền sẽ chú ý đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bằng xây dựng dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng vào công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị phức hợp thông minh; nâng cao năng lực giải quyết thủ tục hành chính và chính quyền điện tử; hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành một số công trình xanh; mời gọi hợp tác đầu tư sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái chế.
Một góc đô thị phố cổ Hội An.
Đô thị thông minh, được ví như… dàn nhạc giao hưởng, tất cả hệ thống hạ tầng đều phải khớp nối đồng bộ, không thể lỗi nhịp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh nhận định, sự bùng nổ của các công nghệ mới mà đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo... đã đưa công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các áp lực, thách thức mà các đô thị gặp phải. Còn theo Bộ Xây dựng, để xây dựng đô thị thông minh thành công, phải xác định lộ trình và hình thức đầu tư phù hợp, cần khung pháp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp cùng người dân.
Chia sẻ về mô hình đô thị ở Nhật, ông Tomoaki Tosuka - Phó Giám đốc nghiên cứu Quỹ FMMC (Nhật Bản) cho hay, chính quyền trung ương sẽ đưa ra những chính sách chung để chính quyền địa phương lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh phù hợp với bối cảnh và năng lực của mình, với sự hỗ trợ về mặt tài chính và nhân sự từ chính quyền trung ương. Ông Tomoaki Tosuka cũng đưa ra mô hình thành phố thông minh gắn với nâng cao năng lực quản trị năng lượng, bảo vệ môi trường tại hai thành phố của Nhật là Fujisawa và Takamatsu. Tại Fujisawa, trong cộng đồng có nhiều nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời chứa trong những bình ắc quy lớn.
Cần có lộ trình
Tại Quảng Nam, việc phát triển đô thị theo hướng bền vững đã được quan tâm tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 17.5.2011 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4, khóa XX về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Tuy nhiên, việc tiếp cận và thực hiện đô thị thông minh chủ yếu lấy “Xây dựng chính quyền điện tử các cấp” làm trọng tâm, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về xây dựng và cách thức triển khai đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh; chưa ban hành được các đề án, các dự án để cụ thể hóa chủ trương đã đề ra.
Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam cho rằng: Có lộ trình nhân rộng đô thị phức hợp thông minh Tam Kỳ sẽ xây dựng đô thị thông minh như đầu tư khu vực có wifi công cộng, dịch vụ cung cấp thông tin du lịch theo yêu cầu, hệ thống đèn đường thông minh, hỗ trợ khởi nghiệp ICT liên quan đến quản lý đô thị; lập chiến lược và lộ trình nhân rộng đô thị phức hợp thông minh; hợp tác đầu tư sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái chế. Ngoài ra, Trung ương, tỉnh cần hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chính quyền đô thị, đặc biệt trong công tác quản lý đô thị; xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu cấp thành phố, hệ thống dịch vụ công (hành chính công, y tế, giáo dục, an ninh trật tự); hỗ trợ đầu tư hệ thống giao thông thông minh, thân thiện với môi trường; đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng và đô thị.
Đ.Bình – H.Phúc – Q.Minh