“Quan thanh tra” – tiếng cười phê phán quan tham
Tái hiện tác phẩm kinh điển
“Quan thanh tra” (tác giả Nikolai Vasilyevich Gogol) là vở hài kịch đặc sắc nằm trong bộ sách tuyển chọn 100 tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành.
Gogol (1/4/1809 – 4/3/1852) là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng cuối thế thứ XIX của Nga. Cùng với tác phẩm văn học tiêu biểu nhất là "Những linh hồn chết", được xem là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Nga, vở hài kịch “Quan thanh tra" của Gogol ngay từ khi ra mắt đã gây tiếng vang với công chúng yêu sân khấu đương thời.
Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt vở "Quan thanh tra" vào đầu năm mới
Vở kịch dựa theo một số gợi ý của đại văn hào Puskin (bậc tiền bối của Gogol), kể về một tay công chức quèn lang thang đến thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát. Vốn là những kẻ thường sách nhiễu dân chúng và tham nhũng, cánh quan chức ở đây lo sợ, cuống quýt tìm cách mua chuộc, hối lộ cho “quan lớn thanh tra”. Nhân dịp đó, kẻ nọ tố cáo người kia, nói xấu lẫn nhau để nâng công trạng. Tệ hơn nữa, ngay đến viên thị trưởng còn định lợi dụng dâng cả vợ và con gái cho “quan thanh tra” hòng leo cao hơn lên bậc thang danh vọng, chiếm một địa vị to hơn, chắc hơn để bóc lột dân chúng được nhiều.
Tác phẩm ra đời vào năm 1835 nhưng còn nguyên giá trị thời sự trong xã hội hiện đại hôm nay. Nhà viết kịch lỗi lạc Nikolai Gogol phê phán, chế giiễu mạnh mẽ những thói hư tật xấu của tầng lớp quan lại và cả giới trí thức, nhà buôn đương thời. Không trừ một ai, tất cả các nhân vật đều phản diện như hình ảnh của những con chuột: ăn vụng, nói xấu và phá hoại lẫn nhau.
Việt hóa để phản ánh vấn đề “nóng” hôm nay
Trải qua gần hai thế kỷ với nhiều phiên bản sân khấu khác nhau, đến lượt mình, trên cương vị đạo diễn, NSƯT Chí Trung Việt hóa hài kịch kinh điển thông qua việc đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" được xã hội quan tâm.
“Quan thanh tra” trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ gây ấn tượng với công nghệ ánh sáng dương âm như thông điệp về sự chân chính và giả dối trong mỗi con người.
Tác phẩm được Việt hóa, lồng vào nhiều vấn đề "nóng" của xã hội hiện đại
Từ hóa trang, âm nhạc, vũ điệu Kalinka tới cảnh trí sân khấu đều mang màu sắc Nga, nhưng phần đông khán giả dễ có cảm giác gần gũi. Thời gian và không gian khác nhau nhưng quan tham, thói nhũng nhiễu thời nào cũng có. Những nhân vật được sáng tạo từ 200 năm trước sinh động đến lạ kỳ, bởi người xem nhìn thấy một phần mặt trái xã hội được đề cập trong vở kịch dài chừng 2 tiếng này. Khán giả có thể nhận thấy những vấn đề của hiện tại khi nghe nhà kiểm học bảo “nhân thể ta bỏ quách môn Sử đi”. Chánh án nói khơi khơi quan điểm có thể sẵn sàng tù ai, kể cả tù oan 17 năm cũng không sao vì chỉ cần “xin lỗi 30 phút là xong”.
Bên cạnh đó, đạo diễn Chí Trung gia giảm thêm ngôn ngữ hài hước đời thường gần gũi với người Việt ngày nay vào vở kịch, tạo không ít tiếng cười cho người xem. Mỗi nhân vật được ví như một con chuột, mang một vài tật xấu đặc trưng duy trì xuyên suốt vở kịch. Như thị trưởng thì "mỗi năm tổ chức 6 – 7 cái sinh nhật, vinh hiển kéo nhiều đời, họ hàng đều giàu có, ánh mặt trời mờ tỏ, là cơ hội kiếm ăn…"; vợ thị trưởng mê trai, cô con gái hắn thì béo ú; viên chánh án bị ngắn lưỡi, viện trưởng tế bần lắp ba lắp bắp, nhà kiểm học cất giọng lên là mai mái; cảnh sát trưởng bé tí teo, nghe tiếng nói lớn là ngất, đám giúp việc thì hậu đậu…
Thêm vào đó, đạo diễn tạo cho vở kịch một tiết tấu nhanh dần, mạnh và bùng nổ ở đoạn cuối khắc sâu thêm ấn tượng của khán giả về từng nhân vật. Những Anh Tuấn (vai thị trưởng Anton), Vân Dung (vai Anna, vợ thị trưởng), Chí Huy (vai "quan thanh tra" Ivan), Diệu Hoa (vai Maria con gái thị trưởng), Quân Anh – Tuấn Anh vai cặp đôi giúp việc Ivan, rồi Quỳnh Dương, Quang Ánh, Ngọc Tuấn… đều thể hiện duyên hài, làm “tròn” vai.
NSƯT Chí Trung chia sẻ: "Thông điệp của vở kịch là rất rõ ràng, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy thông qua việc khắc họa hình ảnh của những con chuột trên sân khấu. Tôi nghĩ rằng, việc hài kịch đề cập đến vấn đề tham nhũng cũng như các vấn đề thời sự khác không chỉ để phê phán những việc làm sai mà còn giúp xã hội tốt đẹp hơn. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là phòng chống tham nhũng, do đó, nghệ thuật cũng cần phải góp sức mình".
“Quan thanh tra” sẽ chính thức công diễn vào ngày 27/2 tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).
An Vinh