Qatar nhỏ bé và một trật tự thế giới mới dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Cuộc gặp giữaTổng thống Mỹ với nhà vua Salman của Saudi Arabia hồi tháng trước đã thành công rực rỡ, đến mức dường như các mục tiêu chính sách ngoại giao của hai bên rất giống nhau. Saudi Arabia (vốn là Hồi giáo theo dòng Sunni) ghét cay ghét đắng Iran (quốc gia Hồi giáo theo dòng Shia và cũng là đối thủ chính của Saudi ở khu vực Trung Đông) và Donald Trump cũng vậy. Có vẻ như ông còn chia sẻ chung quan điểm với người Saudi rằng quốc gia nhỏ bé Qatar chính là nguồn tài trợ mạnh mẽ nhất cho khủng bố ở Trung Đông. Ngày 5/6 vừa qua, ông đã ca ngợi động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao, cô lập Qatar của Saudi Arabia, Bahrain và các tiểu vương quốc Ả rập (UAE). Thậm chí UAE tuyên bố rằng bất kỳ ai thể hiện sự ủng hộ với Qatar sẽ bị phạt tù 15 năm. Ngay sau đó, Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Có lẽ đây sẽ là khởi đầu để chấm dứt những điều khủng khiếp mà chủ nghĩa khủng bố gây ra!”
Dù nhỏ bé, Qatar không phải là 1 quốc gia yếu thế. Đây là nước sản xuất khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm hàng không kết nối Trung Đông với thế giới. Qatar là nơi đặt trụ sở của Al Jazeera, hãng truyền hình quốc tế duy nhất không bị kiểm duyệt trong thế giới Hồi giáo. Qatar cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Iran, nhờ đó có thể khai thác những mỏ khí khổng lồ của nước này, đồng thời còn ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo.
Tuy nhiên, tất cả những điều này lại khiến Saudi Arabia không ưa Qatar. Trong quá khứ, Saudi đã nhiều lần cố gắng bắt Qatar làm theo ý mình nhưng đều không thành công. Cho phép Mỹ đặt căn cứ không quân, cho đến thời điểm này Qatar vẫn cảm thấy an toàn. Nhưng sự kiện vừa qua cho thấy khi Tổng thống Trump làm ông chủ Nhà Trắng, không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra với không chỉ Trung Đông mà còn với trật tự thế giới trong tương lai.
Các nước Ả rập đã không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào để giải thích động thái cô lập Qatar. Đúng là có rất nhiều lời xì xào rằng Qatar giàu có đang tài trợ cho khủng bố, nhưng cũng có những lời đồn như vậy về Saudi. Và quan trọng hơn là dù tờ Financial Times đã đưa tin Qatar trả 1 tỷ USD cho Iran và 1 tổ chức liên quan đến al-Qaeda để chuộc tự do cho các công dân bị bắt làm con tin khi đang đi săn ở Iraq, cho đến nay vẫn chưa có đủ chứng cứ rõ ràng để kết tội Qatar.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay có thể khiến Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GGC) “tan đàn sẻ nghé”, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của Trung Đông, khu vực vốn nổi tiếng bất ổn. Không chỉ Qatar, thậm chí Kuwait và Oman (cũng là thành viên của GCC), những nước đang ngày càng không hài lòng với các động thái của Saudi, có thể bị đẩy sâu hơn về phía Iran. Những “cơn sốt” có thể nhanh chóng hạ nhiệt, nhưng giới quan sát lo ngại rằng cái giá mà Saudi Arabia phải trả có thể là khiến các phóng viên của kênh Al Jazeera bị kích động.
Thái độ ủng hộ những hành động của Saudi của ông Trump có thể làm uy tín của nước Mỹ suy giảm. Với sự kiện này, có thể suy ra rằng dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ có thể bỏ rơi đồng minh lâu năm chỉ sau 1 cuộc đối thoại ngắn với đối thủ của đồng minh. Giờ đây điều gì cũng có thể xảy ra.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi cũng nhận ra rằng Tổng thống Mỹ có thể cho phép ông loại bỏ đối thủ mà không gặp phải bất cứ khó khăn nào. Hôm 23/5, 2 ngày sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau và giành cho nhau những lời khen ngợi ở Riyadh, ông Sisi ra lệnh bắt giam 1 người đối lập. Ngày 25/5, Ai Cập tiến hành chặn các trang tin tức theo đường lối tự do, trong đó có Al Jazeera. Ở Bahrain, 5 người bị giết và 286 khác bị bắt giữ trong 1 cuộc bố ráp tại nhà của 1 giáo sĩ người Shia. Không lâu sau đó, đảng đối lập chính bị giải tán.
Trong quá khứ, nước Mỹ sẽ phản đối những chính sách như vậy. Còn bây giờ thì không, và đó là 1 điều không may bởi đây chính là công thức tạo nên 1 Trung Đông bất ổn hơn.
Thu Hương