Phụ nữ lái xe: Khi sự kỳ thị bị… lợi dụng
Tôi bắt đầu nghi ngờ: Phụ nữ coi chuyện bị kỳ thị vì lái xe kém là nỗi khó chịu hay… lợi thế.
Bởi chiều qua, xe tôi đối đầu với một chiếc xe vừa vượt đèn đỏ, còn tiếp tục rẽ vào đường ngược chiều. Cầm lái là một phụ nữ. Tôi không có ý định nhường cho những tài xế ngang nhiên vi phạm như vậy.
Thế rồi loay hoay mãi, nữ tài xế mới lách khỏi đầu xe tôi để tiếp tục chạy ngược chiều. Mức độ loay hoay của tài xế chứng minh quá rõ: Cô ta lái xe rất kém.
Thế rồi thay vì nói xin lỗi hay ban phát một nụ cười chẳng hạn, cô ta mở kính ra mắng xối xả: Đàn ông đàn ang mà không nhường cho phụ nữ được à?
Xe đi lấn làn, người phụ nữ bồng con đòi phương tiện khác phải nhường đường. Clip minh hoạ
Trong câu chuyện này có rất rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, nữ tài xế vốn đã lái kém, còn ngang nhiên vượt đèn đỏ và đi ngược chiều.
Thứ hai, cô ta rõ ràng đang tận dụng lợi thế "là một phụ nữ" để yêu cầu sự thông cảm của cánh đàn ông, hay chí ít là những người lái giỏi hơn cô ta.
"Đàn ông đàn ang" đã trở thành một câu thần chú rất lợi hại trong tất cả những trường hợp phụ nữ tận dụng lợi thế về giới tính của mình để đòi hỏi một sự thông cảm. Chuyện bình đẳng giới ở đây tôi không muốn bàn.
Tôi chỉ muốn nói đến tư duy và thái độ của nữ tái xế kia liệu có đại diện cho một kiểu ứng xử nơi công cộng nói chung và trong giao thông nói riêng hay không?
Có rất nhiều nữ tài xế cảm thấy việc đàn ông mỉa mai phụ nữ chạy xe kém, mỉa mai những "ninja Lead" phá nát giao thông là kỳ thị, phân biệt giới. Họ đưa ra hàng loạt những lập luận đầy logic.
Ví dụ như chuyện cấu tạo não phụ nữ khiến họ rất kém trong việc điều khiển không gian 3D, hay chuyện phụ nữ vốn có nhiều nỗi lo hơn so với đàn ông nên chuyện không tập trung 100% để chạy xe là bình thường.
Pha lùi xe của cô gái khiến người xem sững sờ
Thật ra cánh đàn ông không hề muốn kỳ thị. Chúng tôi chỉ đòi hỏi một thái độ cầu thị từ phía những nữ tài xế bị coi là hung thần xa lộ.
Vài ví dụ vô cùng đơn giản: Nếu lái xe kém thì thay vì dán một tờ giấy A4 ghi vài thông điệp kiểu: "Phụ nữ lái mới, thông cảm", hãy tìm sự thông cảm từ cộng đồng bằng thái độ tích cực, thượng tôn pháp luật.
Nếu lái kém, hãy chạy chậm, chạy ở làn giữa thay vì bám làn trong cùng (làn cạnh dải phân cách). Nói tóm lại là hãy để dành một làn cho xe khác vượt, đừng cảm thấy việc mình lái kém đồng nghĩa với việc mình được cản trở giao thông.
Và trên hết, nếu kỹ năng xử lý những tình huống động còn hạn chế, đừng vi phạm luật giao thông và rồi ứng xử bằng thái độ: Tôi là phụ nữ mới lái, cộng đồng phải cảm thông. Không có chuyện đó.
Một trong những cách để tìm kiếm sự cảm thông. Ảnh minh hoạ
Hãy cầu thị và học hỏi, chí ít là những kiến thức cơ bản về xe. Ví dụ: rất nhiều phụ nữ điều khiển ô tô không thể phân biệt được đèn pha và đèn cốt.
Nhiều phụ nữ lái xe bật đèn pha rọi thẳng vào mắt xe đi ngược chiều, khi bị nhắc nhở thì tỏ ra khó chịu. Chính tôi đã từng trở thành nạn nhân khi cố gắng nhắc một nữ tài xế "hạ đèn pha xuống".
Chị ta mắng rất dữ dội: "Pha pha cái gì, đèn nào mà chả là đèn, ảnh hưởng gì tới cậu". Đối với những nữ tài xế như vậy, dù rất muốn thông cảm, nhưng thú thật là không thể cảm thông được.
Không ai kỳ thị lái mới, lại càng không có chuyện cánh đàn ông mặc định cho rằng phụ nữ lái mới là hung thần xa lộ.
Tuy nhiên, nếu những nữ tài xế tự cho mình đặc quyền được cảm thông để tạo ra những ngoại lệ trong cách tham gia giao thông, điều đó xứng đáng bị kỳ thị.
Bảo Nam