Philippines đang làm gì với đảo Thị Tứ của Việt Nam
Tin tức thế giới hôm nay (28/6): Trung Quốc có 'động thái lạ' ở đảo quốc Thái Bình Dương Tin tức thế giới 24h mới nhất, thời sự quốc tế nóng nhất hôm nay (28/6): Trung Quốc mở đại sứ quán ở đảo Kiribati (Thái Bình Dương), Tiêm kích tàng hình Mỹ chặn máy bay quân sự Nga gần Alaska, Nga bác thông tin treo thưởng phiến quân Taliban giết lính Anh và Mỹ, Trung Quốc kêu gọi võ sĩ MMA vào dân quân. |
Philippines xây dựng trái phép các công trình trên đảo Thị Tứ Philippines đang lên kế hoạch chi khoảng 1,3 tỷ peso (tương đương 26 triệu USD) để xây dựng thêm các công trình trên đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bloomberg dẫn lời Thứ trưởng Bộ quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ngày 10/6 (giờ địa phương). |
Quá trình Philippines tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa
Căn cứ Hiệp định Paris ký năm 1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha, khi Tây Ban Nha bàn giao Philippines cho Mỹ quản lý, Hiệp định xác định phạm vi lãnh thổ quần đảo Philippines không bao gồm quần đảo Trường Sa. Tuy vậy, Philippines vẫn yêu sách chủ quyền đối với phần lớn quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1956, nhà thám hiểm Philippines, Thomas Cloma, đã tuyên bố về quần đảo này với tên gọi “Kalayaan” (Vùng đất Tự do). Từ năm 1971 đến năm 1973, Philippines đưa quân chiếm đóng 5 đảo; năm 1977 đến 1978, chiếm thêm 2 đảo; năm 1979, Philippines công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11/6/1979 gộp hầu hết quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa Lớn, vào một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines. Năm 1980, Philippines chiếm thêm đảo Công Đo ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Đến nay, Philippines đang chiếm giữ 10 vị trí tại Trường Sa, gồm 7 đảo, đá san hô và 3 bãi cạn, rạn san hô.
Đảo Thị Tứ |
Khi tiến hành chiếm đóng một số thực thể trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Philippines cho rằng các thực thể này đều kế cận với lãnh thổ của họ. Quan điểm pháp lý này hoàn toàn không có giá trị và không được thừa nhận trong Luật pháp và Thực tiễn quốc tế khi xem xét về quyền thụ đắc lãnh thổ. Trong thực tế, có nhiều vùng lãnh thổ của quốc gia này nhưng lại nằm kề bên lãnh thổ quốc gia khác: Hawai của Mỹ lại ở gần Nhật Bản, Hàn Quốc, Phú Quốc của Việt Nam lại ở gần Campuchia….
Mục đích Philippines tiến hành cải tạo và xây dựng ở Thị Tứ
Thứ nhất Philippines tiếp tục củng cố và hợp thức hóa yêu sách chủ quyền của họ đối với phần lớn quần đảo Trường Sa. Từ những năm 50 của thế kỷ XX cho đến nay, Philippines đã chiếm đóng 10 vị trí trong quần đảo này bằng biện pháp quân sự và tìm cách hợp thức hóa việc chiếm đóng đó bằng những giải pháp ngoại giao, pháp lý…
Bên cạnh đó mục tiêu thứ hai của nước này nhằm đối phó trước những hành động của Trung Quốc xâm phạm và đe dọa xâm phạm các quyền và lợi ích của Philippines trên Biển Đông. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng có lẽ mục đích thứ 2 mới là mục đích chủ yếu đang được giới quân sự Philippines triển khai để đối phó với những hoạt động vi phạm hay đe dọa vi phạm các vùng biển, đảo do Philippines tuyên bố có chủ quyền, quyền chủ quyền.
Năm 2000, Philippines đã cải tạo và xây thêm một số cấu trúc trên đảo Thị Tứ để tàu chở hàng hóa và binh sĩ có thể tới đảo trong mọi điều kiện thời tiết.
Theo báo Inquirer, chính quyền Manila đang lên kế hoạch cải tạo đường băng dài hơn 1.300m đang bị xuống cấp trên đảo Thị Tứ. Bước sang năm 2021, trước những hoạt động của Trung Quốc trong Biển Đông, quân đội Philippines phải đối mặt với sự đe dọa bằng sức mạnh, đặc biệt là sự xuất hiện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc ở đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hồi cuối tháng 3 vừa qua, đã tạo ra căng thẳng hiếm thấy giữa Manila và Bắc Kinh trong vòng 5 năm qua.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục các nhiệm vụ của mình, sẽ thách thức Trung Quốc và có các biện pháp đối phó với họ", tướng Sobejana khẳng định với đài dzBB. Bộ Quốc phòng Philippines kế đó tuyên bố sẽ cử tàu tới đồn trú gần đá Ba Đầu để “phòng hờ” Trung Quốc. Trước chiến thuật "vùng xám" của Bắc Kinh (sử dụng tàu dân quân ngụy trang tàu cá và hải cảnh để đe dọa nước khác), Philippines đã triển khai tàu tuần duyên kết hợp với tàu bảo vệ nghề cá tiến hành các đợt tuần tra Biển Đông.
Lập trường pháp lý và cách ứng xử của Việt Nam
Về nguyên tắc, trước những hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam của bất kỳ quốc gia nào, dưới bất kỳ hình thức gì, đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đều bị Nhà nước Việt Nam phản đối bằng những nội dung và hình thức khác nhau, tùy theo tính chất và mức độ của những vi phạm. Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ ngoại giao nói trên là một trong số những phản ứng thích hợp của Nhà nước Việt Nam, với tư cách là quốc gia có chủ quyền, đảm bảo theo đúng nguyên tắc và thủ tục pháp lý dưới ánh sáng của Công pháp quốc tế. Đó cũng chính lập trường bất di bất dịch: “Dĩ bất biến”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan đến quần đảo Trường Sa |
Tuy nhiên, trong bối cảnh có những tranh chấp phức tạp đang diễn ra trong Biển Đông, Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương “Ứng vạn biến” để xử lý mọi tranh chấp có nguy cơ làm cho tình hình Biển Đông bất ổn, ảnh hưởng đến hòa binh, an ninh, hợp tác, phát triển của khu vực và quốc tế… Chủ trương này đã áp dụng trong quan hệ với Philippines từ trước; ví dụ: để giảm bớt căng thẳng, ngày 07/11/1995, Việt Nam và Philippines đã tiến hành đàm phán hòa bình. Kết quả đàm phán đã ký được thỏa thuận về 9 nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng biển, đảo có tranh chấp trong khu vực Biển Đông, trong đó có những nội dung chính: hai bên đồng ý thông qua thương lượng, hòa bình tìm kiếm các giải pháp cơ bản cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa; tự kiềm chế không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, khí tượng, chống thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, chống cướp biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ tài nguyên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa; bảo đảm tự do hàng hải theo thực tiễn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982; từng bước tăng cường hợp tác và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Nội dung thỏa thuận giữa hai bên đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định trên biển, là cơ sở để tiếp tục đàm phán về vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Hiện nay, Việt Nam và Philippines đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, những quy định của Công ước Luật biển 1982 để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Trong giai đoạn 1995-2007, trên cơ sở đàm phán hòa bình, Việt Nam và Philippines đã tiến hành thực hiện bốn cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học chung về biển. Lần đầu tiên vào năm 1997 và tiếp theo là các năm 2000, 2004, 2007. Đây là một hình mẫu về hợp tác nghiên cứu khoa học chung về biển đang được đề nghị mở rộng thành phần và nâng lên thành một thiết chế thường xuyên. Tuy nhiên, do tình hình phức tạp của khu vực Biển Đông, quan điểm của hai bên có liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Trường còn có những khác biệt. Chính vì vậy, từ năm 2008 đến năm 2015, Việt Nam và Philippines đã không thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học chung về biển, song hai nước vẫn cam kết duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực Biển Đông.
Ngày 26-10-2010, tại thủ đô Hà Nội, diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Philippines Benigno S.Aquino III trong chuyến thăm Việt Nam. Trong cuộc hội đàm hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong khu vực Biển Đông và điều quan trọng là cần thực hiện nghiêm chỉnh DOC, nhất trí tiến hành soạn thảo và hướng tới thông qua COC. Hai nước tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nguyên tắc của luật biển quốc tế, những quy định của UNCLOS1982 và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Như vậy, có thể thấy, về nguyên tắc, Việt Nam đã liên tục lên tiếng phản đối bất kỳ hoạt động nào đang diễn ra trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bảo đảm đúng thủ tục pháp lý quốc tế, thể hiện ý chí của Nhà nước Việt Nam là không bao giờ từ bỏ chủ quyền hợp pháp của mình đối với quần đảo Trường Sa.
Tại quần đảo Trường Sa đang tồn tại sự chiếm đóng đan xen của 4 nước 5 bên (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan), các bên liên quan đều thường xuyên có những hoạt động tại các thực thể địa lý mà họ đang chiếm đóng nhằm vào những mục đích khác nhau. Khác với Trung Quốc, Đài Loan, những hoạt động của Philippines không nhằm mở rộng hay chiếm đóng thêm các thực thể địa lý trong quần đảo Trường Sa mà chỉ nhằm cải tạo, nâng cấp các căn cứ hậu cần trên đảo Thị Tứ; nghĩa là chưa làm thay đổi hiện trạng chiếm đóng mà Tuyên bố về ứng xử trong Biển Đông (DOC) đã đề cập.
Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, hoạt động của Philippines cũng có thể được coi là biện pháp tự vệ có ý nghĩa thực tế trước sự đe dọa của Trung Quốc.
Điểm tựa giúp ngư dân quần đảo Trường Sa vươn khơi bám biển Các âu tàu trên đảo Đá Tây A, đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa Lớn giống như những “ngôi nhà chung” giữa biển khơi giúp ngư dân tránh trú bão và thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá. |
Dịch vụ hậu cần nghề cá ở quần đảo Trường Sa Trên quần đảo Trường Sa, hiện nay, một số đảo đã có âu tàu. Đây được xem như những “ngôi nhà chung” giữa biển khơi giúp ngư dân tránh trú bão. |
Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa Tại các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn có 4 cây xanh có tuổi đời hơn 300 năm đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam". |