Phát điên vì hàng xóm "hồn nhiên": Thả rông cho chó phóng uế "nhờ", rác nhà mình "gửi" cổng nhà người khác
Các cụ ngày xưa hay có câu "bà con xa không bằng láng giềng gần", nghĩ cũng đúng, có những hàng xóm thân thiết với gia đình mình như ruột thịt, sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau, giúp đỡ nhau mỗi ngày, có gì ngon cũng mang sang mời, hay thiếu thốn gì thì í ới nhau một tiếng. Vậy mà đâu phải ai cũng có một "hàng xóm trong mơ" như thế, bởi lẽ nếu chuyện đó xảy ra thì đâu đến nỗi khiến một cô gái không kìm nổi bức xúc phải lên mạng xã hội để kể về 3 cái xấu của gia đình hàng xóm "trời ơi đất hỡi" kế bên nhà mình như sau:
"Sau đây tớ sẽ kể cho các bạn nghe về hàng xóm tốt nhà tớ, tớ cay cú đã lâu nhưng hôm nay thì lên đến đỉnh điểm khi mà con Bún bánh bèo của tớ giờ thành Bún mặt sẹo vì con chó nhà hàng xóm.
Câu chuyện "tố" cáo hàng xóm xấu tính được đăng tải trên mạng xã hội thu hút rất nhiều người quan tâm. (Ảnh: Facebook)
Đầu tiên là chuyện hàng xóm luôn muốn làm người phán xử. Cái gì cũng muốn tham gia, soi xét. Ngày xưa nhà tớ xây, suốt ngày sang chê lọ chê chai, chê nhà xây xấu, chê gạch nền xấu... Luôn nghĩ nhà mình là đẹp nhất, giàu nhất. À còn rất bẩn tính chỉ thích ăn của người. Cái đợt nhà đấy xây nhà thì đòi đập tường ngăn giữa nhà đấy và nhà tớ để xây thành tường nhà đấy luôn, trong khi tường đó xây trên đất của nhà tớ và nhà tớ xây. Nhà tớ nhất quyết không chịu thế là từ ấy ra cái vẻ là không hợp nhau…".
Cái chuyện hàng xóm thích đóng vai "người phán xử" chắc không còn xa lạ gì với nhiều người. Nói thẳng ra là hàng xóm xung quanh chúng ta cũng không ít người lắm chuyện, buôn chuyện từ trên xuống dưới rồi chê bai này nọ, tỏ tường lọ chai như thể họ ngủ ngay dưới gầm giường nhà mình mỗi đêm mới biết từng ấy chuyện như thế. Chưa kể hàng xóm đáng sợ nhất là hàng xóm ngày ngày thảo mai, gặp gỡ nói cười mà đi với người này là nói xấu người kia, đi với người kia lại nói xấu người nọ. Cứ vậy mà buôn dưa lê từ đầu xóm tới cuối hẻm, cứ rảnh là họ lại tìm cách nói móc, nói xéo chơi cho vui.
Nhưng cái kiểu hàng xóm ích kỷ, khoái chiếm của chung dùng làm của riêng mà cái của chung đó về mặt pháp lý thuộc về người khác như vị hàng xóm của cô nàng trên thì thật sự hiếm và hơi "củ chuối".
Cận cảnh mặt Bún bị chó nhà hàng xóm cắn tơi bời hoa lá. (Ảnh: Facebook)
"…Thứ hai là rác. Ở quê tớ không có thùng rác như trên Hà Nội mà mỗi nhà sẽ có 1 bao rác cạnh cổng nhà, để ở đó đến lúc người thu rác đến và sẽ gom lên xe rác đổ đi. Nhưng nhà hàng xóm không thế, cổng nhà mình không để mà mang đến cổng nhà người khác để. Rác nhà đấy thì đủ các loại vì nhà đấy kinh doanh nhà trọ, trên dưới chục phòng thì phải. Nhà đấy còn dặn mấy người trọ là phải mang rác ra trước nhà tớ vứt? Nhà tớ nói rất nhiều rồi nhưng vẫn vậy, còn cãi là do có miếng đất gần đối diện nhà tớ nên có quyền vứt đấy. Giờ nhiều khi sáng ngủ dậy thấy nhà mình như cãi bãi rác, toàn thức ăn thừa và bỉm trẻ con…".
Điều thứ 2 này cũng là một kiểu rất quen thuộc, cũng là một dạng hàng xóm điêu ngoa mà cứ chung tường sát vách thì thể nào sáng mở mắt dậy cũng thấy cổng nhà mình tan tác như xe rác đổ nhầm. Nghĩ mà xem, mỗi sáng tinh sương hàng xóm của cô nàng trên âm thầm lén lút vác một bao bóng to tướng màu đen, bốc mùi nồng nặc, quăng một cái "phạch" trước cửa nhà mình rồi phủi tay bỏ đi, thế thì có điên không cơ chứ. Thậm chí còn bảo những khách trọ nhà mình cứ coi cổng nhà hàng xóm là bãi rác mà vứt thì có tức không cơ chứ.
"Nhà đó còn dặn mấy người trọ là phải mang rác ra trước nhà tớ vứt". (Ảnh minh họa)
Thử hỏi với những hai điều khủng khiếp như trên thì hàng xóm có còn là hàng xóm hay không? Nhưng chưa hết, còn tới điều thứ 3, cái điều khiến cô nàng đáng thương nhà ta bực mình lên đến đỉnh điểm mới đăng đàn kể tội người hàng xóm xấu xa.
"…Thứ ba là con chó nhà hàng xóm. Nhà hàng xóm có 2 con chó to, trong đó có một con đặc biệt xấu tính hay cắn trộm và đi trêu ngươi những con chó khác. Điều đó sẽ không thành vấn đề nếu mà chủ của nó có ý thức tí. Năm ngoái mẹ tớ đi làm, mà đi thì phải qua cổng nhà hàng xóm thôi. Nhà có chó dữ nhưng mở cổng mà không trông. Con chó ấy lao ra đợp mẹ tớ 1 cái vào đùi. Mẹ tớ kêu ầm lên nhưng nhà ấy ra chỉ quát con chó đi vào rồi bảo mẹ tớ "không sao đâu". Tuyệt nhiên không hỏi xem bị cắn thế nào phải đi tiêm không... và nhà tớ phải tự đi tiêm phòng dại và tự theo dõi. Những ngày tiếp theo cũng không hề vào chơi hay hỏi thăm câu nào.
Hàng xóm tốt là phải giúp đỡ lẫn nhau, rác cùng dọn chứ không phải canh me quăng qua nhà người khác. (Ảnh minh họa)
À con ấy rất hay đi tè bậy ra cổng nhà người khác nữa. Mấy lần vè nhau với con chó Bún đẹp trai nhà tớ qua cổng rồi. Bún thì bé nhưng rất lanh chanh, thấy nó tè là phi ra ngay. Có lần 2 con gặp nhau, đánh nhau luôn. Tất nhiên là Bún nhà tớ thua rồi, con kia to gấp 2 cơ mà. Nhưng mà thấy 2 con đánh nhau tớ vội vàng gọi mẹ tớ cầm gậy ra can ngăn thì nhà đó đứng xem, vâng đứng xem, xem gameshow chọi chó sau đó thì chó nhà tớ mất mấy miếng da ở tay, chân.
Tớ mắng nó trong nhà, tớ hỏi sao không ai can thì hàng xóm bảo "ai bảo nhà mày không xích chó cẩn thận? Tớ bảo "thế sao nhà bác thả chó ra không trông nó cứ đái trước cổng nhà người khác?". Thì hàng xóm bảo "nó đái ai biết được rồi lại đi vào nhà". Tức quá mà không làm gì được, vừa nãy đi gặp ngoài đường tớ không thèm chào hỏi nữa. Bực mình…".
Ôi thôi trời cao ngó xuống mà coi, mấy đời nuôi chó dữ mà mở cổng cho nó chạy rông cà khịa người này người kia, táp người này người nọ không chứ hả? Đã vậy mà chó nhà mình cắn người ta xong còn giả lã hỏi đúng một câu rồi thôi không thèm nghĩ tới hai chữ "trách nhiệm", trách nhiệm theo dõi con chó coi nó có dại hay không, trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân bị chó nhà hại. Đằng này lại còn giả ngơ như không có chuyện gì xảy ra. Thân mẫu của cô nàng nhà ta quả thật đáng thương, gặp phải cái "phường hàng xóm" bội nghĩa bạc tình.
Đã là chó nhà mình nuôi thì vẫn phải có trách nhiệm, chứ mấy đời thả rông cho nó đi cắn làng cắn xóm đúng không? (Ảnh minh họa)
Bởi đối với kiểu hàng xóm này thì cô nàng chỉ có "bực mình" dài dài mà thôi, kể tội trên mạng xã hội cũng không giúp được gì. Trừ khi có cách nào đó "lấy độc trị độc", chứ hiền từ mãi thì ngày nào cũng nuốt cục "tức" vào trong mà uất nghẹn. Nói thế thì cũng không phải hô hào nên xấu như nhà hàng xóm kia, chỉ là nghĩ cách để họ không còn dám bén mảng kiếm chuyện với nhà mình thôi. Như:
"Thử lắp camera đi, rồi cứ ghi lại tất tần tật những màn xâm phạm gia cư bất hợp pháp hay phá hoại tài sản chung hay phá làng phá xóm gì đó của nhà hàng xóm rồi mang đi báo cơ quan chức năng giải quyết đi. Nhiều khi thế lại tốt, chứ cứ mềm mỏng mãi thì không tài nào trị được đâu" – Một bạn gái có tên D.T.Kim bình luận.
Những bình luận của cư dân mạng. (Ảnh: Facebook)
Anh bạn Last Breath thì thâm thúy hơn khi bình luận cách trị chó hàng xóm tè bậy y như "sấm truyền" nhưng cũng không kém phần độc ác: "Tớ bày cho mày cách này hơi ác nhưng mà bỏ ghét chó nhà nó. Nướng quả mướp lên. Nhớ là phải nướng chín vào rồi ném cho con chó nhà nó đớp. Tụt hết răng luôn, nhẹ nhàng hơn thì cho chó nhà nó uống thuốc sổ. Nướng mướp tớ chưa dùng bao giờ vì nó tàn ác quá nhưng thấy sấm truyền là rất khiếp".
Lâm Phạm cũng chẳng vừa khi tham gia bày mưu tính kế, giúp cô nàng đáng thương trị hàng xóm: "Những lúc vậy là để phản đòn đấy. ví dụ nhé, rác nhà họ vứt qua nhà mình thì phải nói là "ối dồi ôi chả hiểu mấy đứa vô văn hóa, thiếu ý thức nào đây". Quan trọng là phải nói to vào, cho nhà đấy nghe thấy, dùng cách phản đòn trong trường hợp nhà đấy sai thôi nhé, không là lệch hướng đấy".
Cuối cùng, từ câu chuyện "tố" hàng xóm của cô nàng đáng thương trên trở thành một chủ đề "nóng" để dân mạng cùng nhau bàn tán và ra sức nghĩ cách để trả đũa. Hóa ra, nhiều nhà gặp hàng xóm củ chuối không kém. Bực mình lắm mà không có chỗ xả, được đà chuyện tuôn như suối, như có người kể, hàng xóm nhà mình suốt ngày hát karaoke ồn ào cả đêm, ngõ chung không bao giờ dọn, có nhà thì có hàng xóm vay nợ đầm đìa, bị chủ nợ ném đồ bẩn nhưng... bay nhầm sang nhà mình, mùi hôi lan tràn khắp cửa, rồi hàng xóm hay "tra tấn" các nhà xung quanh bằng mùi cá mèo, lông mèo... Thế mới biết, chuyện ngoài ngõ cũng rối rắm chẳng kém chuyện trong nhà, chỉ khác là xưa nay người ta ít kể mà thôi.
Min