Phạt 2 cô gái gây náo loạn phố đi bộ Nguyễn Huệ 150.000 đồng
Phố đi bộ Sài Gòn tối hôm qua được một phen náo loạn - Ảnh: TL
Sáng 4/8, thượng tá Nguyễn Nhật Thành - phó trưởng Công an Q.1 (TP.HCM) - cho biết Công an P.Bến Nghé đã ra quyết định xử phạt hành chính cô V.H.T.V. (18 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và Đ.T.T.V (18 tuổi, ngụ P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú. TP.HCM), hai nhân vật chính gây ra vụ náo loạn phố đi bộ đêm 3-8, về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Mỗi người bị xử phạt hành chính với mức 150.000 đồng.
Liên quan đến vụ việc này, Công an Phường Bến Nghé còn xử phạt hành chính thêm 13 người có hành vi tụ tập, cổ vũ gây rối trật tự công cộng và không mang theo giấy tờ tùy thân.
Thượng tá Thành nói thêm qua công tác nắm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quận, lực lượng trinh sát và Công an phường Bến Nghé đã biết trước cuộc hẹn giữa V.H.T.V. và H.V. nên đã bố trí lực lượng sẵn sàng giải tán khi hai nhóm này xuất hiện tại phố đi bộ.
Theo thông tin từ Công an P.Bến Nghé, nguyên nhân mâu thuẫn là do Đ.T.T.V chửi cô V.H.T.V. là mặt vuông (nghĩa là mặt xấu).
Từ đó, hai bên xảy ra cự cãi, đăng phim chửi nhau và hẹn lúc 19g ngày 3-8 ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) gặp nhau giải quyết mâu thuẫn.
Như đã thông tin, khoảng 19g20 ngày 3-8, các tuyến đường dẫn vào phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ tại khu vực trung tâm TP bị ùn ứ xe nghiêm trọng do hàng trăm người hiếu kỳ kéo đến để chứng kiến cuộc hẹn “giải quyết” mâu thuẫn trên Facebook giữa hai cô gái trên.
Đến gần 20g khi hai nhân vật chính lần lượt xuất hiện và chưa “giải quyết” được gì với nhau thì đã bị lực lượng cảnh sát hình sự Công an Q.1 đưa về phường làm việc.
Hàng trăm người ra đường coi đánh nhau, quá rảnh?
Hai cô gái đăng video clip chửi nhau vì so bì quan niệm đẹp - xấu trên Facebook, sau đó hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ nói chuyện “ba mặt một lời” khiến hàng trăm người kéo đến xem. Khi bị công an phường mời về làm việc, hot girl vẫn đăng hình lên Facebook chứng tỏ mình có mặt tại phố đi bộ và cũng… bị công an phường mời về làm việc. Hot girl khác thì quay video với đám đông hò reo xung quanh để chứng minh mình đã đến điểm hẹn nhưng đối thủ không xuất hiện. Theo dõi Facebook của hai cô gái này, có thể thấy họ đều có rất nhiều người theo dõi, mỗi dòng trạng thái, hình ảnh hay video clip đều có hàng ngàn lượt like. Thậm chí những status và video hai hot girl này chửi nhau, hẹn nhau ra nói chuyện cũng có rất nhiều bình luận khen hay và ủng hộ cả hai gặp mặt trực tiếp giải quyết mâu thuẫn. Quá rảnh Chị Như Mai (Q.4, TP.HCM) thốt lên: "Trời ơi, nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ gì trong đầu vậy" sau khi đọc và xem những video clip về sự việc này. “Mình vào Facebook của hai cô gái này mà không khỏi ngạc nhiên vì mọi thứ nằm ngoài trí tưởng tượng. Cô nào cũng “đăng đàn” bày tỏ quan điểm đẹp xấu của mình, rồi còn hẹn nhau ra nói chuyện vì lý do hết sức tào lao, nhảm nhí. Có cô còn mạnh miệng nói “chết thì chôn”. Nghe sợ quá”, chị Mai chia sẻ. Có cùng góc nhìn này, chị Thảo Nguyên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết không hiểu vì sao sự việc lại bị đẩy lên đến mức hàng trăm người kéo nhau ra phố đi bộ để chứng kiến hai cô gái trẻ giải quyết mâu thuẫn. “Tôi thấy họ rảnh quá, theo dõi câu chuyện của những cô nàng này rồi phải có mặt tại hiện trường cho bằng được để chứng kiến tận mắt hai cô gái này nói chuyện hay làm gì nhau”, chị Nguyên nói. Dưới góc độ một phụ huynh, anh Đàm Hà Phú (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nói mình hiểu được tâm lý ham vui, hiếu kỳ của những bạn trẻ đến xem hai hot girl này nói chuyện. “Đôi khi các bạn trẻ thấy đông thì rủ bạn bè kéo nhau đi xem cho vui, chẳng cần biết đúng sai gì, cũng chẳng thể hiện quan điểm gì ở đây. Tôi nghĩ chỉ cần nhắc nhở các bạn trẻ một chút ở chỗ không phải chỗ nào đông cũng là vui và không phải chỗ nào vui cũng là bổ ích”, anh Phú bày tỏ. Chất xúc tác cho những… anh hùng rơm Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, đã bật cười trước câu chuyện hai hot girl hẹn nhau ở phố đi bộ giải quyết mâu thuẫn và đám đông hiếu kỳ ùn ùn kéo đến xem này. GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng chính đám đông hùa theo, cổ vũ là động lực cho những hành động hay sự ganh đua vô lối, vô văn hóa. “Tôi thấy ở nước ngoài người ta rất ít đụng chạm đến chuyện không phải của mình. Còn những bạn trẻ này thì lại giống như “chất xúc tác” cho những người thích chơi nổi, thích thể hiện có đất sống, có đất phô diễn “anh hùng”. “Đơn giản như chuyện đua xe, nếu không có đám đông cổ vũ thì những “anh hùng xa lộ” biết thể hiện với ai. Năng lượng của đám đông là một trong những thứ làm thổi bùng lên tệ nạn”, GS.TS Ngô Đức Thịnh kết luận.
|
Theo Tuổi Trẻ