Từ nhiều năm nay, thị phần kinh doanh vàng trong nước được “chiếm sóng” bởi 4 “ông lớn” gồm Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. Đây cũng là 4 doanh nghiệp thanh tra liên bộ (Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ) thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng vừa qua.
Là những doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần kinh doanh vàng nhưng kết quả kinh doanh của 4 “nhà vàng” này lại có sự phân hóa rõ nét trong những năm qua. Xét về thị phần, trong các năm trước đây, SJC dẫn đầu về doanh thu. Tuy nhiên, hai năm gần đây, PNJ đã soán ngôi vương.
Xét về lợi nhuận, từ lâu PNJ đã chiếm vị trí số 1. Cụ thể, từ năm 2018, lợi nhuận sau thuế của PNJ đã đạt gần 960 tỷ đồng, gấp nhiều lần lợi nhuận của DOJI và SJC cộng lại. Từ năm 2019 đến nay PNJ luôn duy trì lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm và năm 2023 còn đạt kỷ lục 1.971 tỷ đồng, tương đương 5,4 tỷ đồng mỗi ngày.
Thậm chí, trong 5 tháng đầu năm 2024, dù giá vàng biến động mạnh, lợi nhuận sau thuế của PNJ vẫn đạt 1.051 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ đồng/ngày, giúp doanh nghiệp hoàn thành hơn một nửa kế hoạch năm và tiến ngày càng gần hơn đến mục tiêu tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận trong năm nay (đạt 2.089 tỷ đồng) khi doanh thu thuần dự kiến cũng sẽ vượt đỉnh (37.148 tỷ đồng).
Cùng kinh doanh vàng trang sức và vàng miếng như PNJ và cũng có hàng trăm chi nhánh, trung tâm kinh doanh và đại lý, điểm bán trang sức trên toàn quốc nhưng lợi nhuận của DOJI lại kém xa PNJ, thậm chí trồi sụt qua các năm. Trong 3 năm gần nhất (2021, 2022, 2023) lợi nhuận sau thuế của DOJI lần lượt đạt 234 tỷ đồng, 1.017 tỷ đồng và 491 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân theo ngày giảm từ mức gần 2,79 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 1,34 tỷ đồng năm 2023.
Trong khi đó với lợi thế là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và cũng là thương hiệu có giá bán cao hơn 10-18 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu trong khoảng một năm gần đây nhưng kết quả kinh doanh của SJC lại không mấy khởi sắc. Từ vị trí dẫn đầu về doanh thu, SJC đã để mất vị trí số 1 vào tay PNJ từ năm 2022, trong khi lợi nhuận từ năm 2014 đến nay luôn ở mức hai chữ số (chục tỷ đồng).
Trong năm tài chính gần nhất 2023, SJC ghi nhận tổng doanh thu là 28.408 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,6% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế chưa tới 61 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Năm 2024, dù đặt mục tiêu tổng doanh thu dự kiến là 30.145 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023 nhưng SJC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 70 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm trước.
Cũng là thương hiệu vàng lâu đời tại Việt Nam (ra đời năm 1989 và thành lập doanh nghiệp từ năm 1995) nhưng doanh thu và lợi nhuận của Bảo Tín Minh Châu luôn kém xa 3 doanh nghiệp còn lại.
Năm 2023, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Bảo Tín Minh Châu đạt 1.401 tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm 2022, lợi nhuận gộp chỉ tăng 20%, từ 30 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 2,8% năm 2022 xuống còn 2,6% năm 2023. Trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ đạt gần 5,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4,45 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán cao “ăn mòn” lợi nhuận là tình trạng diễn ra nhiều năm nay tại SJC, luôn chiếm tỷ trọng tới 98-99% so với doanh thu. Đơn cử, trong năm 2023 dù ghi nhận doanh thu "khủng" nhưng giá vốn hàng bán của SJC đã chiếm tỷ lệ 99% doanh thu, ghi nhận ở mức 28.166 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ có gần 242 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp chỉ ở mức 0,85%.
Trong cuộc họp báo về kinh tế - xã hội của TP.Hồ Chí Minh hồi giữa tháng 5, Tổng Giám đốc SJC Lê Thúy Hằng cho biết, việc được chọn là đơn vị độc quyền vàng miếng không mang lợi cho SJC hay một cá nhân, tập thể nào. Bà Hằng nêu dẫn chứng trước năm 2012, vốn sở hữu của SJC là 400 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi của công ty sụt giảm mạnh và những năm qua chỉ còn vài chục tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc SJC, lợi nhuận sụt giảm do SJC không được sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên kiện. Do đó, công ty chuyển hướng kinh doanh vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này. Trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, phát triển thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về kinh doanh nữ trang và mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, từ nhiều năm nay, PNJ đã tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là trang sức, với định vị là công ty bán lẻ trang sức số một thị trường Việt Nam vươn tầm thế giới. Lợi nhuận đến từ vàng miếng và kinh doanh vàng miếng không thể so được với vàng trang sức bởi biên lợi nhuận của vàng 24K rất thấp và đây cũng không là mảng kinh doanh chính của PNJ. Cho nên, dù 5 tháng đầu năm doanh thu vàng 24K tăng gần 90,9% so với cùng kỳ do nhu cầu mua vàng tích trữ, đầu tư của người dân và chiếm tỷ trọng tới 43,4% doanh thu (cùng kỳ năm 2023 chiếm 30,9%) nhưng biên lợi nhuận trung bình 5 tháng của PNJ chỉ đạt 16,5%, giảm so với mức 19% của cùng kỳ.
Giữa bối cảnh giá vàng biến động mạnh, nhất là trong 5 tháng đầu năm 2024, mảng bán lẻ trang sức của PNJ vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao. Thông thường biến động giá vàng nguyên liệu tăng cao có ảnh hưởng vào giá vốn. Tuy nhiên, khi giá vàng biến động trên 5% công ty sẽ điều chỉnh giá bán tới khách hàng (chủ yếu tăng trong tháng 4). Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp của doanh thu bán lẻ trong 5 tháng cải thiện nhẹ 60 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Trong một báo cáo gần đây, công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, về cơ bản PNJ có khả năng duy trì biên lợi nhuận cả khi giá vàng tăng hoặc giảm tương đối ổn định thông qua điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, sự biến động của giá vàng cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong dự báo nhu cầu mua hàng của khách hàng để đưa vào sản xuất. Điều này sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng phần nào đến hoạt động kinh doanh của PNJ như giảm biên lợi nhuận, thừa hoặc thiếu hàng.
Mặc dù vậy, ảnh hưởng tới PNJ là không quá lớn nhờ kinh nghiệm rất lâu năm trong ngành vàng và hệ thống phân tích dữ liệu hiện đại giúp dự báo tương đối chính xác, hạn chế rủi ro. Thực tế, kết thúc quý I/2024, mặc dù ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của PNJ cao kỷ lục nhưng con số chỉ khoảng gần 6 tỷ đồng, rất nhỏ so với quy mô doanh thu, lợi nhuận của PNJ nên công ty vẫn đủ khả năng để quản lý những rủi ro về biến động giá.
Kể từ ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua kênh của 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và qua SJC nhằm thực hiện chủ trương thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, lượng cung vàng ra thị trường tăng góp phần hạ nhiệt giá vàng vốn tăng nóng trong thời gian vừa qua.
Chứng khoán Vietcap nhận định, việc các ngân hàng thương mại quốc doanh trực tiếp bán vàng miếng SJC không tác động đáng kể đến lợi nhuận của PNJ bởi mảng bán lẻ đóng góp trung bình tới 96% vào lợi nhuận gộp của PNJ trong 3 năm qua.
Thay vào đó, việc giá vàng hạ nhiệt có thể giúp biên lợi nhuận của PNJ sớm phục hồi và kết quả kinh doanh của công ty dự kiến tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ cũng nhận định giai đoạn tốt nhất của doanh nghiệp sẽ đến vào nửa cuối năm 2024 khi kinh tế phục hồi dần tốt lên, sức mua của thị trường sẽ tốt hơn, giúp doanh nghiệp sớm đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2024. “Khi gió thổi, PNJ chúng tôi sẽ căng buồm ra khơi”, ông Thông nói.
Để chuẩn bị đón đầu giai đoạn tăng trưởng sắp tới, PNJ vẫn tiếp tục tăng số lượng cửa hàng bán lẻ. Trong tháng 5 đầu năm 2024, PNJ đã mở 12 cửa hàng mới và đóng 7 cửa hàng, đưa tổng số cửa hàng lên con số 405.