PFG gieo mầm xanh hy vọng ở Cao Bằng
Huyện Thông Nông có 7.000 ha rừng sản xuất nhưng thường bị xói mòn và bỏ hoang do bà con không biết quản lý và sử dụng rừng hiệu quả. Nhưng từ khi dự án PFG do Bộ Ngoại giao Phần Lan và ActionAid Việt Nam (AAV) tài trợ được thực hiện thì rừng sản xuất của huyện đã được phủ xanh và hình ảnh những người dân tay cầm chuột, dùng máy tính, điện thoại thông minh để quản lý khu rừng của mình đã không còn xa lạ với người dân nơi đây.
Rừng cây xanh trên đồi trọc
Băng qua những con đường núi quanh co, chúng tôi đến với xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Trên những đồi núi, người dân đang cùng nhau chặt bỏ những cây cũ để lấy đất trồng cây mới, cạnh đó là những cây thông đang lớn dần lên.
Người dân đang cùng nhau chặt bỏ những cây cũ để lấy đất trồng cây mới.
Không phải ai cũng biết, chỉ 4 năm trước đây, rừng cây xanh bạt ngàn ở huyện Thông Nông là đất trống, đồi trọc và bị xói mòn nhiều.
Chia sẻ về lí do bỏ hoang đất rừng, chị Hoàng Thị Phượng, xóm Nà Thôn, xã Đa Thông, cho biết: “Tôi đã từng trồng rừng, nhưng phương thức canh tác không phù hợp và công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa tốt, cây kém phát triển, không bán được gỗ cho thị trường bên ngoài. Hơn nữa, thời gian để có thể khai thác gỗ khá lâu, mất 9 đến 10 năm, nên tôi thôi, không trồng cây nữa”.
Nhưng đấy là câu chuyện trước năm 2014, còn hiện nay những cây thông, cây gừng đang được nhân rộng, khu đất đồi, rừng dần được phủ kín bởi một màu xanh tươi tốt. Những thay đổi tích cực đó, chính nhờ sự thay đổi từ cá nhân chị Phượng, rồi nhiều người dân 5 xã Cần Yên, Lương Thông, Đa Thông, Lương Can và Bình Lãng (đều thuộc huyện Thông Nông) trong mô hình quản lý rừng và phát triển sinh kế từ rừng, sau gần 4 năm tham gia dự án PFG.
“Từ khi triển khai đến nay, dự án đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho những người được hưởng lợi. Cách tiếp cận dự án đã thúc đẩy cho người dân huyện Thông Nông nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng, cũng như kỹ thuật chăm sóc rừng”, ông Vương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông nhận định.
Đưa công nghệ vào quản lý rừng
Được thực hiện từ tháng 11/2014, PFG kết hợp hài hòa với dự án phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp (FORMIS), tạo ra một không gian mở và tương tác cao cho người dân. PFG hướng đến mục tiêu giúp cộng đồng và người dân được quyền tham gia vào hệ thống thông tin quản lý rừng quốc gia để nâng cao tính quản trị rừng, góp phần giảm nghèo ở Việt Nam.
Bà con được tham dự các lớp tập huấn sử dụng điện thoại thông minh để quản lý rừng.
Dự án thành lập nhóm phát triển rừng nòng cốt tại mỗi xã, chủ yếu là thanh niên và phụ nữ. Họ được tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ năng giám sát các hoạt động về phát triển rừng tại cơ sở, áp dụng hệ thống FORMIS.
Hào hứng kể về những thay đổi của mình, chị Hoàng Thị Oanh, thành viên nhóm nòng cốt xã Bình Láng bày tỏ: "Tôi học được rất nhiều điều từ khi tham gia dự án. Mỗi tháng chúng tôi tổ chức sinh hoạt nhóm 2 lần, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, ý tưởng để có những giải pháp giúp quản trị hay canh tác rừng tốt hơn. Từ đó, chúng tôi cùng về tuyên truyền lại cho người thân và những người trong xã cùng biết".
Một trong những điểm sáng của PFG là các ki-ốt thông tin trang bị máy tính kết nối mạng miễn phí, thư viện sách cho mỗi xã. Qua đó, tạo điều kiện cho cộng đồng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nghèo thường xuyên được tiếp cận với hệ thống FORMIS, giúp họ chủ động trong việc lập kế hoạch phát triển rừng của mình.
Cán bộ xã hướng dẫn người dân sử dụng máy tính tại ki-ốt thông tin để tuy cập vào bản đồ FORMIS.
“Trước đây, tôi không biết công nghệ là gì. Nhưng sau khi được tập huấn thì khác. Mỗi khi đến ki-ốt thông tin, tôi được cán bộ xã hướng dẫn cách truy cập vào hệ thống FORMIS bằng máy tính, qua đó biết được lô rừng và vị trí lô rừng nhà mình ở đâu, có tranh chấp với ai hay không, từng vùng nào hợp với cây gì...”, bạn Nông Thị Yên, xã Cần Yên chia sẻ.
Với dự án PFG, người dân học hỏi được nhiều kiến thức hữu ích về lâm nghiệp, thành thạo hơn trong quản lý rừng thông qua việc sử dụng bản đồ FORMIS cũng như thay đổi những định kiến về quyền phụ nữ và các vấn đề giới trong quản trị rừng ở địa phương. Người dân cũng chủ động trong việc xây dựng quy ước, hương ước của cộng đồng trong công tác quản lý rừng. Những thay đổi trong nhận thức của người dân đã tác động tích cực đến vấn đề thực hiện các sinh kế từ rừng để làm các mô hình tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Vượt khó từ rừng
Không chỉ giúp nâng cao nhận thức về quản trị rừng áp dụng khoa học công nghệ, PFG còn mang đến các mô hình sinh kế dựa vào rừng, giúp người dân tăng thu nhập.
Năm 2016, dự án đã hỗ trợ 12ha rừng tại thôn Lũng Lừa và Ma Pản, với hai loại cây trồng là cây Thông mã vĩ và cây Keo tai tượng. Người dân trong huyện nhận được sự hướng dẫn tỉ mỉ từ các cán bộ kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho đến quy trình trồng và chăm sóc rừng như việc xác định cây giống tốt, cách đào hố, nhân giống cây…, thay thế cho những cách làm theo kinh nghiệm truyền miệng trước kia.
Bên cạnh đó, họ còn được giới thiệu và nâng cao năng lực trong việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý sinh kế, quản lý rừng và kết nối thị trường qua việc sử dụng phần mềm PFG.
Với phần mềm PFG, người dân biết được thông tin về lô đất của mình, ngược lại họ cũng có thể chia sẻ thông tin lên hệ thống.
Với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân, năm 2017, dự án tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình tại 5 xã với hai loại mô hình là trồng rừng trên đất cộng đồng (do xã quản lý) và trồng rừng trên đất hộ gia đình với 4 loài cây: Keo tai tượng, thông mã vỹ, sa mộc, lát hoa. Đến nay, huyện Thông Nông đã thực hiện được trên 40 ha mô hình sinh kế rừng. Qua gần 4 năm thực hiện, rừng được bà con chăm sóc, phát triển tốt, đảm bảo theo đúng quy trình được tập huấn.
Đặc biệt, năm 2018, dự án hỗ trợ 5,75 ha gừng hữu cơ cho 59 hộ tại các xã Cần Yên, Lương Thông, Lương Can và Đa Thông. Trong đó có 0,5 ha trồng gừng hữu cơ xen dưới tán rừng và 5,25 ha trồng gừng trên đất bồn địa.
“Thực hiện mô hình trồng xen kẽ cây dược liệu dưới tán rừng trong những năm đầu rừng chưa phát triển với mục đích lấy ngắn nuôi dài, tận dụng được đất đai và tiềm năng của địa phương. Mô hình này sẽ kéo dài khoảng 3 năm trước khi cây thông khuếch tán. Tôi hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng với nhiều loại cây hơn và các vùng xung quanh, đem lại thu nhập tốt hơn cho người dân chúng tôi”, chị Hoàng Thị Phượng, xóm Nà Thôn, xã Đa Thông thông tin.
Người dân đang trồng cây gừng dưới tán thông.
Đây cũng là lần đầu tiên huyện Thông Nông thực hiện mô hình trồng gừng hữu cơ liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đến tháng 12, khi cây gừng đến kỳ thu hoạch, sẽ được Công ty Bao bì Vĩnh Phúc thu mua với giá 6.000 đồng/kg.
Tháng 10/2018, PFG sẽ kết thúc nhưng những kết quả đạt được trong 4 năm thực hiện dự án sẽ là động lực cho những bước phát triển tiếp theo.
Mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị bền vững nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương. Trên cơ sở 2 mô hình thành công của PFG, trong thời gian tới, huyện Thông Nông sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Được biết, huyện đang xây dựng đề án phát triển hàng hoá gắn với dược liệu được trồng dưới tán rừng, qua đó tăng giá trị sản phẩm hàng hoá cho huyện trong mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chị Mai Thị Thanh Nhàn, cán bộ dự án PFG khẳng định: “AAV vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng, người dân huyện Thông Nông phát triển sinh kế dựa vào rừng. Theo định hướng các mô hình trồng rừng theo chuỗi giá trị và liên kết các hộ, các chủ rừng nhỏ lại với nhau để họ cùng hỗ trợ về mặt kỹ thuật và hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, tạo điều kiện bán sản phẩm dễ hơn. Với mô hình trồng gừng, AAV dự định sẽ thành lập hợp tác xã nông lâm nghiệp, bao gồm những người trồng rừng và những người đang làm về nông sản ở địa phương. Khi thành lập hợp tác xã thì cộng đồng có cơ hội kết nối bên ngoài nhiều hơn”.
Dự án PFG do Bộ Ngoại giao Phần Lan, thông qua Đại sứ quán Phần Lan tại địa phương và ActionAid Việt Nam tài trợ với tổng số vốn gần 1,1 triệu EUR. Bộ Ngoại giao Phần Lan hỗ trợ 1,05 triệu EUR, ActionAid hỗ trợ 46.103 EUR. Mục tiêu dự án là giúp người dân giảm nghèo thông qua bảo vệ và khai thác hiệu quả tài nguyên rừng dựa vào cơ chế quản trị rừng có trách nhiệm giải trình ở Việt Nam. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2014 đến tháng 10/2018.
Dự án được thực hiện tại 3 địa bàn: Miền núi phía Bắc (huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng); miền Trung Tây Nguyên (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk); Đồng bằng sông Cửu Long (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).
Thùy Linh