NYT: Bài học lịch sử từ Chiến tranh Lạnh mà TT Trump nên hiểu trước khi gặp ông Putin
"Cuộc họp khó khăn"
Tờ The New York Times (Mỹ) cho rằng, cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và Tổng thống Putin thực tế tương tự với cuộc hội đàm đầu tiên giữa cố Tổng thống John F. Kennedy và cố Tổng Bí thư đảng cộng sản Liên Xô Nikita S. Khrushchev vào tháng 6/1961.
"Tổng thống Kennedy, ngài biết đó, chúng tôi đã bỏ phiếu cho ngài", năm 1970, Khrushchev nhớ lại câu nói trong cuộc gặp với ông Kennedy.
Nếu ai đó tin vào báo cáo của tình báo Mỹ thì Tổng thống Putin cũng có thể nói lại câu nói trên nhưng ông ấy rất khó có thể hành động như vậy , NTY bình luận.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Kennedy và Tổng bí thư Liên Xô Khrushchev khi đó được tổ chức tại Vienna, Áo trong hai ngày. Tuy nhiên, sau khi hội nghị kết thúc, Kennedy đã nói với phóng viên James Reston của NYT rằng, đó là một cuộc họp khó khăn và ông chưa thực sự sẵn sàng.
"Đây là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Ông ấy đã lấn át tôi", Tổng thống Kennedy than phiền.
NYT cho hay, mối quan hệ Mỹ-Liên Xô tại thời điểm Kennedy rời khỏi cuộc họp tương tự như tình hình hiện tại - mối quan hệ song phương đang ở giai đoạn leo thang căng thẳng.
Đáng chú ý, mới đây, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - ông McMaster cho biết cuộc gặp giữa hai Tổng thống Trump-Putin "không có chương trình nghị sự cụ thể" và ông Trump sẽ "nói về bất cứ điều gì mà ông ấy muốn".
Các chuyên gia lịch sử nghiên cứu về sự tương tác giữa Kennedy và Khrushchev nhận định, bài học của hội nghị trong quá khứ chính là: Không có chương trình nghị sự là một ý tưởng tồi.
Chuyên gia lịch sử chuyên nghiên cứu về các đời Tổng thống Mỹ - ông Michael Beschloss - người từng viết nhiều bài nghiên cứu về cuộc họp năm xưa bình luận, bài học của hội nghị Vienna chính là:
"Khi các nhà lãnh đạo của hai cường quốc lớn trên thế giới hội đàm lần đầu, kết quả có thể vô cùng nguy hiểm, trừ khi chương trình nghị sự đã được hai bên trù bị cẩn thận hoặc trừ khi hai nhà lãnh đạo đều đưa một số quan chức có kinh nghiệm chính trị phong phú vào phòng hội nghị và để họ trở thành một phần quan trọng của cuộc đối thoại".
Nhưng theo NTY, hai cuộc hội nghị xưa - nay cũng có những điểm khác biệt.
Tổng thống Mỹ Kennedy và Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Khrushchev trong cuộc gặp năm 1961. Ảnh: NYT
Tương đồng và khác biệt
Kennedy bắt đầu tham gia hội nghị với một lập trường cứng rắn. Trước đó, ông từng cảnh cáo, quan hệ Mỹ-Liên Xô tồn tại một "khoảng cách tên lửa" - tuy nhiên theo NYT, đây là chuyện hoàn toàn thiếu thực tế.
Trong khi đó, hơn một năm gần đây Tổng thống Trump chưa từng đưa ra lời bình luận tiêu cực về người đồng cấp Nga, đồng thời ông còn thể hiện quan điểm đối lập với cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey - người tuyên bố có bằng chứng Tổng thống Putin trực tiếp ra lệnh can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Chuyên gia lịch sử Arthur M. Schlesinger Jr. cho biết, cuộc đối thoại giữa hai cố lãnh đạo Mỹ-Liên Xô bắt đầu từ chủ đề can thiệp nội bộ nước khác và xoay quanh quan điểm chiến tranh.
"Tôi muốn hòa bình", Schlesinger dẫn lời Khrushchev, "nhưng nếu ngài muốn chiến tranh, đó là vấn đề của ngài".
Kennedy đáp lại: "Người muốn dùng vũ lực để đem lại sự thay đổi là ngài, không phải là tôi".
Những tuyên bố của Tổng thống Trump thời gian qua cho thấy, ông có thể sẽ không tiến hành một cuộc thảo luận như vậy. Ông chủ Nhà Trắng và Tổng thống Putin đều không muốn lãng phí quá nhiều thời gian cho cuộc tranh luận về ý thế hệ.
Năm 2016, trả lời phỏng vấn NTY khi còn là ứng viên Tổng thống, Trump cho biết, ông không có khuynh hướng áp đặt lệnh trừng phạt với Nga vì vấn đề Crimea hay khủng hoảng Ukraine. Theo NYT, trên thực tế, Nhà Trắng đã cố gắng giảm bớt lệnh trừng phạt lên Moscow.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay chính là liệu Tổng thống Trump sẽ có động thái gì đối với hai vấn đề chính trị trên - Đây đều là nội dung cố định trong đối thoại Nga-Mỹ những năm qua.
Theo NYT, yếu tố quan trọng nhất trong hội nghị thượng đỉnh năm 1961 chính là hai nhà lãnh đạo đều lường trước được sức mạnh đối phương - hội nghị Trump-Putin lần này cũng như vậy.
Khrushchev không chắc chắn Kennedy có dễ đối đầu hơn người tiền nhiệm Dwight D. Eisenhower hay không và Kennedy cũng nghiên cứu điểm này nhưng khi tham dự cuộc họp, ông ấy đã quá tự tin vào khả năng ứng biến của mình, Beschloss nói.
Trump dường như cũng có sự tự tin như vậy. Không ai mong chờ Trump nói nằng, bản thân "bị lấn át" hoặc thừa nhận cuộc gặp vô cùng tồi tệ dù cho kết quả có như vậy. Bởi Tổng thống Trump luôn nói rằng, ông giỏi trong các cuộc thương lượng, NYT kết luận.
Thủy Thu