Nữ chiến sĩ Việt gìn giữ hòa bình tại châu Phi: "Khi gặp hiểm nguy, cờ Việt Nam là bùa hộ mệnh"
Nữ tính, dịu dàng nhưng cũng không kém phần gai góc, cứng cỏi, đó là thượng tá Nguyễn Thị Liên - nữ quân nhân của Đội Công Binh số 1, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chị đã hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, châu Phi.
Việc gì khó, có chiến sĩ công binh lo
Tạm gác vai trò người vợ, người mẹ, thượng tá Nguyễn Thị Liên cùng hàng trăm chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã tham gia vào những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình vì sự phát triển của nhân loại tại Nam Sudan. Nơi họ đến là quốc gia non trẻ, đói nghèo, bất ổn và nhiều xung đột nhất châu Phi. Họ đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh người bộ đội cụ Hồ trong tâm trí bạn bè quốc tế trong suốt gần một thập kỷ qua.
Thượng tá Nguyễn Thị Liên - người phụ nữ thứ hai và là một trong bảy sĩ quan được Chủ tịch nước giao nhiệm vụ duy trì hòa bình của LHQ vào năm 2019 tại Trung Phi. Sau đó, chị tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ thứ hai tại Nam Sudan vào năm 2022. Nhiều người gọi chị là bông hồng thép Việt Nam.
Thượng tá Liên (giữa) cùng những chiến sĩ mũ nồi xanh. |
Khi được hỏi về lý do lên đường làm nhiệm vụ lần thứ hai, nữ thượng tá chia sẻ “Tôi được đồng chí Cục trưởng Hoàng Kim Phụng (khi đó) gọi lên Cục gìn giữ hòa bình và giao nhiệm vụ. Tôi nghĩ, khi Tổ quốc đã gọi tên mình, đặt niềm tin và mong muốn mình làm nhiệm vụ đó, mình không do dự gì nữa và quyết định lên đường làm nhiệm vụ với vai trò dân vận".
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thị Liên, chị và đồng đội đã được huấn luyện đầy đủ các kỹ năng về khả năng sinh tồn, các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu và đặc biệt. Đối với lực lượng công binh, có hai loại hình an toàn là: An toàn về sử dụng trang thiết bị và an toàn khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình đi làm ở ngoài thực địa.
Thượng tá Liên tại Nam Sudan. |
Chị Liên và đồng đội hàng tuần có những buổi học huấn luyện về an toàn về vận hành máy móc và an toàn giao thông,.. Đấy là những bài học có thể định hình được, nhưng cũng có những tình huống vượt ngoài các bài học, như người dân bản địa gây xung đột với mình, những giao tranh xung đột sắc tộc...
"Để đảm bảo an toàn khi bộ đội đi làm ở thực địa với những người dân bản địa, những kẻ bạo loạn thì các chiến sĩ thường có những cuộc vận động, cuộc thăm hỏi người dân, làm mềm hóa chiến trường, có những sự gắn kết với người dân, với già làng trưởng bản. Chúng tôi khắc ghi hình ảnh người bộ đội Việt Nam, nhấn mạnh với người dân: “đây là bộ đội Việt Nam, đây là công binh Việt Nam sẽ giúp dân ở địa bàn này, địa bàn kia” để họ có thể chia sẻ và bảo vệ khi mình đi làm nhiệm vụ. Ngoài ra còn có rất nhiều hiểm nguy khác như bom rơi đạn lạc nơi bạo loạn..." - chị Liên cho biết.
Những người lính cụ Hồ được người dân yêu quý
Suốt chặng đường dài làm nhiệm vụ tại vùng đất đầy bất ổn về chính trị, hình ảnh đầy bản lĩnh của những người lính bộ đội cụ Hồ đã được người dân ở đây vô cùng yêu mến. Không ngại khó, không ngại khổ, những người lính công binh đã dạy người dân bản địa cách trồng rau, làm nông nghiệp, hỗ trợ địa phương làm đường, xây trường học. Thậm chí những chiến sĩ mũ nồi xanh như chị Liên còn trở thành giáo viên “cõng chữ tới trường” cho trẻ em tại những vùng khó khăn tại Nam Sudan.
Trở ngại đầu tiên và cũng là trở ngại khó vượt qua nhất đối với chị chính là sự khác biệt trong nếp sinh hoạt, phong tục của người dân. Chị cho biết: “Việc dạy học chỉ có thể diễn ra vào buổi tối, nhưng ngặt nỗi đêm xuống thì ở đây không có điện. Người dân hầu như không có nhu cầu may vá, đa phần họ chỉ khoác lên người tấm vải là xong. Cắt tóc cũng chẳng cần, vì tóc người nào người nấy xoăn tít”.
Chị lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi mọi kế hoạch định áp dụng tại địa phương không đạt kết quả như mong muốn. Trong lúc chị Liên phá giàn mồng tơi già, thấy người dân xúm vào mót từng chiếc lá nhỏ, ý tưởng về chiến dịch dạy người dân trồng rau xanh nhen lên trong đầu chị.
Như một đốm lửa được tiếp gió, chỉ sau một tháng, các hộ dân đã có vườn rau xanh “made in Vietnam”. Không dừng lại ở rau, chị Liên xác định sản phẩm thoát đói phải là ngũ cốc. Cái tên “Liên agri Cove - Liên đậu xanh” được người dân gọi chị sau khi một loạt vườn rau, đậu nảy mầm xanh tươi trên đất châu Phi.
Chị Liên dạy người dân cách trồng rau xanh. |
Bối cảnh văn hóa - xã hội ở Việt Nam và Nam Sudan cũng có những khác biệt rất lớn, vì vậy để xóa nhòa ranh giới khác biệt đó, bên cạnh việc giúp bà con nơi đây thoát nghèo, dạy học, trồng rau làm vườn..., những người lính Công binh Việt Nam còn thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu văn hóa như tổ chức những sự kiện về văn hóa ẩm thực. Họ cùng nhau đón lễ hội truyền thống của Việt Nam và châu Phi để cảm nhận và thấu hiểu văn hóa của nhau. Chị Liên luôn quan niệm:“Văn hóa có thể khác nhau nhưng cái tâm thì lại rất giống nhau, tâm mà gần thì văn hóa cũng rất dễ đến gần”.
Bằng tình cảm gắn bó, sự xuất hiện của chị Liên và đồng đội trên mỗi con đường, mỗi vùng quê xa xôi từ lâu đã trở thành nguồn động viên lớn cho trẻ em và người dân Nam Sudan. Dù khác biệt về ngôn ngữ nhưng hai từ Việt Nam luôn được họ gọi bằng tình cảm chan chứa tình yêu thương.
Cờ Việt Nam là bùa hộ mệnh
Nhưng không phải nhiệm vụ nào cũng êm đềm như thế. Có những khi chị Liên và các đồng đội phải đối mặt với hiểm nguy nơi xứ người.
“Khi đi qua trạm ranh giới của Nam Sudan và Sudan, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian giải thích để thông đường. Trong đoàn, chúng tôi đi cùng với bộ đội của các nước khác nữa, nhưng để giải quyết việc thông đường thì hầu như là bộ đội Việt Nam làm, bởi vì người dân bản địa rất có lòng tin đối với bộ đội Việt Nam. Chính chữ Việt Nam ở bên áo ngực là bùa hộ mệnh, thẻ kim bài để vượt qua những trạm kiểm soát”.
Mục tiêu của Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam đề ra chính là “mở đường thắng lợi”. Để đảm bảo cho nhiệm vụ cho chuyến đi mở đường này thì mỗi cá nhân người lính đều mang trong mình một vai trò rất lớn.
Hơn ai hết, chị Liên với vai trò là một sĩ quan dân vận, ngay từ đầu chuyến đi đã có những mục tiêu và kế hoạch của riêng mình để mang lại những kết quả tốt nhất dành cho người dân bản địa và cũng như quảng bá hình ảnh của bộ đội Việt Nam và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Một trong những “công trình” đáng nhớ đối với chị Liên cũng như đối với bộ đội Việt Nam chính là cải tạo lớp học, xây dựng thư viện cho hệ thống các trường học, dạy tiếng Anh và tin học cho trẻ em.
Chị Liên dạy tiếng Anh cho người dân châu Phi. |
Qua quá trình làm nhiệm vụ ở Nam Sudan, Thượng tá Nguyễn Thị Liên bày tỏ cảm nhận sâu sắc về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và phục vụ cộng đồng tại các địa phương đang gặp khó khăn.
“Với tôi, tham gia vào gìn giữ hòa bình, tham gia vào Liên Hợp Quốc cũng chính là bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa. Bởi vì khi sang bên đó, chúng tôi đã chứng minh được khí phách, bản lĩnh của bộ đội Việt Nam, bộ đội cụ Hồ trong môi trường quốc tế, chứng tỏ được tấm lòng hết mình vì dân của bộ đội Việt Nam đối với người dân bản địa”.
Chị Liên tham gia làm chả giò nhằm lan tỏa món ăn Việt Nam tại châu Phi. |
Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bảo vệ hòa bình, không tham gia vào xung đột quân sự mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ nhân đạo, hòa giải. Chính trên mảnh đất chiến sự đầy hiểm nguy ấy, các binh sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã góp phần chung tay xoa dịu hậu quả chiến tranh cho đất nước và người dân nơi đây.
63 chiến sỹ Việt Nam chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan Trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, các chiến sỹ là các cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 đã tổ chức lễ dâng hương và phát động phong trào thi đua lập công dâng Bác vào sáng ngày 24/6 tại bến cảng Nhà Rồng. |
UNMISS trao Huy chương Gìn giữ Hòa bình LHQ cho 3 sĩ quan công an Việt Nam Phái bộ Gìn giữ Hòa bình LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) đã trang trọng tổ chức lễ trao Huy chương Gìn gữ Hòa bình LHQ cho 3 sĩ quan thuộc Tổ công tác Bộ Công an Việt Nam. |
Theo nguoiduatin.vn