e magazine
Nổi chìm sau bức mành tre

16:45 | 12/01/2023

Niềm vui của những nghệ nhân làng múa rối nước làng Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội) chính là được sống với đam mê, mang đến cho khán giả khắp nơi những giá trị văn hóa truyền thống có lịch sử hơn 300 năm do ông cha truyền lại.

Mành khuất bóng ai

Sự hấp dẫn của các tích trò rối nước cổ như: Trâu chui qua ống, Phùng Hưng diệt hổ,... được diễn xướng nhịp nhàng với âm nhạc dân gian thu hút hàng nghìn du khách tới làng Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội). Đằng sau tấm mành rối, những "người nông dân làm nghệ thuật" với đôi tay khéo léo đang mang tới cho khán giả bộ môn nghệ thuật dân gian có lịch sử hơn 300 năm vẫn phải hàng ngày vật lộn mưu sinh để nuôi nghề.

Làng Đào Thục cuối năm, một buổi tập rối nước vừa bắt đầu. Sau tấm mành tre nơi đình làng, khoảng năm, sáu nghệ nhân trong trang phục áo nâu, quần vải, đầu đội khăn đang tập dượt lần cuối với bạn diễn của mình - những quân rối.

Dù là tập nhưng vẫn có rất đông khán giả. Không khí đã náo nhiệt tiếng người xem, tiếng trống, tiếng đàn kéo… Một trong những nghệ nhân có tiếng trong làng, bác Nguyễn Văn Phi cho biết, từ nay đến Tết Âm lịch, hầu như ngày nào cũng có buổi diễn.

Tài năng và tâm tình của nghệ nhân rối nước Đào Thục

Sinh ra và lớn lên ở làng Đào Thục, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi đã theo học ông, cha làm con rối hay phụ biểu diễn từ thời tấm bé. Nghệ thuật múa rối nước, cũng như bao nghệ thuật tinh hoa khác, không phải là “món nghề quen tay”, cứ luyện mà thành, bởi theo bác: “Múa rối nước, trước nhất là phải có năng khiếu. Thứ nhì là phải đam mê thật sự”.

Cái khó của bộ môn này là kỹ năng điều khiển con rối. Trong một màn biểu diễn, người nghệ nhân chỉ dùng một cây sào để tạo ra chuyển động cho con rối cũng như kết hợp với tiết tấu nhạc. Khó hơn cả là việc đưa vào vở diễn cái hồn, nét tính cách đặc trưng vào từng quân rối bởi vốn dĩ, chúng là loại “diễn viên” không thay đổi được nét mặt, không tự nói được. Do đó, để luyện thành tài kỹ năng này cần nhiều thời gian, công sức và đam mê.

Tài năng và tâm tình của nghệ nhân rối nước Đào Thục

Năm nào Đào Thục cũng có những người theo học múa rối, quy định phải học tối thiểu hai năm mới được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, không phải ai học xong cũng có thể biểu diễn được.

Có người chỉ tốn một năm đã múa rất khéo nhưng cũng có những người mất gần 10 năm vẫn không thành tài. “Rõ là càng khó thì càng đòi hỏi đam mê”, nghệ nhân Phi chiêm nghiệm.

Chính cái tài được tạo nên từ sự say mê đã khiến người nghệ nhân chạm đến trái tim của những người yêu nghệ thuật.

Sự hấp dẫn của các tích trò cổ như: Trâu chui qua ống, rình cá bắt vịt, Phùng Hưng diệt hổ,… được diễn xướng nhịp nhàng với âm nhạc dân gian và đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân khiến thủy đình luôn nhộn nhịp đón hàng nghìn khách gần xa. Những chuyến lưu diễn khắp trong nước, sang cả Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản…, tiếp cận đến các Đại sứ, các tổ chức nước ngoài cũng được ủng hộ nhiệt tình.

Tài năng và tâm tình của nghệ nhân rối nước Đào Thục

Các nghệ nhân múa rối nước làng Đào Thục trong buổi diễn ngày 8/9/2023.

Múa rối nước Đào Thục còn nhận được nhiều giấy khen, bằng khen quý giá. Tiêu biểu là Huy chương Vàng toàn đoàn trong Ngày hội các văn hóa dân tộc toàn quốc, Huy chương Bạc tại liên hoan múa rối nước toàn quốc lần thứ nhất. Các nghệ nhân cũng nhận được giải thưởng cho những tích trò đặc sắc cùng nhiều giải thưởng khác trong những năm gần đây.

Mành khuất bóng ai

Anh Đinh Hoàng Vân là phó phường múa rối Đào Thục. Nghệ nhân này có hơn 22 năm gắn bó với nghề. Theo anh Vân, nghệ nhân rối nước làm nghề nhờ cái tài, nhưng để gắn bó và phát triển thì nhờ cái tâm. “Những người nông dân làm nghệ thuật” ấy và các quân rối luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tâm tư của họ luôn đặt vào việc tạo hình mỗi quân rối, sao cho chúng trở nên có hồn, có nét riêng."

Mặc dù có thể lựa chọn dùng máy móc để đẩy nhanh tiến độ, sản xuất số lượng rối nhiều hơn, có được lợi nhuận “khá” hơn, nhưng cái tâm với nghề đã thôi thúc các nghệ nhân “thổi hồn” cho những người bạn diễn bằng chính đôi tay khéo léo của họ

Tài năng và tâm tình của nghệ nhân rối nước Đào Thục

Các con rối được chính tay người nghệ nhân chạm khắc, sơn màu.

Anh Vân và các anh em trong phường thường dành một tuần để hoàn thiện tất cả các chi tiết. Họ đục đẽo một cách tỉ mẩn. Vì con rối khá nhỏ nên các nghệ nhân chỉ giữ lại những nét lớn tượng trưng nhất để người xem có thể nhận ra. Sau đó, họ gọt giũa, đánh bóng và sơn lên những màu sắc sặc sỡ như xanh, đỏ, vàng,... khiến chúng trông nổi bật trên khấu.

Trong hai năm diễn ra đại dịch Covid-19, không được diễn, nhớ nghề, các nghệ nhân mang những con rối ra sửa sang lại mà không tính tiền công với phường. Dù làm không công nhưng anh Vân rất tâm huyết, sửa lại các con rối trông như mới, phủ lớp sơn tươi màu, thay các khớp nối, nhiều hôm cặm cụi làm đến tận khuya.

Không những thế, người nghệ nhân còn luôn trăn trở làm sao để ra đời những buổi biểu diễn trọn vẹn, níu chân khán giả quay trở lại. Các nghệ nhân mong khán giả thật sự hiểu được tinh thần, giá trị của múa rối nước và quay lại xem vì chính sự yêu thích, ngưỡng mộ.

Tài năng và tâm tình của nghệ nhân rối nước Đào Thục

Những chi tiết đằng sau tấm mành sân khấu được các nghệ nhân làng Đào Thục chăm chút hơn cả. Tới nay, họ vẫn sử dụng sào tre trong các buổi diễn. Có người đề xuất chuyển sang dùng sào sắt cho bền, nhưng bác Phi cho rằng như vậy “mất hết tính nghệ thuật”. Dù không thể nhìn rõ bằng mắt, điều khiển bằng sào tre bao giờ cũng khiến cho con rối được dịch chuyển mượt mà, uyển chuyển hơn.

Sự tâm huyết cũng khiến những khó khăn khi lên sân khấu tan biến. Vào những ngày mùa đông, thời tiết giảm xuống 8, 9 độ C, các nghệ nhân vẫn lội xuống nước. Gặp ngày quá lạnh họ phải uống mỗi người một bát nước mắm để giữ ấm.

Dù đã được trang bị găng tay bảo hộ vào mùa đông, nhiều nghệ nhân khi diễn vẫn để tay trần, vì theo họ, nếu đeo găng, lúc giật dây quay con rối cảm giác không được “thật tay”. Các nghệ nhân nói về những khó khăn trong nghề bằng sự nhẹ nhàng, bởi “đã đam mê rồi thì mọi vất vả đều trở nên bình thường!”

Anh Vân cho biết, tầm hơn mười năm trước, việc sống bằng nghề rất khó. Để tổ chức buổi diễn, nhiều nghệ nhân phải tự bỏ tiền túi, thậm chí diễn không công. Tới nay, đối với những đoàn khách ít người, tiền công cho một buổi diễn khi chia ra chỉ được khoảng 90.000 đồng/người. Vì vậy, hầu hết các nghệ nhân đều phải dựa vào công việc khác để đảm bảo cuộc sống.

Khi có đoàn khách đặt lịch, các nghệ nhân gác lại công việc riêng để tập trung cho buổi diễn. Cũng có những người như bác Phi, đã xin nghỉ công việc làm mộc với mức lương gần 700.000 đồng/ngày để ở nhà tập trung tạo hình rối. Nhiều người cho rằng bác “hâm”, nhưng bác quan niệm, là người làm nghệ thuật “nếu chỉ nghĩ đến tiền thì đó không còn là nghệ thuật nữa”.

Mành khuất bóng ai

Từ khi còn là những cô, cậu bé, rối nước đã hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của các nghệ nhân, từ những buổi xem biểu diễn ở đình làng đến câu chuyện kể của những lớp đàn anh, đàn chị. Niềm tự hào, sự trân trọng đối với bộ môn nghệ thuật này ăn sâu vào con người các nghệ nhân lúc nào không hay, để rồi qua thời gian, múa rối nước trở thành đam mê của đời họ.

Nhớ về những ngày xưa cũ, anh Vân tâm sự: “Ngày còn trẻ, những lần không được gọi đi diễn, tôi cảm thấy chán và tủi thân lắm”. Cái “tủi thân” hồn nhiên thời son trẻ ấy hàm chứa cả một cái tình gắn bó, khó phai với nghề.

Tài năng và tâm tình của nghệ nhân rối nước Đào Thục

Nghệ nhân Đinh Hoàng Vân, Phó phường múa rối Đào Thục.

Sự “tủi thân” của anh Vân và cái “hâm” của bác Phi đều xuất phát từ tình yêu và sự trân trọng đối với nghệ thuật dân gian của làng. Mục đích mà Đào Thục luôn cố gắng phục hồi những tích trò cổ xưa nhất, khắc tạc những con rối giống với nguyên bản nhất là để thế hệ sau hiểu được cha ông ngày xưa đã tài giỏi, trí tuệ đến thế nào. Hay nói một cách giản dị, các nghệ nhân làm nghề là để “người bây giờ” hiểu về những “người ngày xưa”.

Tài năng và tâm tình của nghệ nhân rối nước Đào Thục

Trong mỗi vở diễn, hình ảnh nông thôn đồng bằng Bắc Bộ cùng con trâu, cái cày,... lại được tái hiện trước tấm mành múa rối một cách sống động. Với các nghệ nhân, gìn giữ nghệ thuật múa rối nước không chỉ đơn thuần là gìn giữ một bộ môn nghệ thuật dân gian mà còn thể hiện sự trân trọng nét văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc của cả một thời kỳ có ý nghĩa trong lịch sử của người Việt.

Tài năng và tâm tình của nghệ nhân rối nước Đào Thục

Sự ủng hộ của khán giả là nguồn động lực của các nghệ nhân.

Mỗi năm hai đợt, các nghệ nhân tự tổ chức các lớp đào tạo múa rối nước tại làng. Theo học những lớp này là con em trong làng, có những em mới đang học cấp hai. Các bạn trẻ không chỉ được dạy kỹ thuật biểu diễn múa rối nước mà quan trọng hơn là những bài học về giá trị đằng sau môn nghệ thuật này. Mong muốn lớn nhất của những “giảng viên” nơi đây là đào tạo nên thế hệ kế cận vừa giỏi nghề, vừa hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa mà cha ông truyền lại. Nói như bác Phi, “...nếu không, sự tôn trọng của họ với nghề sẽ giảm đi rất nhiều”.

Nội dung: Thu Phượng, Yến Trang, Thanh Thúy, Mỹ Trang

Ảnh và đồ họa: Phương Linh, Trinh Nương, Phương Thảo, Ngọc Uyên

Nhóm phóng viên tạp chí Thời Đại

Tin bài liên quan

Tin mới

CNN: Phở bò là một trong 20 món súp ngon nhất thế giới

CNN: Phở bò là một trong 20 món súp ngon nhất thế giới

CNN đã bình chọn phở bò của Việt Nam trong top 20 món soup ngon hàng đầu thế giới.
Giới thiệu vẻ đẹp của tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đến các bạn Việt Nam

Giới thiệu vẻ đẹp của tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đến các bạn Việt Nam

Ngày 16/11, Lễ hội Kanagawa Nhật Bản 2024 khai mạc tại vườn hoa đền Bà Kiệu và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tin khác

Việt Nam là điểm đến có một không hai thu hút du khách Ấn Độ

Việt Nam là điểm đến có một không hai thu hút du khách Ấn Độ

Đó là nhận định của tờ The Economic Times (Ấn Độ) bởi theo số liệu thống kê, số lượng đặt chỗ du lịch Việt Nam của một số công ty lữ hành Ấn Độ trong năm nay đã tăng 500% so với năm 2019.
Golden Imperial Hotel – Tiêu chuẩn khách sạn 5 sao bậc nhất Đà Lạt

Golden Imperial Hotel – Tiêu chuẩn khách sạn 5 sao bậc nhất Đà Lạt

Tọa lạc ngay sau quảng trường Lâm Viên, Golden Imperial Hotel được xem là khách sạn trung tâm bậc nhất Đà Lạt, là nút giao giữa rất nhiều điểm tham quan nổi tiếng, nằm nép mình duyên dáng nhưng đầy kiêu hãnh sau lưng biểu tượng thành phố - quảng trường Lâm Viên. Chỉ cách vài phút di chuyển bạn đã có thể đến các thắng cảnh, địa điểm đặc trưng nhất của Đà Lạt.
Trải nghiệm văn hóa và ẩm thực Bỉ tại thành phố hoa phượng đỏ

Trải nghiệm văn hóa và ẩm thực Bỉ tại thành phố hoa phượng đỏ

Tối ngày 25/10, tại Cung Văn hóa Lao động Việt Tiệp Hải Phòng đã diễn ra Lễ hội văn hóa và ẩm thực Bỉ 2024 (B.Fest 2024).
Việt Nam lọt top 20 quốc gia được du khách toàn cầu yêu thích nhất

Việt Nam lọt top 20 quốc gia được du khách toàn cầu yêu thích nhất

Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Condé Nast Traveler vừa công bố Giải thưởng Readers’ Choice Awards 2024. Theo công bố, Việt Nam lọt top danh sách 20 quốc gia du khách toàn cầu yêu thích nhất.
Phiên bản di động