Nợ công lên tới 117 tỷ USD, tốc độ tăng cao gấp 3 lần GDP, đã có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ
Tại báo cáo thẩm tra tình hình nợ công giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, nợ công tính đến năm 2015 đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, tương đương 117 tỷ USD, bằng 62,2% GDP.
Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn ở mức 18,4%/năm, là khá cao. Ủy ban Tài chính ngân sách nhận định: Tốc độ tăng nợ công bình quân đã cao gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%).
Giai đoạn vừa qua, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN), dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Điều này khiến nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.
Các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của NSNN, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối NSNN và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Mức dư nợ công được tính theo báo cáo chưa bao gồm các khoản nợ có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của NSNN như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách, nợ khối lượng xây dựng cơ bản…
“Nếu tính đủ các khoản này thì thực chất dư nợ công sẽ tiệm cận hoặc vượt giới hạn cho phép”, Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết.
Trong lúc nợ công đang có dấu hiệu tăng nhanh thì tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách cũng đã vượt ngưỡng 25%, lên khoảng 27,4% năm 2015.
“Vay đảo nợ tăng nhanh, với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước thể hiện cơ cấu, kỳ hạn vay bất hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, không thu hồi được nguồn để trả nợ”, báo cáo thẩm tra của cơ quan thường trực Quốc hội nhận xét.
Đặc biệt, theo đơn vị này, cần chú ý đến chỉ số rất quan trọng, là một trong những thước đo để đánh giá mức độ an toàn nợ công là tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu NSNN khi chỉ số này đang có xu hướng tăng nhanh, vượt mức trần 25%, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia.
Dự báo nợ công sẽ căng thẳng trong 10 năm tới khi Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần có chính sách hướng các nguồn đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 cho những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, đồng thời tập trung khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách sử dụng, quản lý vốn ODA để nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm an toàn nợ công.