Những vấn đề đối ngoại làm đau đầu Tổng thống Trump
Lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS)
Suốt từ thời Tổng thống Barack Obama còn nắm quyền, cuộc chiến chống IS là một trong những thách thức hàng đầu với nước Mỹ. Mục tiêu cao nhất của IS là sát hại người Mỹ ở nước ngoài và cả trong lòng nước Mỹ. Khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, thách thức này vẫn còn nguyên vẹn.
Chính quyền của Tổng thống Trump sẽ chịu nhiều áp lực trong việc đẩy lui IS khỏi các thành trì như Mosul ở Iraq hay Raqqa tại Syria. Nhiều khả năng, sự thay đổi chiến thuật của IS trên thực địa có thể buộc Mỹ phải đưa quân đội tham chiến, điều có thể khiến họ một lần nữa sa lầy ở Trung Đông sau hơn một thập kỷ có mặt ở Afghistan và Iraq.
Lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Sự lộng hành của IS cùng bất ổn chính trị tại Trung Đông gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, trong đó có 4,5 triệu người Syria trở thành dân tị nạn. Dù dòng người tị nạn không ảnh hưởng trực tiếp tới Mỹ nhưng Washington cũng chẳng thể đứng ngoài cuộc bởi vai trò nước lớn cũng như tác động của chúng tới các nước đồng minh của Washington.
Nga
Mối quan hệ Nga – Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ hứa hẹn làm tan băng mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những khác biệt lớn giữa Nga và Mỹ như vấn đề bán đảo Crimea và bất ổn chính trị Ukraine, sự can thiệp của tin tặc vào bầu cử Tổng thống Mỹ hay cuộc chiến trên đất Syria vẫn chưa có lời đáp.
Vụ tin tặc tấn công hệ thống thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ cũng chỉ ra mối đe dọa an ninh lớn với chính phủ Mỹ, trong đó có cơ sở hạ tầng, công nghệ quốc phòng và nhiều hoạt động khác của chính phủ Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào không gian mạng. Trên trang web, Nhà Trắng cho biết họ ưu tiên khả năng phát triển chiến tranh mạng và sẽ tuyển dụng những người giỏi nhất phục vụ cho lĩnh vực này.
Triều Tiên
Trong tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lớn nhất với thiết bị nổ có sức công phá 10 kt. Đây là vụ thử thứ 2 trong năm của Triều Tiên và cũng là vụ thử thứ 5 kể từ năm 2006. Mỹ đang rất lo ngại khả năng Triều Tiên thu nhỏ thành công vũ khí hạt nhân thành đầu đạn và đặt chúng lên tên lửa liên lục địa, bước đi khiến cả thế giới trở nên bất ổn.
Tên lửa và hạt nhân Triều Tiên là mối quan ngại với Mỹ.
Không giống với Iran, Mỹ không thể đàm phán với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân của nước này. Do hai quốc gia không đặt quan hệ ngoại giao nên Mỹ buộc phải nhờ tới Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các vụ thử diễn ra liên tiếp cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế không đủ ngăn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong tháng 5, ông Trump nêu ý tưởng vũ trang hạt nhân cho Nhật Bản và Hàn Quốc, các quốc gia láng giềng của Triều Tiên, để đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng. Ông Trump cũng cho biết Mỹ không còn muốn là “cảnh sát của thế giới”. Tuy nhiên, chưa thể xác định tính khả thi trong tuyên bố vũ trang hạt nhân cho Tokyo và Seoul mà ông Trump tuyên bố khi đang chạy đua vào Nhà Trắng.
Biến đổi khí hậu
Trong báo cáo được công bố tháng 11 của Tổ chức Khí tượng Thế giới Liên Hợp Quốc, giai đoạn 2011-2015 là 5 năm nóng kỷ lục và tác động của con người tới khí hậu đang ngày càng rõ nét. Trước những ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu, một năm trước, gần 200 quốc gia đã ký một hiệp ước định toàn cầu về biến đổi khí hậu mang tên Hiệp định Paris nhằm ngăn trái đất nóng lên.
Để đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu trong Hiệp định Paris, vai trò của Mỹ là rất lớn. Tuy nhiên, kế hoạch ngừng các nhà máy nhiệt điện của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị đình trệ. Tổng thống Trump chọn Scott Pruitt là người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Pruitt không cho rằng biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp” như ông Trump tuyên bố nhưng nhấn mạnh các quy định về môi trường làm tổn thương ngành công nghiệp Mỹ. Nguy cơ Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris là hoàn toàn hiện hữu.
Trung Quốc
Tổng thống Trump phải đương đầu với 3 thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc. Đầu tiên là nguy cơ một cuộc chiến trên mặt trận kinh tế như "chiến tranh tiền tệ" hay "cuộc chiến thương mại". Thứ hai, Trump đã khiêu khích Bắc Kinh với việc đặt câu hỏi về chính sách Một Trung Hoa, động thái có thể thổi bùng căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thứ ba là nguy cơ đối đầu quân sự trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới.
Đối đầu Mỹ - Trung Quốc có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Đối đầu Mỹ - Trung Quốc, cả về quân sự và thương mại, đều là điều gây tác động tới cả thế giới. Chính sách bảo hộ mà ông Trump đang theo đuổi có thể đẩy Mỹ - Trung Quốc vào một cuộc chiến thương mại trong khi đòi hỏi của Trung Quốc trên Biển Đông có thể thổi bùng đụng độ quân sự. Tương lai mối quan hệ Mỹ - Trung đang nằm dưới từng quyết định của Tổng thống Trump.
Linh Anh