Những tuyên bố trái ngược Nga từng đưa ra để cáo buộc Ukraine là thủ phạm bắn rơi MH17
Chỉ huy lực lượng tên lửa của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Nikolai Parshin cho biết, căn cứ vào mảnh vỡ thu được tại hiện trường thì quả tên lửa đã bắn rơi máy bay MH17 được chế tạo tại Tập đoàn sản xuất máy xây dựng Dolgoprudnensk năm 1986.
-
Nga tuyên bố tên lửa BUK bắn hạ MH17 sản xuất năm 1986, thuộc sở hữu của Ukraine
"Số serial được nhà máy đánh cho tên lửa là 8720, đây là số ký hiệu duy nhất của sản phẩm do nhà sản xuất xác định và đánh dấu".
Tướng Parshin nói thêm, quả tên lửa trên sau đó đã được chuyển đến một đơn vị phòng không đóng quân tại Ukraine, biên bản bàn giao đã xác nhận rõ điều này, đồng thời Nga chưa từng nhận lại vũ khí này từ Ukraine.
Theo đó, quả tên lửa thuộc phiên chế của Quân khu Prikarpat và được vận chuyển về tỉnh Ternopol của Cộng hòa Xô viết Ukraine. Đơn vị quân đội sở hữu quả tên lửa có tham gia vào chiến dịch quân sự tại Donbass.
Như vậy đây là tuyên bố mới nhất của Moskva, cáo buộc chính Quân đội Ukraine liên quan trực tiếp đến thảm kịch với chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Biên bản bàn giao quả tên lửa 9M38 thuộc tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M1 cho đơn vị đóng quân trên đất Ukraine được Nga đưa ra
Những báo cáo trái ngược trước đây
Báo cáo mới nhất được phía Nga cung cấp sẽ cần thêm thời gian để xác thực, nhưng ngay lúc này đã xuất hiện nhiều ý kiến lật lại các tuyên bố từ những "chuyên gia quân sự" Nga từ vài năm trước, thậm chí có cả "bằng chứng rõ ràng" cho thấy MH17 bị chiến đấu cơ Ukraine bắn rơi chứ không phải tên lửa Buk.
Đầu tiên là trong cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/7/2014, Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Igor Makushev và Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga, Trung tướng Andrew Kartapolov đều khẳng định rằng vụ việc có liên quan đến Ukraine.
Hai vị tướng lĩnh trên cho rằng trong thời điểm MH17 biến mất khỏi màn hình radar thì trên radar của Bộ Quốc phòng Nga, tại vị trí của MH17 cũng xuất hiện một máy bay khác được cho là Su-25 của Ukraine. Chiếc máy bay này sau đó đã bị cáo buộc là thủ phạm bắn rơi MH17.
Hình ảnh về sự xuất hiện của chiếc Su-25 của Ukraine do Bộ Quốc phòng Nga công bố
Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận ra kẽ hở của tuyên bố trên khi chiếc Su-25 có tốc độ chậm hơn Boeing 777 khá nhiều, hơn nữa trần bay của Su-25 lại không thể vươn tới được độ cao trên 10.000 m mà MH17 bị trúng đạn.
Sau đó một thời gian, đến tháng 11/2014, kênh truyền hình Nga Channel One lại công bố hình ảnh được cho là ghi lại trước khi máy bay MH17 bị rơi. Theo kênh này, một kỹ sư của Nga tham gia hoạt động điều tra nhận được hình ảnh này vào ngày 12/11/2014, và người cung cấp nó là nhân viên phân tích hình ảnh thuộc một đơn vị của tình báo phương Tây.
Bức ảnh được công bố rõ nét đến mức nhìn rõ cả hình ảnh một chiếc máy bay tiêm kích MiG -29 được cho là thuộc Không quân Ukraine bay gần MH17, và đường đi của quả tên lửa không đối không bắn trúng vào phía buồng lái.
Nhưng gần như ngay lập tức tấm ảnh đó bị phát hiện là sản phẩm "chế tác", thậm chí người làm còn không phân biệt nổi nên đã "dán" chiếc Su-27 và Boeing 767 vào rồi chú thích đó là MiG-29 và Boeing 777, khiến cho truyền thông Nga bị một phen "muối mặt".
Hình ảnh vệ tinh của truyền hình Nga cáo buộc chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 bị chiến đấu cơ MiG-29 bắn hạ ở miền Đông Ukraine
Sau những hình ảnh và bằng chứng được giới quân sự và truyền thông Nga đưa ra với mục đích hướng sự chú ý vào Không quân Ukraine, thì phải tới khi kết luận của nhóm điều tra quốc tế khẳng định rằng MH17 bị rơi vì trúng tên lửa 9M38 thuộc tổ hợp Buk-M1 thì quan điểm của Nga mới chính thức thay đổi.
Do đã quá nhiều lần tuyên bố khác nhau, có lẽ hơi khó khăn cho Moskva khi thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng hãy ngay lập tức tin tưởng vào kết quả điều tra vừa được họ đưa ra.
Bộ quốc phòng Nga tung bằng chứng cáo buộc tên lửa bắn hạ máy bay MH-17 của Malaysia Airlines thuộc sở hữu của Ukraine
Sao Đỏ