"Những tay cướp biển" - tàu ngầm Liên Xô: Phá thiên la địa võng của Hải quân Mỹ
LTS: Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 suýt chút nữa đã đẩy thế giới đến bờ vực của sự hủy diệt. Thật may là điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Các nhà lãnh đạo của cả 2 phe đã giữ được "những cái đầu lạnh".
Tuy nhiên, có rất nhiều bí mật mãi tới gần đây mới dần dần được hé lộ. Qua hồi ký mang tên "Những người khuấy động biển sâu" của Đại tá Hải quân Liên Xô Nikolai Andreyevich Cherkashin, chúng ta phần nào sẽ hiểu được tình hình lúc đó căng thẳng đến mức nào. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Tàu ngầm Liên Xô và 4 phong bì tuyệt mật - Mệnh lệnh khủng khiếp
Kỳ 2: Tàu ngầm Liên Xô quyết đấu nghẹt thở với hải quân Mỹ trên biển Caribe: Cận kề cái chết
Kỳ 3: Tàu ngầm Liên Xô ngoạn mục chạy thoát "cũi nhốt cá mập" của Hải quân Mỹ: Suýt bị bắt sống!
Kỳ 4: Bị truy đuổi và đánh bom dồn dập: Duy nhất 1 tàu ngầm Liên Xô húc thủng "cũi nhốt cá mập"
Các thủy thủ tàu ngầm trở lại căn cứ Polyarnyi trước thềm năm mới. Họ trở về với một tấm lá chắn. Trở về tất cả - vẹn toàn và không ai thương tật. Họ trở về không có một xác chết nào mang theo trên tàu, điều mà bạn không thể nói về những trường hợp khác, dù trong những chuyến "độc hành" hòa bình hơn.
Người ta đón Lữ đoàn 69 một cách ảm đạm. Như diễn tả của một trong các thuyền trưởng, từ Moskva đến là những người đàn ông tóc bạc với ánh lửa trẻ thơ trong mắt cùng những chiếc xẻng lớn – để đào bới rác rưởi".
Ủy ban của Bộ Tổng tham mưu có một nhiệm vụ: ấn định những kẻ có lỗi "vì làm lộ bí mật". Không ai trong số các nhà phê bình muốn phí công tìm hiểu hoàn cảnh của cuộc hành quân, đề cập đến sơ hở của các sĩ quan tham mưu ở Moskva, đến tương quan lực lượng trên thực tế.
Chỉ có các nhà chuyên nghiệp mới hiểu nhiệm vụ giao cho các kíp thủy thủ của 4 tàu ngầm thực hiện có tính vô vọng như thế nào.
"Chúng tôi không nghĩ các anh còn sống!" - họ thành thật thừa nhận. Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc, đô đốc Vladimir Kasatonov cũng hiểu điều đó, ông không đưa các thủy thủ tàu ngầm của mình cho những người Moskva xảo quyệt tùy ý vùi dập họ.
Hơn nữa, ông đã ký các đề nghị tặng thưởng cho tất cả những người xuất sắc. Dĩ nhiên tại Moskva, người ta quẳng những đề xuất đó lên kệ ...
Các Nguyên soái từ Bộ Quốc phòng cho tới các quan chức cấp cao của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô mãi vẫn không thể hiểu tại sao các tàu ngầm sớm hay muộn cũng phải nổi lên mặt biển. Thuyền trưởng các con tàu được triệu tập đến trả lời trong ngôi Nhà Lớn ở phố Arbat.
Dẫn dắt cuộc bình giá là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Nguyên soái Liên Xô Andrei Grechko.
Hải quân Mỹ được huy động tổng lực săn tìm các tàu ngầm của Liên Xô trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.
Đại tá về hưu Rurik Ketov: "Các câu hỏi đưa ra ngày càng kỳ quặc hơn. Kolya Shumkov, ví dụ, báo cáo rằng ông buộc phải nổi lên để sạc ắc quy. Người ta hỏi ông:
- Sạc là cái quái gì? Ắc quy nào ở đấy? Thế các tàu Mỹ cách anh bao xa?
- Năm mươi mét.
- Cái gì?! Thế mà anh không ném lựu đạn vào chúng à?!
Đến lượt tôi.
- Tại sao anh không bắn vào các tàu Mỹ? – Grechko sôi sùng sục.
- Vì không có lệnh.
- Ý anh là gì, không có lệnh thì anh không thể tự nghĩ ra hay sao?
Sau đó, một trong những bậc cha chú trung ương gõ nhẹ vào cốc nhắc nguyên soái đừng la hét, nghe xong nguyên soái dịu lại. Nhưng ông vẫn hồi lâu không chịu lý do buộc chúng tôi phải nổi lên. Một lần nữa, chúng tôi phải giải thích rằng chúng tôi đi tới Cuba bằng các tàu ngầm diesel, chứ không phải tàu ngầm nguyên tử. Đó là thực tế!
- Làm sao mà lại không đi tới đó bằng tàu ngầm nguyên tử ?!! – Nguyên soái gầm lên.
Nguyên soái kéo cặp kính ra khỏi mũi và gõ mạnh chúng xuống mặt bàn. Chỉ có những vụn thủy tinh li ti bay đi. Ban lãnh đạo chính trị - quân sự cấp cao của đất nước tin rằng những chiếc tàu ngầm nguyên tử đã được phái tới biển Caribe.
Sau này tôi mới biết một tàu ngầm nguyên tử đã được phái đi trước chúng tôi, nhưng trên tàu có một sự cố gì đó và tàu buộc phải quay về căn cứ.
Một cận thần quỷ quyệt không báo cáo trước cho Khrushchev chính xác các tàu ngầm nào được cử đi Cuba.
Cảm ơn Chúa vì Đại tá hải quân Agafonov và các thuyền trưởng của ông đã có đủ bình tĩnh và trí tuệ tầm quốc gia, để không bắn vào các tàu của Mỹ, không để thế giới lao vào một ngày tận thế hạt nhân.
Vòng vây được mệnh danh là "cũi nhốt cá mập" của Hải quân Mỹ.
Và Tư lệnh Hải quân Liên Xô, Sergei Gorshkov, sau khi đảo lộn các mệnh lệnh bị hủy, nhấn mạnh: "Trong những điều kiện cụ thể, các thuyền trưởng tàu ngầm biết rõ hơn phải hành động thế nào, vì vậy không nên trừng phạt các thuyền trưởng".
Sau khi bắt buộc phải nổi lên, rồi thoát khỏi đoàn tàu khu trục đi săn, các tàu ngầm, cho đến ngày cuối cùng của cuộc khủng hoảng, tiếp tục ẩn chứa mối đe dọa đối với Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, Nguyên soái Grechko vẫn không hài lòng với hành động của các thủy thủ tàu ngầm Phương Bắc.
- Nếu tôi ở vị trí của họ, - ông cau có tuyên bố giữa các đồng nghiệp, - tôi sẽ không cho tàu nổi lên.
Sau đó, Fidel Castro đến. Nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng Cuba có ý kiến khác về vai trò của các tàu ngầm Liên Xô trong cuộc khủng hoảng Caribe, và ông yêu cầu giới thiệu với ông những người anh hùng biển Sargasso. Người ta đã giới thiệu cho ông ... Agafonov cho đến bây giờ vẫn không thể nguôi được nỗi bất bình cũ.
Để chào mừng nguyên thủ Cuba đến thăm, tại Hạm đội Biển Bắc đã tổ chức lễ duyệt binh các chiến hạm. Toàn bộ bốn con tàu của lữ đoàn tàu ngầm 69 xếp hàng ngay ngắn trong đội hình chung đậu tại vũng tàu Severomorsk.
Nguyên thủ Cuba Fidel Castro (trái) và nguyên Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Nikita Khrushchev.
Sau nghi lễ chính thức người ta xếp tại cầu tàu B-36 và một tàu ngầm diesel mang tên lửa đề án 629 không đi Cuba. Chiếc thân dài, cao lừng lững của tàu ngầm mang tên lửa che khuất chú "bọ hung" xấu xí gầy guộc.
Trung tá hải quân Dubivko, người được đứng gần hơn cả trong những thủy thủ tàu ngầm đột phá tới Cuba, mỏi mòn chờ đợi vị khách cấp cao trên cầu điều hướng tháp chỉ huy. Người ta đưa ông ấy sang tàu ngầm tên lửa.
- Đối với tôi, đó vẫn là một bí ẩn - Agafonov nhún vai – lý do khiến Fidel không ghé thăm B-36 ... Rõ ràng, ban lãnh đạo của chúng ta đã quyết định rằng tàu ngầm mang tên lửa sẽ gây ấn tượng cho ông ấy hơn bởi kích thước to lớn của nó, và điều chính yếu - sự hiện diện trên tàu những quả đạn tên lửa đạn đạo đầy sức mạnh.
Ở tuổi ba mươi ba, như trong câu chuyện cổ tích về điều ác, vinh quang của lữ đoàn tàu ngầm diesel 69 Hạm đội Biển Bắc đã bị trấn yểm. Kinh nghiệm chiến đấu vô giá được mật hóa và cất giữ sau bảy tầng con dấu, đụng được tới nó chỉ một số ít các chuyên gia thuộc "bộ phận liên quan".
Chuẩn đô đốc Georghi Kostev là người đầu tiên công khai nói về sự dũng cảm của các đồng đội chiến đấu. Chuẩn đô đốc Vladimir Lebedko trong hồi ký của mình đã rút ra những kết luận vô tư:
"Lý do chính cho sự đột phá không thành vào Cuba của các tàu ngầm diesel-điện là việc các thuyền trưởng thiếu kinh nghiệm đối phó tránh lực lượng chống tàu ngầm của đối phương, cũng như một số lỗ hổng trong các yếu tố kỹ-chiến thuật và thuần chiến thuật của tàu ngầm.
Trong quá trình triển khai các tàu ngầm người ta đã khoanh vùng hạn chế khu vực cơ động và chờ đợi (trong khi đó lại thiếu các khu vực dự bị), mà không có một chính diện đột phá rộng, không tính đến thời gian sáng và tối trong ngày khi lên phiên liên lạc ở tư thế nổi, khi xác định vị trí của mình và những điều khác nữa".
Tấm bản đồ trong nhà bếp
Hầu hết các thủy thủ của Lữ đoàn 69 sinh ra trong năm giông bão 1941. Sau đó, vào năm 1962, người ta ném họ ra trước các tàu sân bay Mỹ như năm 41, ném bộ binh – lớp cha chú của họ - vào xích xe tăng Đức.
Hãy suy nghĩ về cách bố trí này: đối phó với mỗi tàu ngầm của Agafonov là một tàu sân bay chống tàu ngầm (mang 40 máy bay và trực thăng), cùng hơn 50 tàu chiến khác được trang bị thiết bị điện tử dò tìm tinh vi.
Và đấy là còn chưa đề cập đến một thực tế khác, thực tế chiến trường được chiếu sáng bởi các hệ thống SOSUS và "Caesar". Trong suốt lịch sử của hạm đội tàu ngầm thế giới, chưa ai và chưa bao giờ phải hoạt động ở các vùng nước thù địch chống lại cả một hạm đội các lực lượng chống tàu ngầm hùng mạnh đến như vậy!
Tuy nhiên, "số bốn tuyệt vời" đã thách thức phần lớn hạm đội Mỹ và dẫn dắt trò chơi vô vọng của mình một cách khéo léo và can đảm.
Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 69 và các thủy thủ tàu ngầm của ông được các bình luận viên truyền hình Mỹ gọi là "những tay cướp biển Sargasso".
Hàng xóm Agafonov sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu người ta nói cho họ biết rằng ông già râu tóc xám bạc trông ốm yếu và ít lời kia đã từng là thủ lĩnh của "những tay cướp biển Sargasso": ông ấy không có dải băng đen bịt một bên mắt, cũng không có con vẹt đậu trên vai.
Tàu ngầm B-130 của Hải quân Liên Xô buộc phải nổi lên mặt nước trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.
Các cựu chiến binh của những sự kiện thời xưa tụ tập trong hội trường Trung tâm Carnegie Moskva nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (năm 2002). Đoàn đại biểu đại diện phía Mỹ đến dự do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara dẫn đầu.
Sau phần lễ nghi trọng thể, tôi (N.A.Cherkashin) dẫn Agafonov và Shumkov đến chỗ McNamara, giới thiệu họ:
- Ngài bộ trưởng, đây là các thuyền trưởng của những tàu ngầm, mà các ngài đã tìm kiếm ở biển Sargasso.
McNamara siết chặt tay họ: Cầu Chúa ban cho tất cả các cuộc xung đột quốc tế được kết thúc theo cùng một cách như thế.
Hai năm trước cuộc gặp gỡ này, nghĩa là ba mươi tám năm sau "cuộc đi săn của Tổng thống", tại phòng khách nhà ông, tôi cùng với Vitaly Naumovich Agafonov rót đầy những chiếc ly nhỏ theo một nghi lễ khiêm tốn "vì những ai từng ở trong các khoang tàu ngầm", và ông búng móng tay, ban đầu vào mép ly, sau đó - hai lần - vào đáy ly, vì một lần lặn phải hai lần nổi lên.
Chiếc tivi đang bật. Từ màn hình một lần nữa, như năm 1962, phả ra mùi chiến tranh. Người phát ngôn viên đếm những giờ khắc trước khi cuộc không kích chống Serbia bắt đầu (1999).
Tất cả cuộc đời của Agafonov diễn ra trong sự chờ đợi các cuộc tấn công – tấn công tên lửa - hạt nhân, đường không, ngư lôi ... Nhưng cú đánh khủng khiếp nhất mà số phận giáng xuống đầu ông là năm 1976, khi người con trai cả, Sergey, sĩ quan Hạm đội Biển Bắc, đột ngột qua đời sau cơn đột quỵ.
Người thanh niên đó vĩnh viễn nằm lại Polyarnyi, trong nghĩa trang các thủy thủ tàu ngầm ở mũi Kislaya. Ơn Chúa, Aleksei - Nhỏ, cũng là một sĩ quan - thủy thủ Hạm đội Phương Bắc sẽ sống mãi.
Trong gian bếp của Agafonov có treo một tấm bản đồ thế giới dùng trong nhà trường phổ thông, trên đó, gần Cuba, đánh dấu ba tàu ngầm - B-36, B-59 và B-130, - tại các điểm, theo như tôi hiểu, là nơi mà người Mỹ ép chúng nổi lên. Tôi cũng hiểu tại sao tấm bản đồ này được treo ở vị trí không nên phô bày như vậy.
Ban lãnh đạo cấp cao, không nghi ngờ gì nữa, đã gọi đó là chiến dịch thất bại, và sự phản ánh của đánh giá này vô tình trở thành gánh nặng chủ yếu tác động lên cuộc đời của Agafonov, thậm chí trong cả tâm trí của cá nhân ông. Mặc dù bản thân ông theo suy nghĩ thông thường không coi là như vậy.
Hoàng Anh