Những hệ lụy đau lòng sau phẫu thuật nâng ngực
Nâng ngực, nhuộm tóc làm tăng nguy cơ ung thư vúTừ sau khi nâng ngực, các người đẹp này diện đồ táo bạo hơn hẳnCô nàng ngực khủng tiêm melanin vào da để biến mình thành búp bê lọ lem đời thực |
Ngực như muốn nổ tung vì biến chứng
Nhìn những hình ảnh biến chứng kinh hãi sau khi nâng ngực dưới đây, liệu còn chị em dám dũng cảm nằm lên bàn phẫu thuật thẩm mỹ vì ước mơ vòng 1 căng tròn?
Chị N.T.Q., 33 tuổi là chủ một doanh nghiệp lớn ở Quảng Ninh. Vốn xinh đẹp nhưng sau 2 lần sinh nở, vòng 1 teo nhỏ hơn khiến chị rất tự ti. Qua giới thiệu, chị khăn gói ra nước ngoài phẫu thuật nâng ngực.
Tuy nhiên do không giỏi ngoại ngữ nên chị không hiểu rõ tư vấn của bác sĩ về các phương thức phẫu thuật, lựa chọn đường mổ, loại túi ngực, vị trí đặt... Chị được các bác sĩ đặt túi ngực qua đường nách không nội soi.
Sau 2 ngày mổ, dù chị vẫn đau nhiều nhưng được khuyên nên xuất viện về Việt Nam. Rời bệnh viện, bác sĩ không yêu cầu chị mặc áo bó chuyên dụng cố định ngực.
Tuy nhiên sang ngày thứ 4, chị phát hiện ngực phải đau bất thường, căng tức, to gấp đôi ngực trái, như muốn nổ tung.
Hình ảnh biến chứng sau nâng ngực của nữ doanh nhân |
Ngay lập tức, chị thuê phiên dịch viên nói chuyện với bác sĩ bên nước ngoài, vị bác sĩ yêu cầu chị phải đến viện cấp cứu ngay.
Chị được gia đình đưa đi cấp cứu tại BV Việt Đức Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ đã phải phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức. Khi mở ra, trong khoang ngực đã có khoảng 500 g máu cục và 500 ml nước máu đỏ tươi.
Một mạch máu đường kính 1,5 mm đang tuôn trào theo nhịp đập của tim. Các bác sĩ đã phải dùng đến dao hàn mạch chuyên dụng để cầm máu cho bệnh nhân. Sau hơn 10 ngày nằm viện, bệnh nhân đã được ra viện.
Rất nhiều trường hợp như chị Q bị biến chứng sau nâng ngực, giữa tháng 4/2017, S.B.T. (22 tuổi, quê Cà Mau) đã đến Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) để đặt túi ngực theo hợp đồng với BS L.T.H..
Sau khi xuất viện trở về nhà, nữ bệnh nhân bất ngờ gặp biến chứng, khó thở, tràn dịch khi cắt chỉ vết thương. Dù đã được người nhà đưa đi bệnh viện nhưng trước tình trạng suy hô hấp, sốc nhiễm trùng quá nặng kèm nhiều biến chứng khác, nữ bệnh nhân đã tử vong.
Điều đáng nói là khi tử vong, nữ nạn nhân được xác định đã mang thai 16-17 tuần tuổi. Theo giải trình từ phía bệnh viện diễn ra cuộc phẫu thuật, trước khi tiến hành nâng ngực, bệnh nhân không báo mình đã có thai cho BS phẫu thuật biết.
Tuy vậy theo nhiều chuyên gia đầu ngành thẩm mỹ, việc phẫu thuật đặt túi ngực là chống chỉ định với phụ nữ mang thai, và BS phẫu thuật phải có trách nhiệm thăm khám kỹ càng để xác định chính xác tình trạng bệnh nhân.
Trong khi đó, theo kết luận của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ L.T.H., người trực tiếp đặt túi ngực cho thai phụ 22 tuổi chỉ có chuyên môn về răng hàm mặt, tức là từ vùng cổ trở lên. Chuyện có được phép mổ ngực hay không cần phải được làm rõ ràng.
Ngoài làm việc tại BV trên, BS H. có đăng ký làm ngoài giờ tại BV Đa khoa Vạn Hạnh và một BV khác nằm trên địa bàn quận 10, đồng thời cũng là chủ một Thẩm mỹ viện lớn tại TP.HCM.
Các chuyên gia nói gì?
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, biến chứng chảy máu sau phẫu thuật nâng ngực có thể xảy ra từ 1- 5% sau mổ. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa người bệnh, trang thiết bị của bệnh viện, trình độ cũng như mức độ cẩn trọng của từng phẫu thuật viên.
Thường có 2 thời điểm chảy máu hay gặp, thứ nhất là 24h sau mổ. Do trong lúc mổ các bác sĩ thường phải tiêm thuốc co mạch để hạn chế chảy máu trong mổ. Sau khi khi hết tác dụng của thuốc co mạch nếu các mạch máu lớn không được xử lý khâu, thắt hoặc đốt điện cầm máu thì sẽ giãn nở trở lại gây ra hiện tượng chảy máu sớm ngay sau mổ.
Thời điểm thứ hai thường là ngày thứ 7 đến ngày thứ 8 sau mổ. Đây là ngày mà các cục máu đông ở trong các mạch máu không được xử lý khâu buộc thắt hoặc đốt điện cầm máu tốt sẽ bong ra và rơi ra ngoài gây ra hiện tượng chảy máu thứ phát.
Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, BV Xanh Pon, Hà Nội, trên thực tế, tai nạn từ các ca phẫu thuật vòng một xảy ra không phải ít. Có 3 nguyên nhân dẫn tới các tai biến khi tạo hình ngực là: Phẫu thuật ở nơi không có điều kiện an toàn về vô trùng, trang thiết bị không đảm bảo; chất liệu nguồn gốc không rõ ràng, kém gây dễ vỡ; thứ 3 do là kỹ thuật viên không có chuyên môn.
Tại Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ của BV Xanh Pon, đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị “rò rỉ” túi ngực, biến dạng ngực đến chỉnh sửa, tạo hình lại. Đa phần các trường hợp này vào viện do biến chứng từ việc tiến hành phẫu thuật nâng ngực ở những cơ sở không phải là bệnh viện.
Nhiều bệnh nhân được đặt túi ngực một cách cẩu thả từ những bác sỹ chưa thạo chuyên môn. Chẳng hạn như, khi phẫu thuật phần mở rộng da không đủ chỗ để cho vừa túi ngực định đặt. Vì quá chật nên túi ngực đặt cho bệnh nhân bị gấp nếp, sau một thời gian dẫn đến chèn ép làm vỏ túi bị rách.
Silicon sẽ tiếp xúc với mô ở xung quanh, kích thích cơ thể tiết ra huyết thanh. Huyết thanh đấy tăng khối lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào chất lượng của túi. Túi càng kém chất lượng bao nhiêu thì khối huyết thanh ra càng nhanh, khối lượng lớn dẫn tới tình trạng căng tức.
GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết thêm, ngoài biến chứng rách túi, quá trình phẫu thuật cũng có thể gặp một số tình trạng khác như chảy máu trong khoang đặt túi sau phẫu thuật, nhiễm trùng chậm, bao xơ co thắt, vôi hóa bao xơ…
Cũng có nhiều trường hợp, đặt túi ngực không đúng vị trí do tay nghề kỹ thuật non kém gây ra tình trạng “4 ngực” gồm hai túi ngực độn lên trên, hai bầu ngực bị đẩy xô xuống.
GS.TS Trần Thiết Sơn cảnh báo, thay vì tìm đến các bệnh viện tư, thẩm mỹ viện không đảm bảo chị em nên đến các bệnh viện có uy tín để được tư vấn thật kỹ với các bác sĩ chuyên gia, có chuyên môn tốt trước khi tiến hành phẫu thuật.
Những người muốn đặt túi ngực phải có sức khỏe tốt. Trước khi tiến hành nâng túi ngực cần phải tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện, xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang, điện tâm đồ… Người bệnh càng không nên “giấu” bệnh để bác sỹ đặt túi ngực cho mình.
Cần cho các bác sỹ biết về tiền sử bệnh tật hoặc các thuốc bị dị dứng nếu có. Với những trường hợp đang điều trị bệnh lý nội khoa như tim mạch, cao huyết áo, rối loạn đông máu… thì không nên thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực