Những điều cần lưu ý và hết sức kiêng kỵ khi đi lễ chùa đầu năm
Ăn mặc hở hang, trang điểm lòe loẹt là một trong những điều cấm kỵ khi đi chùa đầu năm. (Ảnh: Leng Leng)
1. Ra, vào chùa
Theo văn hóa từ xa xưa, khi vào chùa, du khách nên vào ở bên phải (cửa Giả quan) và đi ra ở bên trái (cửa Không quan), không nên vào bằng cửa chính bởi theo truyền thuyết, đây là nơi ra vào của đức Phật, Ngọc đế, Quân vương. Tuyệt đối không đi giày, dép vào trong Phật đường, tam bảo, không hút thuốc, đi lại, nói chuyện ồn ào ở nơi này.
2. Khi lễ Phật, kiêng quỳ giữa Phật đường, chính diện với tượng Phật mà nên quỳ chếch mé để tỏ lòng tôn kính.
3. Lễ Phật không đơn thuần chỉ là đến dâng lễ đầy, lộc hậu rồi cầu xin, như thế không chân tâm thì không bao giờ được độ trì. Có lòng thì sau khi dâng hương bái Phật nên đi vãn cảnh chùa cho lòng thanh tịnh, gạt bỏ phiền muộn và gặp các tăng ni để học hỏi Phật pháp. Đây mới đích thực là lễ chùa trọn vẹn.
4. Chùa chiền là nơi linh thiêng, vì vậy không được coi việc đi lễ chùa là trò giải trí, tiêu khiển, tham quan, dạo chơi thông thường. Khi làm lễ, cầu xin cần tránh Tam độc (Tham – Sân – Si), vì tâm không tịnh thì đi chùa cũng thành vô nghĩa.
5. Xưng hô
Vào chùa, nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt.
Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy… và xưng mình là con. Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, xưng hô như vậy là đang xưng hô với Đức Thích Ca. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.
6. Kiêng cúng đồ ăn mặn
Theo quan điểm truyền thống của đạo Phật, đặc biệt là dòng Tu thiền đại thừa ở miền Bắc, đã vào chùa thì chỉ được cúng đồ chay, tuyệt đối không được mang đồ mặn. Đây là điều tối quan trọng, nhưng vẫn có nhiều người không để ý.
7. Đi lễ chùa thì không nên mang theo đồ đạc, chỉ nên đi người không để tránh đặt mũ nón, quần áo, túi xách vào bàn, chiếu nơi cửa Phật, làm mất mĩ quan và thanh tịnh.
8. Đi chùa lễ Phật thì trang phục phải đứng đắn, gọn gàng, tác phong trang nghiêm, cử chỉ đoan chính. Kị nhất là mặc trang phục hở hang, lòe loẹt, nói cười không đúng mực.
9. Sử dụng đồ của chùa, như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít dù nhiều. Không nên coi đó là của chùa, trụ trì cho thì nhận mà không bố thí chút công đức, vì sẽ phạm tội “luân đạo thực quả báo” là căn nguyên rơi vào địa ngục.
10. Cúng lễ ban Phật chỉ dâng hoa quả, đồ chay, hoa phải chọn loại có hương thơm và màu sắc thanh thuần, tránh các loại rực rỡ và có mùi nồng đậm.
11. Là không cầu người khác giúp mình, tự lực cánh sinh không nên phan duyên.
Khi có điều mong cầu thì lúc đó có khổ, lúc không có gì để mong cầu thì được tự do tự tại.
12. Không ồn ào, lớn tếng
Cửa chùa là nơi thanh tịnh, chớ ăn to nói lớn hoặc nói tục chửi thề nơi cửa chùa. Khi vào chùa, bạn nên đi nhẹ nói khẽ tránh ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nơi đây.
Điều kiêng kị khi đi lễ chùa là mâm cao cỗ đầy, cầu cúng rình rang nhưng những lý thuyết cơ bản nhất của Phật thì không nắm được, lòng không thanh tịnh, vẫn màng thế sự bên ngoài.
Một số điều cần lưu ý khác:
- Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.
- Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.
- Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng hoặc quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước.
- Không nên lấy lộc để ban thờ tại nhà.
- Nhiều người có thói quen mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình. Điều này là không nên. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại, hơn nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.
- Trong giới cấm của nhà Phật có rượu và thuốc lá. Vì vậy, trong lễ vật dâng lên ban thờ trong chùa không được có những món đồ cấm kỵ này.
Chiêu Dương (t/h)