Những chuyên gia tên lửa được ông Kim Jong-un trọng dụng là ai?
Nhân tài tên lửa
Theo Sankei Shimbun (Nhật Bản), những năm gần đây Triều Tiên liên tục thực hiện các vụ phóng thử tên lửa và đẩy mạnh chương trình nghiên cứu tên lửa liên lục địa. Điều này đồng nghĩa với việc các chuyên gia kỹ thuật quân sự, đặc biệt các chuyên gia nghiên cứu tên lửa cao cấp càng nhận được sự trọng dụng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong đó, mọi vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đều có sự xuất hiện của ba chuyên gia tên lửa kỳ cựu hay còn được gọi là "tiểu tổ ba thành viên" nổi tiếng.
Theo đó, "tiểu tổ ba thành viên" của ông Kim gồm cựu Tư lệnh không quân, Phó Cục trưởng đương nhiệm Cục sản xuất quân nhu đảng lao động Triều Tiên Ri Pyong-chol, chuyên gia kỹ thuật tên lửa Kim Jong-sik và Viện trưởng Viện khoa học quốc phòng Jang Chang-ha.
Đáng chú ý, khác với các nhân vật chính trị khác, hai ông Kim Jong-sik và Jang Chang-ha hoàn toàn không xuất thân từ tầng lớp tinh anh nhưng cùng với Ri Pyong-chol, ba ông đã nhận được sự trọng dụng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhờ tài năng xuất chúng.
Báo Nhật dẫn nguồn tình báo phương Tây tiết lộ, Kim Jong-sik là nhân vật nắm vai trò chủ chốt trong chương trình sản xuất tên lửa của Triều Tiên, Ông này từng đưa ra khẩu hiệu "phát triển nhanh hơn dự kiến" để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chế tạo tên lửa của nước này.
Việc vệ tinh Kwangmyongsong-3 thế hệ thứ hai được phóng thành công vào quỹ đạo hồi tháng 12/2012 dưới sự chỉ đạo của Kim Jong-sik đã giúp ông này nhận được sự đánh giá, tin tưởng cao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhân vật thứ hai là Jang Chang-ha - người được coi có danh tính bí ẩn nhất trong số ba thân tín của ông Kim. Được biết Jang từng công tác tại Trung tâm nghiên cứu tên lửa và phát triển hạt nhân thuộc Học viện khoa học quốc phòng.
Về phía Ri Pyong-chol - ông này được cho là "cấp dưới thân cận nhất" nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, từng du học Nga và nhận được tín nhiệm cao của tầng lớp lãnh đạo cấp cao dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ngồi giữa) và cấp dưới, bao gồm "tiểu tổ ba thành viên" trong một lần theo dõi quá trình phóng tên lửa. Ảnh: Reuters
Thất bại là mẹ của thành công
Theo Sankei cho biết, kể từ năm 2016 đến nay, Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, trong đó rất nhiều lần thất bại. Tuy nhiên, trong những lần thất bại đó, ông Kim Jong-un cũng không chỉ trích nhóm ba người trên hay đưa ra bất cứ hình thức kỷ luật nào.
Sankei dẫn nguồn Reuters tiết lộ, trong mỗi lần xem báo cáo về những vụ thử tên lửa thất bại, nhà lãnh đạo Triều Tiên thường khích lệ các chuyên gia bằng câu nói "thất bại là mẹ của thành công" và không yêu cầu truy cứu trách nhiệm đến cùng.
Trong khi đó, mỗi lần phóng thử tên lửa thành công, ông Kim Jong-un đều xuất hiện công khai, chụp ảnh chung và bày tỏ thái độ tin tưởng với nhóm "tiểu tổ ba thành viên" này.
Đặc biệt, theo báo Nhật, cách đãi ngộ của Bình Nhưỡng với các chuyên gia kỹ thuật quân sự tài năng của nước này cũng vô cùng đặc biệt. Ví như, các kiến trúc cao tầng được đặt tên theo tên các chuyên gia hay chính phủ thường cung cấp căn hộ cao cấp và đồ gia dụng miễn phí cho họ.
Bên cạnh đó, truyền thông Triều Tiên thường ca ngợi họ như những tài năng hàng đầu nhằm thể hiện lập trường coi trọng khoa học của ông Kim Jong-un.
Thủy Thu