Những chàng trai xứ Quảng đi đón mặt trời trên đảo Trường Sa
Thiêng liêng những cột mốc đặc biệt trên biên giới Việt Nam |
Nghề kéo lưới rùng bắt cá độc đáo ở xứ Quảng |
Trong cuộc lữ hành qua thanh xuân của cuộc đời, những chàng trai xứ Quảng đã may mắn được hiện diện ở Trường Sa. Có một lời thề của người lính trong nắng, gió, trong những đêm dài thao thức và cả bão giông của tiền tiêu, họ ở đó, góp sức mình vì bình yên cương thổ…
Niềm tin neo lại
Tôi len giữa những chàng lính trẻ đang ở dưới khoang tàu 561 của Vùng 4 Hải quân trong đợt thay quân cuối năm, hỏi thăm từng người để tìm kiếm một chàng trai Quảng. Và đã gặp. Trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn, quê ở xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn.
Mới 22 tuổi, là tân binh, nắng gió thao trường đã kịp khiến gương mặt đen sạm đi, rất lính. Sau khóa huấn luyện khẩu đội trưởng, anh được cử ra thay quân ở đảo Đá Lớn C của Trường Sa. Dù đã được nghe những cán bộ sĩ quan ở đơn vị kể nhiều về cuộc sống ở đảo, nhưng trước lúc lên đường, Tuấn vẫn không giấu được niềm háo hức. Mặc kệ những cơn say sóng mệt nhoài, Tuấn lên boong, bám chặt vào thành tàu để ngắm nhìn màu biển mênh mông nơi mình đang đến.
Đêm trên tàu, cả một bầu trời sao đu đưa xung quanh chỗ tôi và Tuấn ngồi nơi boong. Tuấn kể, là con đầu trong gia đình có hai anh em, hoàn cảnh khá cơ cực, học hết cấp 2, Tuấn xin nghỉ để phụ giúp ba mẹ. Rồi Tuấn vào Sài Gòn, đi làm shipper (người giao hàng) cho một công ty suốt hai năm.
“Ngõ ngách nào ở Sài Gòn tôi cũng thuộc. Sài Gòn dễ sống, tôi được một người anh quen biết trên internet dẫn về nhà ở, dẫn đi làm cùng. Đủ sống, rồi cũng dành dụm được một ít phụ ba mẹ nuôi đứa em trai đang học tiểu học ở nhà. Hai năm sau, tôi chuyển nghề, làm ở một công ty bán hàng. Hồi đó đâu có nghĩ là mình sẽ đi lính. Cách đây hai năm, ba mẹ gọi về, nói có giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Rứa là về đi lính, mà cũng không ngờ mình được biên chế hải quân, rồi chừ ngồi với anh trên tàu ni đây” - Tuấn cười.
Những năm tháng bon chen ở Sài Gòn, Tuấn nói cực gì cũng trải rồi, nên vào quân ngũ, không thấy cực, mà biết mình trưởng thành thêm từng ngày. Tôi nhìn gương mặt có phần già trước tuổi của Tuấn, nghe cái cách Tuấn kể vừa vô tư nhưng cũng đầy chững chạc, thấy “chắc cú” anh chàng này sẽ nhanh quen với đảo, với Trường Sa.
Mà Tuấn cũng tràn đầy niềm tin đó thôi. Lớp trước đã đi, đã về, mình cứ thế đi theo, chẳng có gì để phải nghĩ cả, mà mấy ai được như Tuấn, đi lính mà ra tới Trường Sa - chàng trai trẻ thả lại cái cười ở boong, tất tả đi về dưới khoang vì vừa nghe lệnh phân công trực nhật trên tàu…
“Quà” của thanh xuân
Nếu phải gọi tên thứ gì đó trong vắt như trời nước Trường Sa, có lẽ, sẽ là nụ cười của lính. Chỉ vài tháng thôi, gương mặt tân binh hôm trước còn say nhoài vì sóng, sẽ nhanh chóng được tạc khắc ngay làn da đen sạm đặc trưng của lính biển.
Tôi đặt chân lên đảo chìm Núi Le, tuyền một màu da như thế ở dãy những chàng lính trẻ đang đứng chào. Chợt nghe bật ra một câu giọng Quảng. Tôi ngẩng lên nhìn, vớ ngay anh chàng vừa “chồ anh” (chào anh) ra một góc đảo. “Anh cũng dân Quảng đây”. “Em Tam Tiến, Núi Thành”. Chàng trai mà tôi vừa nhắc, là Lê Bá Vũ.
Vũ sắp tròn hai tư tuổi, chuẩn bị vào bờ, sau một năm ở đảo chìm. Hành trang đã gói sẵn, ngoài ba lô áo quần, còn có một cây hoa ốc, thứ “đặc sản” làm quà của lính đảo Trường Sa. Chỉ có vài phút ngắn ngủi chờ bàn giao quân, hỏi thăm vài câu, Vũ xin phép chạy đi: “Em phải tranh thủ ra thăm… con chó chút. Xí nữa đi rồi. Chào cột mốc nữa rồi rời tàu. Về tàu anh em mình gặp lại”.
Tôi bật cười. Trời nổi gió. Mới quang đãng đó, giông tới nhanh, rào rạt khắp đảo. Đứng ở khu nhà nơi đảo chìm, xuyên qua màn mưa, thấy Vũ với một đồng đội nữa ngồi ngay bên mốc đảo, xoa đầu mấy chú chó. Tôi đã nghe kể nhiều về tình cảm của lính với những con chó tinh khôn ở đảo nổi, đảo chìm, nhưng đứng nhìn khoảnh khắc đó, lòng chợt rưng rưng. Một năm trời, đã đồng hành qua bao nắng mưa, bão bùng, bao đêm trắng gác đảo, mà đã sắp đến giờ chia xa…
Chỉ có những ký ức và nụ cười, tuyệt nhiên không thấy một lời than, những người lính của xứ Quảng mà tôi đã gặp ở Trường Sa hồn nhiên mà đầy sức sống như chính những đảo nổi, đảo chìm nơi tiền tiêu đất nước. “Cuộc đời của mình, đến lúc ni là đã có cái để tự hào”, Hồ Việt Hoàng, tân binh của đảo Sinh Tồn, quê ở Bình Giang (Thăng Bình) tiễn tôi lúc đoàn công tác rời đảo để về lại tàu.
Đêm trước trên đảo, Hoàng đã kể cho tôi rất nhiều về gia đình, về những tháng ngày tuổi trẻ “làm má buồn nhiều hơn vui”. Trở thành lính Trường Sa, là món quà không chỉ cho thanh xuân của Hoàng, mà còn cho ba má ở quê, để bù đắp lại những ngày tháng tuổi trẻ thừa năng lượng nhưng thiếu nghĩ suy như lời Hoàng nói. Nắng gió rồi sẽ tôi luyện Hoàng trưởng thành và những năm tháng sau này, chắc chắn sẽ là phần ký ức đẹp đẽ nhất cho tuổi trẻ của Hoàng cùng bao tân binh khác, ở Trường Sa.
Niềm riêng giữ lại
Trường Sa, có tuổi hai mươi nơi đầu sóng, cũng có những người lính sẵn sàng gác lại niềm riêng mà thao thức với Tổ quốc trước hung hiểm ngoại bang chực chờ. Tôi đang kể về Thiếu tá Huỳnh Văn Sỹ, đảo trưởng Núi Le, người sĩ quan quê Tiên Lãnh (Tiên Phước).
Tốt nghiệp ra trường, anh Sỹ vào công tác ở Vùng 3 Hải quân, rồi được chuyển vào Vùng 4 thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa từ năm 2009. Đã ở Sinh Tồn, Nam Yết, Đá Tây trước khi về Núi Le, hơn năm năm trời trên các đảo, anh thấm hiểu những gian khó của Trường Sa, ngấm bao vui buồn bằng chính trải nghiệm của mình. Phía trước là cương thổ, sóng gió đâu là gì so với lính Trường Sa, khi tay súng không phút nào được phép lơi đi để giữ biển, canh trời. Trường Sa không ngủ, người lính cũng thao thức với Tổ quốc, đành gác lại những niềm riêng.
Vợ sinh con được 4 ngày, Thiếu tá Huỳnh Văn Sỹ nhận lệnh công tác, lại phải rời quê ra đảo Sinh Tồn. Lúc trở về, cô con gái đã biết chạy. “Nỗi niềm của người ở đảo, chắc chỉ anh em đảo mới thấu hết được. Mình may mắn, vì dẫu xa con hơn một năm trời, về lại, nó lạ lẫm chút thôi, nhưng vẫn để cho mình bồng. Nhiều anh em không được rứa. Có đồng đội ở đảo, xa nhà khi con còn ẵm ngửa, tranh thủ ngoài ca trực điện thoại về đất liền nghe giọng con bi bô cho đỡ nhớ. Đến lúc về, lạ mặt, con khóc thét, phải đi thật xa cho khuất mặt, gọi điện thoại cho con nghe, rồi từ từ lại gần để con biết đó là ba. Ở nhà, vợ trở thành trụ cột, nhiều lúc gặp chuyện không may cũng không dám báo tin cho chồng, vì biết, ở ngoài này chỉ thêm sốt ruột. Nơi đầu sóng ngọn gió, phải ráng hoàn thành nhiệm vụ. Mình ráng một, gia đình cũng phải ráng gấp đôi, gấp ba. Nghĩ vậy, mà cố gắng hơn, mỗi ngày” - anh Sỹ nói. Đêm ở đảo chợt lặng những niềm riêng. Ngoài kia, ánh đèn pin của kíp gác vẫn đều đặn quét từng vòng, khắp đảo…
Những chàng trai Quảng đi đón mặt trời. Nơi đó, ánh bình minh đầu tiên chạm vào phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chạm vào niềm đau đáu chủ quyền suốt ngàn năm của dân tộc Việt. Nơi đó, là Trường Sa. Tôi mang theo mình niềm tự hào về họ, những người Quảng đã in dấu chân mình ở nơi này, miền biên hải neo giữ cả một niềm tin của đất nước. Trở về, đong đầy thêm những thương yêu…
Trường Sa xanh giữa biển khơi
Với bất cứ ai đến với Trường Sa hôm nay đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mảnh đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió. |
Hương vị mặn mòi của những ngôi nhà trên biển
Đến thăm các Nhà giàn DK1 chúng tôi thực sự ấn tượng vì trước gió mặn của biển mà vườn rau, chậu hoa vẫn tươi ... |
Tâm tình người lính biển giữa đảo Trường Sa
Ban mai trên biển, khi chân mây ửng hồng, phía xa xa nơi mặt trời mọc, biển nhuốm một màu nước xanh đỏ lẫn mây ... |