Những câu chuyện nhỏ về nhạc sĩ Thanh Tùng
Người đàn ông thuộc trường phái “rước đèn”
Gắn bó với nhạc sĩ Thanh Tùng hơn 25 năm, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương có nhiều kỷ niệm với người bạn, người anh, người đồng nghiệp thân quý.
NSND Trần Bình kể: “Tháng 5/1997, chương trình “Lối cũ ta về” diễn một đêm miễn phí cho 7.000 sinh viên tại Nhà triển lãm Giảng Võ Hà Nội, sau đó diễn tại Nhà hát Lớn cũng rất thành công”.
NSND Trần Bình và nhạc sĩ Thanh Tùng
Mùa thu 1998, “Lối cũ ta về” có một hành trình xuyên Việt. 17 ngày mà diễn 15 buổi, một kỷ lục! Cho đến nay, chưa có nhạc sĩ nào tổ chức được một chuyến lưu diễn ở quy mô như vậy. Tham gia có các ca sĩ: Thanh Lam, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Thu Phương, Phương Thanh, nhóm Con gái và các diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Mặc dù không thật khỏe nhưng nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn “3 cùng” với đoàn trên chiếc xe ca ngất ngưởng trong suốt hành trình đó. Nhạc sĩ luôn ngồi ở chiếc ghế thứ ba sau ghế lái. Huế – Đà Nẵng – Bình Định – Phan Thiết, đi tới đâu chương trình cũng đón nhận được tình cảm hồ hởi, yêu thương của khán giả. Đáng nhớ nhất là khi đoàn đến Phan Thiết, 5.000 vé của sân vận động Phan Thiết đã bán hết sạch trước đêm diễn.
NSND Trần Bình nhớ lại: “8 giờ tối mở màn, 5 giờ tôi và anh Tùng rủ nhau qua cầu đi uống cà phê. Đang… “phê” thì nghe có tiếng lao xao: “Nước về!”. Về sau, chúng tôi mới biết đã gặp trận lụt khủng khiếp năm đó. Nhưng lúc đó thì chỉ biết chạy thật nhanh về khách sạn, nơi đoàn lưu trú trong mưa bão. Đêm đó cả đoàn tá túc trên tầng 2 khách sạn. Và đó là một đêm trắng. Sáng hôm sau bão tan, tôi và anh Tùng đi ra sân vận động. Trước mắt chúng tôi là một bãi chiến trường tan hoang, bẩn thỉu. Nhưng chúng tôi quyết định: vẫn diễn. Thế là hối hả hong dây điện, quần áo, chuẩn bị âm thanh ánh sáng… Đêm đó, có khoảng 6.000 người đến sân vận động. Một đêm âm nhạc vỡ òa trong niềm hạnh phúc của cả biển người vừa trải qua thiên tai khốc liệt. Nhiều người còn nhớ hình ảnh ca sĩ Phương Thanh “sung” quá, không kiềm nổi cảm xúc đã tung chai nước lên trên không”.
Nói về những “bóng hồng” trong cuộc đời tác giả “Em và tôi”, NSND Trần Bình gọi bạn mình là “người đàn ông thuộc phái rước đèn”. Theo ông, “rước đèn” nghĩa là chỉ mang tiếng chứ chả có “miếng”. Người ta thường hình dung và đồn đoán về những bóng giai nhân quanh nhạc sĩ Thanh Tùng. Điều đó quá dễ hiểu với một người đàn ông tài hoa, hào hoa và giàu có. Nhạc sĩ kinh doanh thành công ở thế hệ ông không có ai. Thập kỷ 90, vũ trường Metal (thuê địa điểm của rạp chiếu phim Cửa Nam) – sản phẩm kinh doanh chung của hai ông là một địa chỉ quen của thanh niên thủ đô. Rồi dự án kinh doanh một loại nước khoáng tinh khiết… Bấy giờ, nhạc sĩ được gọi là “nhà kinh doanh hạng nặng”. Hình ảnh ông luôn gắn liền với những tính từ như lịch lãm, sang trọng, trẻ trung. Đàn bà không bủa vây ông mới là lạ.
Theo NSND Trần Bình, thực tế, nhạc sĩ Thanh Tùng không có một bóng hồng cụ thể nào. 10 năm đầu ra Hà Nội sau khi vợ mất, nhà của ông chính là khách sạn Alpo góc phố Nguyễn Thái Học. Người mà nhạc sĩ không thể thiếu hàng ngày trong cả 10 năm đó chính là… ông tẩm quất già ở góc phố Cửa Nam. Về sau ông sống cùng các con trong ngôi nhà ở đằng sau khách sạn La Thành.
Vài tháng trước khi mất, ông vẫn gặp gỡ bạn thân ở những quán nhỏ ưa thích. Ông ngồi trên xe lăn, giữa bạn bè, tuy nói được rất ít nhưng tinh thần vẫn sáng rõ, đôi mắt tinh nhanh.
“Hoa cúc vàng” viết từ giấc mơ về người vợ quá cố
Một trong những ca khúc cuối cùng mà nhạc sĩ Thanh Tùng viết – “Hoa cúc vàng” được ông sáng tác sau khi nhìn thấy vợ mình hiện về trong một giấc mơ. Theo ca sĩ Mỹ Dung (người học trò được ông lựa chọn để thể hiện ca khúc này đầu tiên) thì vào năm 2009, khi đó ông chưa bị tai biến, một đêm nằm ngủ ông đã mơ thấy vợ mình. Khi tỉnh dậy, ông viết nên ca khúc này.
Nhạc sĩ Thanh Tùng bên vợ con
Gia đình nhạc sĩ trong ngày sinh nhật con trai ông
Ca sĩ Mỹ Dung kể rằng, khi ông gọi đến và giao cho cô bài hát này ông không chia sẻ nhiều vì muốn ca sĩ tự cảm nhận tâm sự của ông trong bài hát. Ông chỉ cho cô biết, đó là ca khúc ông viết về người vợ của mình sau một đêm ông mơ thấy bà. Vì lẽ đó, bài hát ngập tràn những kỷ niệm và hình ảnh mà ông không bao giờ quên được mỗi khi nghĩ về bà.
“Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, ta lại ngồi bên nhau nghe gió lay cành khế. Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, anh lại ngồi bên em chờ con nắng ghé qua thềm”.
Câu kết của bài hát “Với anh là xa xôi dẫu nơi chân trời, dù cho bốn biển, rồi anh sẽ đi tìm, tìm lại bóng dáng em” dù ông viết trong cảm xúc tự nhiên nhưng lại là một điềm báo bởi sau đó không lâu thì ông bị tai biến. Kể từ khi bị tai biến, phải nằm liệt giường một thời gian, rồi tập đi xe lăn, tập nói… nhạc sĩ Thanh Tùng không thể sáng tác thêm được nữa dù ông rất muốn.
Nhạc Thanh Tùng làm đẹp một cách trong veo những mộng mơ về âm nhạc
Nhà báo Chu Minh Vũ, người từng tiếp xúc và làm việc với nhạc sĩ Thanh Tùng trong một thời gian có những chia sẻ về người nghệ sĩ quá cố.
“Một trong những may mắn của nghề nghiệp là tôi được ông chọn. Thời điểm năm 2005, khi tôi từ nghề báo bước qua làm truyền hình. Concept chương trình “Con đường âm nhạc”, hai chữ Thanh Tùng hiện ngay lên trong đầu.
Thời trung học của tôi, nhạc Thanh Tùng làm đẹp một cách trong veo những mộng mơ về âm nhạc. Từng bài của ông đều ghi từng chữ trong đầu, ấn định với những gương mặt ca sĩ mà tôi hâm mộ.
Tác giả "Em và tôi" trong một đêm nhạc của ông
Năm 2005, chúng tôi liên lạc với nhạc sĩ Thanh Tùng, trình bày ý tưởng âm nhạc “Tôi sẽ kể em nghe”. Đó là thời điểm ông đã rời xa showbiz, cũng tạm ngưng công việc kinh doanh và lui về nhà riêng ở Bình Thạnh. Ông hẹn gặp ở Sài Gòn và tôi ngay lập tức đặt vé máy bay vào gặp ông. Gặp từ sáng sớm, tại Chu’s Bar góc Đồng Khởi Lý Tự Trọng.
Ngồi xuống góc bàn nhiều nắng sớm hắt vào, phục vụ đem ra một chai rượu whisky đặt lên bàn. Thanh Tùng đó, ông uống rượu nhiều lắm, chai Chivas mà xếp hàng rào có thể kéo dài cả phố. Sớm đã rượu, tối đi ngủ cũng phải thêm một ly. Sau này ông nằm bệnh, phần nhiều cũng do rượu.
Chúng tôi được ông “kiểm tra” trình độ hiểu biết nhạc của ông và của các nhạc sĩ khác trong vài hôm. Sau đó, ông mời đến tư gia tiệc tối nghe nhạc, vừa để biết đời sống riêng của ông vừa để hiểu ông muốn nhạc của mình vang lên thế nào. Thanh Tùng giống con sư tử (lời của Hà Trần), oai hùng, đơn độc nhưng kiêu hãnh. Ông yêu nhiều lắm, nhưng cuối đời vẫn gà trống nuôi con. Đời sống ấy rồi lại chuyển hóa thành tác phẩm....
Tôi nhớ buổi tiệc tối đặc biệt cùng ông đã khắc nhớ trong tôi hai điều không thể quên. Hai bài hát chưa công bố là “Lời chim đỗ quyên” và “Cơn bão nghiêng đêm”. Ông còn nhờ tôi tìm giúp tác giả của bài thơ “Cơn bão nghiêng đêm”. “Chú phổ nhạc bài hát từ một mảnh báo xé vội bài thơ cảm động này”, ông nói.
Chị em ca sĩ đến từ Đà Nẵng – Lê Cát Trọng Lý đợi sẵn chúng tôi và hát cả đêm những bài hát Thanh Tùng bằng màu sắc âm nhạc trong trẻo nhất. Không thiết bị âm thanh, không son phấn... chỉ có ca từ (thứ mà nhạc sĩ Thanh Tùng luôn tự hào) và kỷ niệm về những cuộc tình đã qua!
“Con đường âm nhạc” đã thành công trên sóng VTV. Theo đánh giá của cá nhân, chương trình về nhạc sĩ Thanh Tùng đã ghi một dấu ấn mạnh mẽ. Hồi đó nhạc sĩ Thanh Tùng vui vẻ lắm, mời bạn bè khắp nơi về Bảo tàng Mỹ thuật thành phố để nghe nhạc và đón nhìn sự “trở lại”.
An Vinh