Nhiều ý kiến trái chiều về điều kiện kinh doanh ô tô theo Nghị định 116/2017
Sau khi ban hành ngày 17/10/2017, Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã nhận được những ý kiến phản hồi rất khác nhau từ phía các DN. Đến đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 03/2018 nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Toàn cảnh cuộc đối thoại với các DN liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 26/2. (Ảnh: Đoàn Bắc)
Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến Nghị định 116 và Thông tư 03
Theo các phản ánh của DN, có 3 vấn đề lớn liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03. Thứ nhất là quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng quy định này đã không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA. Hậu quả là tình trạng xe nhập khẩu về Việt Nam "nhỏ giọt" đã diễn ra từ đầu năm 2018 đến nay. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tuần Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 (16/2 - 22/2/2018) chỉ có 1 chiếc ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi được mở tờ khai hải quan nhập khẩu. Số liệu thống kê hải quan ghi nhận không có xe ô tô trên 9 chỗ ngồi, xe ô tô tải, ô tô chuyên dụng được đăng kí mở tờ khai nhập khẩu trong dịp lễ này.
Vấn đề thứ hai, theo Chủ tịch VAMA, Nghị định 116 quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu sẽ làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ô tô. Điều này dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng. Thứ ba, Nghị định cũng có sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô.
Không đồng tình với quan điểm của Chủ tịch VAMA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải Trần Bá Dương cho rằng, quy định về bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại không chỉ riêng cho xe nhập khẩu mà xe sản xuất trong nước cũng phải xuất trình loại giấy này. Quy định này có từ 2006. Đến 2011 thì Bộ GTVT quy định nằm trong Thông tư 31. Sau khi Nghị định 116 ra đời thì có Thông tư 03 để thay thế Thông tư 31.
“Khi Chính phủ Việt Nam có yêu cầu, chúng tôi đã có các giấy chứng nhận kiểu loại. Thực hiện Thông tư 31, chúng tôi đã làm điều này từ 2011”, ông Trần Bá Dương đồng thời nói “Thực hiện quy định này không có khó khăn gì” và dẫn chứng chứng nhận của KIA từ Hàn Quốc, chứng nhận Peugeot (Pháp), chứng nhận của Mazda...
Ông Trần Bá Dương cho rằng tác dụng của giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nói lên công nghệ cũng như các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được ủy quyền chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu. Đây là tài liệu để khách hàng biết được xe của họ mua được sản xuất bằng công nghệ nào, tính năng ra sao. Trong bối cảnh thị trường xe trong nước, hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt, chúng ta chưa thể kiểm soát được tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân do chất lượng xe hay không thì Giấy chứng nhận kiểu loại rất cần thiết.
“Giấy chứng nhận rất cần thiết trong điều kiện khi xe nhập khẩu về chưa có đủ điều kiện về kiểm định. Điều cần làm hiện nay là rà soát lại các biểu mẫu của giấy chứng nhận kiểu loại của các hãng, để có được bộ chứng nhận kiểu loại của Việt Nam vì hiện nay mỗi hãng có một giấy chứng nhận khác nhau”, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định về đường thử, ông Trần Bá Dương cho rằng đường thử trước đây đã quá lỗi thời vì tồn tại gần 20 năm nay. “Chủ tịch VAMA nói áp dụng ngay gây khó khăn cho các thành viên VAMA thì Nghị định cho phép duy trì đến 15/4/2019 chứ không phải là áp dụng ngay”, ông Trần Bá Dương nói.
“Với sự tự trọng của tôi, tôi không xin sự ưu đãi, và Nghị định 116 cũng không dành ưu đãi gì cho DN trong nước”, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh và cho rằng quá trình soạn thảo Nghị định 116, các DN và đặc biệt hiệp hội VAMA luôn được tham dự các cuộc họp để góp ý.
Đề cao an toàn và quyền lợi người tiêu dùng
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, quy trình làm Nghị định 116 đã tuân thủ nghiêm túc những quy định về ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Để xây dựng Nghị định này, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập 1 tổ công tác chuyên ngành về lĩnh vực ô tô, thành phần gồm: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Khoa học – Công nghệ và cả một số nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cả VAMA....
“Có thể chúng tôi không đi hết được đến từng DN nhưng chắc chắc đã có sự bàn luận, phản biện, thậm chí tranh cãi về những vấn đề để tiếp nhận thông tin”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định về đường thử, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, ngày 27/10/2004, Nghị định 115 của Chính phủ quy định đường thử có 500m, nhưng giờ sau gần 20 năm thì không thể mãi như thế được, xã hội thay đổi nên cần điều kiện khắt khe hơn, xe chạy được tốc độ cao hơn thì cũng cần đường thử khác. Ông cũng khẳng định, Chính phủ không phân biệt DN Việt Nam hay FDI mà đều vì mục đích tạo sự bình đẳng giữa DN sản xuất, lắp ráp trong nước và DN nhập khẩu ô tô.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Việt Nam có 92 triệu dân nhưng mới có khoảng 2,8 triệu ô tô hoạt động, trong khi đó, nhu cầu về vận tải rất lớn nhưng số lượng ô tô của Việt Nam so với các nước trong khu vực đang ở quá xa. Do đó, Việt Nam cần hành lang pháp lý nhất định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nghiệp ô tô phát triển, với nội lực của Việt Nam nhưng rất cần nhà đầu tư nước ngoài hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (thứ hai từ trái sang) phát biểu tại cuộc đối thoại. (Ảnh: Đoàn Bắc)
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, Nghị định 116 ra đời đề cập đến 2 điều kiện cơ bản nhất của kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, đó vấn đề an toàn, và quyền lợi của người tiêu dùng.
“Về vấn đề an toàn, chúng tôi phải có quy định bắt buộc như các nước. Một phương tiện ngoài phục vụ nhu cầu thiết yếu vẫn phải tính đến vấn đề tính mạng con người”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
"Nghị định 116 lần này đưa ra những điều kiện bắt buộc mà gần như nước nào cũng có, chỉ là trong quá trình chuyển đổi chúng ta chưa kịp bắt nhịp nên chúng ta cảm thấy nó như là mâu thuẫn chưa được giải quyết", ông Lê Đình Thọ nói.
Với Nghị định 116, Bộ GTVT có trách nhiệm xây dựng thông tư 03 để tạo cơ sở pháp lý, hành lang hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định khi xây dựng Nghị định và Thông tư đã tuân thủ pháp luật, có đánh giá tác động xã hội, những vấn đề trong quy định đã nêu theo trình tự nghiêm ngặt, được sự tham gia đồng thuận của các DN, hiệp hội. “Đến bây giờ, Nghị định 116 có sự đồng thuận cao. Còn trong quá trình thực hiện, một số vấn đề mới áp dụng có thể chưa thể đồng bộ hết được, bản thân chúng ta cũng chưa thể bao hết được, nên cần thực hiện từng bước sao cho hoàn thiện nhất”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Với các quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hay kiểm định theo từng lô, Thứ trưởng Thọ cho biết đã bàn bạc kỹ, theo đó, một xe khi nhập vào Việt Nam dứt khoát phải có tên tuổi, hồ sơ, gắn liền trong một lô hàng.
Cho biết thêm về quy định đường thử, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, một số hãng đầu tư FDI cách đây 20 năm khi liên doanh, liên kết và lắp ráp, trong đề án có đường thử nhưng rất nhiều công ty không thực hiện, chưa làm đường thử. Đến nay, quy định đường thử 800m đưa vào Nghị định 116 thì sẽ liên quan đến vấn đề đất đai, thủ tục đền bù nên được xem là “rào cản”. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Thọ, nếu DN đã đầu tư 500m đường thử theo quy định trước đây rồi, giờ thêm 300m cũng không khó khăn gì, sợ nhất là DN chưa làm gì. Thứ trưởng khẳng định quan điểm của Bộ GTVT là sẽ theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đồng hành cùng DN, cầu thị lắng nghe để tập trung tháo gỡ chứ không có việc tạo rào cản. Tuy nhiên, đây là giai đoạn chuyển đổi nên cần ngồi lại với nhau bàn bạc chứ không thể làm luôn trong một sớm một chiều.
Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết sẽ không đưa ra kết luận tại buổi họp này mà tiếp thu nghiêm túc, đưa ra giải pháp sớm nhất. “Cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ họp các Bộ và cơ quan liên quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03, sau đó đề xuất với Thủ tướng giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hợp lý”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.
Linh Anh (t/h)