Nhặt được của rơi, trả lại người mất đó là tình!
Nhặt được của rơi trả lại người mất đó là tình. Ảnh minh họa
Quanh câu chuyện tìm được chủ nhân 5 lượng vàng trong đống rác mà người lượm không đồng ý trả lại, người ta bàn cãi chuyện lý và cái tình.
Cách đây hơn một năm, ngày 4/8/2014 trong khi phân loại rác, bà Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) nhặt được một cái bóp có chứa gần 5 lượng vàng, bao gồm vòng đeo tai, nhẫn, dây chuyền…
Số vàng trên được bàn giao Công an TP Cà Mau tạm giữ và thông báo tìm người mất. Sau một năm, trong quá trình giải quyết cho bà Mai nhận số vàng trên thì bà Nguyễn Thị Bích Ngân (31 tuổi, phường 8, TP Cà Mau) đến Công an TP Cà Mau thông báo mình là chủ của số vàng nói trên.
Mới nhất, Công an Cà Mau xác định số vàng trên đúng là của hồi môn của bà Tuyết Ngân và để hai bên thương lượng.
Tuy nhiên, bà Mai không đồng ý nhận 10 triệu đồng hỗ trợ từ bà Ngân mà cho rằng theo luật, “vàng đó phải thuộc về tôi" - bà Mai nói.
Điều 239 Bộ luật dân sự quy định: Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 241 Bộ luật dân sự quy định: Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
“Sau một năm” hay “trong thời hạn một năm”?
Từ câu chuyện này, LS Huỳnh Phước Hiệp đặt ra vấn đề về quy định tại điều 239 và 241 Bộ luật dân sự. Cả hai điều này đều quy định việc xử lý sẽ tiến hành “sau thời hạn một năm” kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu.
Như vậy theo LS Hiệp, hiện tại “sau một năm” đã xác định được chủ sở hữu của tài sản (tức là bà Ngân) thì điều luật không thể hiện được phương án giải quyết. Đây chính là một khe hở cần được điều chỉnh.
LS Hiệp đặt vấn đề nếu như tại thời điểm ngày 5-8-2015 (tức là sau một năm thông báo tìm người đánh mất), Công an TP Cà Mau xác lập quyền sở hữu mới đối với bà Mai và trao số vàng cho bà Mai thì việc bà Ngân đến xin nhận lại số vàng sẽ là vô nghĩa.
Nhưng vì câu chuyện bị kéo dài (nhằm xác định số vàng bà Mai được hưởng theo điều 239 hay 241 Bộ luật dân sự) và bà Ngân đã tìm đến cơ quan công an trong thời gian này khiến nhiều vấn đề khác nảy sinh.
“Trong trường hợp này, nếu cơ quan công an cố tình kéo dài sự việc thì cũng không thể quy trách nhiệm cho họ vì luật chỉ ghi là “sau một năm” mà không nói rõ là bao lâu sau khi hết một năm thì cơ quan công an phải giải quyết xong các thủ tục” - LS Hiệp phân tích.
Nên trả lại cho người mất
Nhiều người cho rằng nếu bà Ngân chứng minh đúng số vàng trên là của mình thì bà Mai nên trả lại số vàng vì đó là của hồi môn của bà Ngân.
"Đừng quên đạo lý “nhặt được của rơi, trả lại người mất” - bạn đọc Hồ Nguyên (Bình Thạnh, TP.HCM) nói.
“Về lý, rõ ràng bà Ngân không còn quyền sở hữu số vàng này nữa vì cơ quan công an đã làm đúng trình tự. Vấn đề chỉ còn có thể giải quyết bằng tình, tức là bà Mai nếu có lòng tốt thì trả lại số vàng đã mất cho bà Ngân, chủ sở hữu thật sự mà thôi” - LS Hà Hải chia sẻ.
LS Hà Hải cũng cho rằng Công an TP Cà Mau có thể đứng ra làm đơn vị hòa giải, phân tích giữa khía cạnh pháp lý và tình người để bà Mai và bà Ngân giải quyết vấn đề hợp tình, thuận lý.
Luật sư Lê Thành Thuận - Đoàn luật sư TP Cà Mau, người bảo vệ quyền lợi cho bà Phạm Tuyết Mai - cho biết sẽ hướng dẫn bà Phạm Tuyết Mai làm đơn khởi kiện ra tòa để xác lập quyền sở hữu mới đối với bà Mai về số vàng mà chị tìm được khi phân loại rác.
Tuy nhiên, luật sư Thuận cũng cho biết để xử lý hợp tình, hợp lý, ông sẽ động viên bà Mai gửi lại một phần tài sản (có thể là chia đôi) cho bà Ngân.
Theo Tuổi Trẻ