Nhập siêu 5 tháng đầu năm lên tới 2,7 tỷ USD
Hoạt động xuất nhập khẩu ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn
Riêng về nhập khẩu, kim ngạch 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 82 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016. Theo Bộ Công Thương, nhập siêu trong 5 tháng đầu năm là do nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư tăng.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2017, ước tính tổng vốn FDI thực hiện đạt khoảng 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại tăng cao.
"Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt khoảng 14,9 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương mức tăng khoảng 4,17 tỷ USD. Nhập khẩu máy móc, thiết bị có sự tăng trưởng mạnh trong các tháng đầu năm, chủ yếu do tăng nhập khẩu của các Công ty thuộc Tập đoàn Samsung (trong đó có Samsung Display đẩy mạnh nhập khẩu máy móc thiết bị để phục vụ Dự án mới được điều chỉnh tăng vốn)", báo cáo của Bộ Công Thương nêu.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện lực Vĩnh Tân 1, Nhiệt điện Thăng Long cũng tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ một số dự án về năng lượng; Viettel tăng nhập khẩu thiết bị phục vụ dự án 4G...
Xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển
Nhập khẩu tăng cao còn do nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Thông lệ hàng năm, xuất khẩu từ tháng 6 trở đi bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng, đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch lớn như đồ gỗ, dệt may, giày dép... nên các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.Mặt bằng giá thế giới tăng cũng khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Giá dầu tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là sự tăng giá nhập khẩu nhiều mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp cơ bản như xăng dầu, khí đốt, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu... Đây là những mặt hàng có giá nhập khẩu phụ thuộc lớn vào giá dầu thô.
Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho biết: Theo chu kỳ, xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa Quý II. Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.
Trong khi đó, nhập khẩu có khả năng giảm dần do xu hướng giảm giá của một số mặt hàng như thép, phân bón, xăng dầu…; nhập khẩu máy móc thiết bị sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo. Do vậy, cơ quan này dự báo nhập siêu cả năm sẽ được kiểm soát, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ở mức khoảng dưới 3,5%.
Theo Hoàng Dương/Báo Tin Tức