Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời: “Trả về hư không, giọt nắng bên thềm”
Tác giả của những tình khúc “vượt thời gian”
Rạng sáng ngày 15/3, người yêu nhạc lẫn các nghệ sĩ Việt không khỏi bàng hoàng và thương xót khi nghe tin nhạc sĩ Thanh Tùng vĩnh biệt cõi trần, ông hưởng thọ 68 tuổi.
Nhạc sĩ Thanh Tùng hát cùng các ca sĩ trong chương trình "Con đường âm nhạc" năm 2005
Vốn là nhạc sĩ tài năng, sở hữu hàng loạt tình khúc “vượt thời gian”, sự ra đi của ông khiến nhiều người không khỏi tiếc thương. Kể từ ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” (1975) cho đến lúc lâm chung, nhạc sĩ cống hiến cho nghệ thuật hơn 200 ca khúc. Trong đó, có nhiều tình khúc được bao thế hệ khán giả yêu thích: “Mưa ngâu”, “Hoàng hôn màu lá”, “Hát với chú ve con”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Hoa tím ngoài sân”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Em và tôi”, “Lối cũ ta về”, “Ngôi sao cô đơn”, “Chuyện tình của biển”… Âm nhạc của ông theo nhà văn Nguyễn Quang Sáng là “đong đầy nỗi cô đơn nhưng lại mang thiên chức an ủi người khác”.
Ở đó, người ta thấy những khao khát tình yêu trong “Hoa tím ngoài sân”, “Giọt nắng bên thềm”, “Ngôi sao cô đơn”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”… Cũng có lúc, tiếng nhạc của ông trẻ trung yêu đời khi “Hát với chú ve con”, nhưng có lúc lại ngậm ngùi “Lối cũ ta về”, “Một mình”...
Các giọng ca hàng đầu của làng nhạc Việt: Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Trần Thu Hà đều từng ghi dấu ấn với những sáng tác của Thanh Tùng
Ca sĩ Trần Thu Hà từng tâm sự: cô đến với âm nhạc Thanh Tùng từ năm 1987, khi lần đầu nhìn thấy Cẩm Vân đứng trên sân khấu hát “Ngôi sao cô đơn”. Giọng ca Hà Thành cũng cho hay hầu hết những nhạc sĩ thời ấy đều gắn bó tên tuổi với âm nhạc Thanh Tùng: "Âm nhạc và hình ảnh của ông luôn trẻ trung, lịch lãm, đơn giản nhưng không nhạt. Tôi hát nhạc Thanh Tùng như một "fan" hát nhạc của người mình từng hâm mộ".
Là người thể hiện thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng như "Giọt sương trên mí mắt", "Một mình"..., ca sĩ Hồng Nhung ấn tượng về cách nhìn cuộc sống tích cực của ông. "Trong những bài hát buồn vẫn có những điểm trong sáng đem đến cho người nghe sự nhẹ nhõm, lạc quan. Dù đó là "Một mình" hay "Giọt sương trên mí mắt" thì vẫn thể hiện được một triết lý trên cõi đời này, đó là không ai tránh được nỗi buồn, nước mắt nhưng như thế không có nghĩa là rơi vào sầu thảm".
Tấm chân tình của người nhạc sĩ hào hoa
Ai yêu nhạc Thanh Tùng, hẳn đều biết mối tình vĩ đại của ông dành cho người vợ quá cố của mình. Dù có nhiều bóng hồng xuất hiện trong đời nhưng đối với Thanh Tùng người phụ nữ ông yêu nhất chính là vợ: “Vợ là người đàn bà mà tôi yêu thương nhất, cho tôi cuộc sống như những gia đình khác và là đấng cứu tinh của đời tôi".
Hình ảnh người vợ quá cố của nhạc sĩ trong một đêm nhạc của ông
Ông từng kể rằng: "Ngay từ nhỏ tôi đã không được sống gần bố mẹ. Lấy vợ thì đến năm 40 tuổi đã mất vợ và phải gà trống nuôi con. Là một người đàn ông nhưng tôi luôn khao khát sự che chở, luôn thấy mình bé bỏng. Cũng chính vì vậy mà tôi thấy mình thất thường và dễ bị tổn thương. Tôi luôn sẵn sàng nổi điên khi thấy mình bị xúc phạm".
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, vị nhạc sĩ ấy nhiều lần tìm cảm hứng từ chuyện tình với người vợ yêu dấu đã sớm đi lên thiên đàng trước ông nhiều năm.
Trong phút vợ nhạc sĩ lâm chung, có mặt cả Trịnh Công Sơn bên giường bệnh, bà hỏi Thanh Tùng: "Nếu em chết, anh có lấy vợ mới, có bỏ các con không?" Và Thanh Tùng khi ấy, gọi đó là “tuyên án chung thân”, giữa hai cách trả lời "có" hoặc "không", chỉ "không" là có thể nói.
Ông đã thực hiện “án chung thân ấy thật”, chọn cuộc sống cô đơn cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, từ giã cuộc đời. Ca khúc “Một mình” ông viết năm 1998 tặng vợ là bức vẽ hoàn hảo nhất cho nỗi nhớ thương đằng đẵng từ ngày bà bỏ ông đi:
“… Nhớ em vội vàng trong nắng trưa Áo phơi trời đổ cơn mưa Bâng khuâng con đang con nhỏ Tan ca bố có đón đưa. Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai Gió sương mòn cả hai vai Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ Nghiêng nghiêng bóng em gầy...” |
Với “Một mình”, nhạc sĩ Thanh Tùng khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ thầm ngưỡng mộ và thán phục bởi tấm chân tình ông dành cho người vợ đã khuất.
Tác giả "Giọt nắng bên thềm" bên các con
Nhạc sĩ nói về cảm giác trống vắng khi thiếu vắng đi hình bóng của người phụ nữ ông yêu nhất: "Trong thời gian có vợ, tôi cũng có nhiều người đàn bà khác và vợ tôi cũng ghen ghê gớm lắm nhưng cô ấy vẫn thương tôi. Sau khi vợ mất thì tôi cảm thấy cảm hứng sáng tác của mình cũng không còn".
Ông yêu nhiều người sau đó, nhưng không chọn đi cùng một con đường với ai nữa. Không ai thay thế được hình bóng người phụ nữ đã trở thành bất hủ trong trái tim người nhạc sĩ đa tình này. Lý giải điều này, tác giả “Hoa tím ngoài sân” nói rằng: “Sau 15 năm, tôi vẫn một mình vì tôi không muốn một gia đình bình thường. Tôi muốn một gia đình hạnh phúc”.
Nhiều tờ báo, khán giả gọi Thanh Tùng là người bố vĩ đại vì một mình nuôi 3 con thành tài. Khi được hỏi ông có nghĩ mình đúng như người ta nói hay không, ông cười sảng khoái: “Đúng”.
Nhạc sĩ hát cùng ca sĩ Mỹ Dung ca khúc "Hoa cúc vàng" ông viết tặng người vợ đã khuất
“Không còn cảm giác cô đơn nữa dù người ngoài nhìn vào thấy tôi một mình. Tôi có gia đình hạnh phúc, có đông bạn bè. Trong thân phận của mình, tôi tìm được sự lý giải về tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi. Chưa chắc hai người ở cạnh nhau đã có hạnh phúc, đã hết cô đơn. Nhưng nếu cuộc sống chỉ có một người và người này vẫn nhớ về người kia, vẫn cảm thấy người kia luôn hiện diện thì sẽ không cảm thấy cô đơn”. Có lẽ việc chọn cuộc sống một mình của nhạc sĩ không chỉ để giữ trọn vẹn lời hứa với người đã khuất, mà bản thân ông đã tự tìm thấy cho mình một tình yêu đích thực trong sự cô đơn.
Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng và truy điệu nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức vào 8–10g30' ngày 22/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại công viên nghĩa trang Thiên Đức, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. |
An Vinh