Người Pakistan vỡ mộng vì "con đường hữu nghị" của Trung Quốc
Tuyến đường Trung Quốc - Pakistan kéo dài 1.300 km từ thành phố Kashgar phía Tây Trung Quốc, vượt qua ngọn núi cao nhất thế giới và biên giới giữa hai quốc gia.
Với Trung Quốc, tuyến đường hai làn xe này là biểu hiện của sự phát triển trong quan hệ hợp tác hai nước, với hàng chục tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng với nhiều doanh nhân người Pakistan đang sống và làm việc dọc trên vùng biên giới Trung Quốc, đây chỉ là con đường một chiều.
Thương nhân Pakistan vỡ mộng
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) dẫn lời Murad Shah, thương nhân Pakistan tại thị trấn Tashkurgan cho biết: "Trung Quốc nói tình hữu nghị giữa hai nước cao như dãy núi Himalayas và sâu như biển, nhưng nói công bằng, người Pakistan không được lợi gì. Tất cả chỉ nhằm gia tăng sự phát triển của Trung Quốc”.
Tashkurgan - thị trấn vùng sâu vùng xa với 9.000 nhân khẩu này là trung tâm của kế hoạch xây dựng đường giao thông thương mại Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), nhằm nối giữa Kashgar (Tân Cương, Trung Quốc) và cảng Gwadar (Pakistan).
Dự án này được coi là một viên ngọc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (OBOR) của Trung Quốc, một kế hoạch lớn về cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm khôi phục Con đường tơ lụa cổ đại và kết nối các công ty Trung Quốc với thị trường mới trên thế giới.
Công nhân Trung Quốc làm việc tại tuyến đường cao tốc Trung Quốc - Pakistan. Ảnh: Xinhua
Năm 2013, Bắc Kinh và Islamabad đã ký kết các gói thỏa thuận trị giá 46 tỷ USD, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng dọc theo hành lang trên và Trung Quốc đã nâng cấp con đường núi nguy hiểm vốn được biết đến với tên gọi Cao tốc Karakoram.
Trong khi cả hai quốc gia cùng nói đây là dự án có lợi cho cả đôi bên, những số liệu thu thập được lại phản ánh một câu chuyện hoàn toàn khác.
Kim ngạch xuất khẩu của Pakistan vào Trung Quốc giảm gần 8% vào nửa sau năm 2016, trong khi nhập khẩu tăng gần 29%.
Vào tháng Năm, Pakistan cáo buộc Trung Quốc bán phá giá thép và đe dọa sẽ áp dụng mức thuế cao.
Jonathan Hillman, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế tại Washington đặt câu hỏi: “Chúng ta thấy những triển vọng trong việc xuất khẩu của Pakistan. Nhưng nếu hợp tác với Trung Quốc thì sẽ xuất khẩu cái gì?”.
Câu trả lời có thể là “thuốc tăng cường sinh lý” của người Nigeria: những loại thuốc đã hết hạn được bán rong cho những người Hồi giáo với bộ ria mép dày rậm đang đi bộ về nhà sau ngày cầu kinh thứ Sáu tại thành phố Hotan (Tân Cương).
Sản phẩm này là điển hình cho những hàng hóa nhỏ mà thương nhân Pakistan mang sang Tân Cương: thuốc thang, đồ dùng cá nhân, đá quý, thảm và đồ thủ công mỹ nghệ.
Những thương nhân Pakistan tại Tân Cương chỉ nhìn thấy rất ít lợi ích từ hành lang hợp tác giữa hai nước. Họ thường phàn nàn về an ninh và các thủ tục hải quan không hợp lý.
Ông Muhammad, một thương nhân ở thành phố Kashgar nằm trên Con đường Tơ lụa cổ đại nói: “Nếu bạn mang bất cứ thứ gì khỏi Trung Quốc, sẽ không có vấn đề gì”. Nhưng ông nói mức thuế áp cho hàng hóa nhập khẩu từ Pakistan “không rõ ràng, ngày hôm này mức thuế là 5%, ngày mai có thể là 20%; đôi khi những hàng hóa này còn không được cho phép nhập khẩu”.
Ông Shah cho biết thêm, ba năm trước, thuế là 8-15 Nhân dân tệ/kg đá lapis lazuli, một loại đá có màu xanh. Từ thời điểm đó, thuế đã tăng vọt lên 50 tệ (7.4USD)/kg.
Hasan Karrar, Giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Khoa học Quản lý Lahore chia sẻ, trong khi những nhà nhập khẩu quy mô lớn có thể hưởng lợi từ thuế thì những thương nhân của Pakistan được hưởng lợi rất ít từ CPEC.
Alessandro Ripa, một chuyên gia về các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich (Đức) nói, tuyến đường cao tốc trên “không có tác động quá nhiều đến tổng quan thương mại hai nước” vì “tuyến đường biển vốn ít tốn kém và nhanh hơn”.
Ông cũng nói thêm, dự án này thực sự là một công cụ để Trung Quốc thúc đẩy lợi ích địa chính trị của mình và giúp đỡ những công ty trong nước đang phải vật lộn xuất khẩu những sản phẩm dư thừa.
Công nhân Pakistan làm việc trên công trường Karakoram năm 2013. Ảnh: Xinhua
Hàng rào an ninh
Tháng 6 vừa qua, trên tuyến đường dài 300 km từ Kashgar đến Tashkurgan, những tài xế phải dừng lại tại 6 chốt an ninh, trong khi hành khách trên xe phải xuống kiểm tra qua máy dò kim loại và xuất trình thẻ công dân.
Những nhân viên cảnh sát đã làm gián đoạn một cuộc phỏng vấn của SCMP với Murad Shah tại Tashkurgan để yêu cầu người chủ tiệm giao điện thoại di động và máy tính để điều tra về sự việc mà ông nói đã xảy ra vài tuần trước.
Shah nói rằng, lần đầu tiên ông đến thị trấn, những kiểm soát an ninh làm ông lo lắng: “Nhưng bây giờ tôi đã quen với điều đó. Tôi gần như cảm thấy mình cũng là một cảnh sát”.
Ông nói, mỗi khi tiếng chuông báo động vang lên, ông liền lấy vội chiếc áo giáp và mũ bảo hiểm đen trên quầy và chạy xuống phố, đến nơi mà cảnh sát đang tập hơn khoảng chục người để diễn tập chống khủng bố.
Những cuộc diễn tập có thể diễn ra đến bốn lần một ngày. Nhiều cửa hàng sẽ bị đóng cửa vài ngày nếu chủ tiệm không tham gia diễn tập.
Quay về Kashgar, doanh nhân Muhammad hi vọng hành lang xuất khẩu sẽ giúp cuộc sống tốt hơn, nhưng ông nghĩ kiểm soát an ninh vẫn sẽ là một trở ngại. Ông dự định dành thêm 3 năm nữa ở đây. Nhưng ông không thể đợi mãi được: “Nhiều người cũng đang quay về”.
Việt Hương