Người cựu binh Mỹ thực hiện lời hứa trở lại Việt Nam sau gần 45 năm
Tại Hà Nội những ngày cuối năm Bính Thân, trong chuyến trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ năm 1973 cùng người bạn đời, Charles Allen Jackson đã chia sẻ về những tâm nguyện đời mình trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến.
Đại úy phi công Mỹ Charles Allen Jackson đã có thời gian tham chiến tại Việt Nam. Trong thời gian này, Charles Allen Jackson được giao nhiệm vụ ném bom miền Bắc (Việt Nam) theo mục tiêu đã được định trước. Máy bay xuất kích từ vùng biên giới Thái Lan
Ngày 24/6/1972, máy bay của ông Charles Jackson bị bắn rơi tại thôn Mường Gió, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Sau đó, ông được chuyển sang Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội và được trao trả về Mỹ theo nội dung của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/1/1973.
Charles Allen Jackson thời trẻ
Charles được phẫu thuật tại Bệnh viện Việt - Xô tháng 6/1972
Kể lại với Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Charles cho biết đến nay ông vẫn còn như in cảm giác của mình lúc đó: vừa tức giận vì máy bay bị bắn hạ nhưng cũng vừa lo sợ vì không biết điều gì đang chờ mình phía trước. Ông kể: "Khi máy bay bị bắn hạ, người bạn đồng hành của tôi đã tử vong còn tôi kịp nhảy ra được bên ngoài trước khi máy bay nổ. Lúc ấy, khẩu súng của tôi bị gió thổi bay mất, đồng hồ cũng tuột khỏi tay. Đến khi tiếp đất, tôi phát hiện mình không thể đi được. Khi ấy một số dân làng đã phát hiện ra có máy bay rơi và đang tiến lại gần. Tôi đã vô cùng lo lắng và đành phải lăn đi để tìm chỗ trốn với hy vọng những người dân sẽ nhanh chóng bỏ đi. Nhưng cuối cùng tôi bị bắt lại và đưa về làng.
Đấy là những người dân tộc Thái. Sau khi đưa về làng, họ đã chữa trị cho tôi. Tôi bị 8 vết thương ở cổ và sau lưng, tay bị gãy 2 đoạn. Dân làng đã lấy lá thuốc đắp rồi cố định những chỗ bị gãy xương và băng lại những vết thương hở cho tôi”, ông kể.
Chắc hẳn, người phi công Mỹ năm xưa không thể ngờ được rằng những người bắt ông, khiến ông lo sợ lại chính là những người cứu giúp ông. Chính sự tử tế của họ đã khiến Charles trăn trở suốt những năm về sau. Ở quê nhà, không ngày nào Charles không nghĩ về Việt Nam. Hàng chục năm trôi qua, ông vẫn luôn tự vấn bản thân mình với câu hỏi: Vì sao tôi phải chiến đấu? Ông thực hiện nghĩa vụ mà đất nước giao phó nhưng lại khiến ông dằn vặt. Ông đã nói chuyện với nhiều người lính Mỹ về Việt Nam và họ cũng có cùng nỗi niềm như ông.
Tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ông Charles Jackson lên máy bay trở về Mỹ, tháng 2/1973
Không chỉ vậy, theo Charles, nhiều năm kể từ sau khi trở về, vẫn rất ít người có thể thấu hiểu sự phiền não của những cựu binh. "Chẳng mấy ai cảm thông với nỗi khổ mà bạn phải trải qua. Họ không có khái niệm nào về chiến tranh Việt Nam hết. Chỉ những người đã từng trải qua chiến tranh mới có thể hiểu thực sự nó như thế nào; trừ khi bạn nói chuyện với những người hiểu hoặc bạn có thể làm cho họ bạn.", Charles cho biết.
Chính vì vậy mà khi trở về Mỹ, ông luôn tâm nguyện sẽ quay lại Việt Nam để gặp và nói lời tri ân với một số cơ quan, cán bộ, chiến sỹ quản giáo và người dân Việt Nam, những người ông luôn coi là ân nhân cứu mạng.
Trong vô số những người cứu giúp mình, Charles ấn tượng và nhớ nhất người chiến sỹ quản giáo nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội tên Phạm Thành Đông. Charles không biết hiện tại ông Đông ở đâu, còn sống hay không nhưng ông luôn giữ bức ảnh của ông Đông, với hy vọng bức ảnh có thể giúp ông gặp lại được người chiến sỹ đã tiếp thêm hy vọng cho ông trong những năm tháng ngục tù.
“Sau khi bị bắt tại Sơn La tôi được chuyển về Nhà tù Hỏa Lò, Đông là chiến sỹ quản giáo tại đây. Phòng giam của tôi sát bên cạnh phòng quản giáo của Đông. Trên bức tường ngăn cách 2 phòng có 1 lỗ hổng nên chúng tôi có thể nghe thấy nhau khi nói chuyện.
Tiếng Anh của anh ấy không tốt lắm. Cả buổi đêm hôm ấy, chúng tôi chỉ nói những câu chuyện đơn giản, về những vấn đề toán học và một số chuyện trong cuộc sống mỗi người. Những câu chuyện vô cùng bình dị nhưng Đông đã truyền cho tôi niềm tin rằng, dù hai đất nước từng chiến đấu với nhau, dù chúng tôi từng là kẻ thù của nhau thì vẫn còn rất nhiều người tốt ngoài kia, giống như Đông, không bị chiến tranh làm mất đi sự nhân đạo của họ.”, ông kể.
Bức ảnh của chiến sĩ quản giáo Nhà tù Hỏa Lò Phạm Văn Đông mà ông Charles vẫn luôn giữ gìn
Trong những ngày sắp tới, Charles cùng vợ sẽ tới xã Mường Gió, Sơn La thực hiện tâm nguyện của mình là gặp lại những người dân, dân quân như Hà Văn Mần - cựu chỉ huy tiểu đội dân quân xã Mường Gió, Hà Văn Yết – Phó chỉ huy dân quân Mường Gió… để nói lời tri ân tới họ, những người như giúp ông sống lại lần thứ hai.
Ngoài ra, Charles cũng hy vọng trong tương lai sẽ có cơ hội giúp những những cựu chiến binh Mỹ có thể xóa bỏ mặc cảm để có cái nhìn chân thực về đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời, ông cam kết với Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, thông qua Hội Việt - Mỹ, sẽ nỗ lực để hàn gắn vết thương chiến tranh của các cựu binh Mỹ, giúp họ hiểu thêm về lòng vị tha, sự hòa giải, tình cảm hữu nghị và mong muốn gác lại quá khứ, hướng tới tương lai của nhân dân Việt Nam; góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Thùy Linh
Ảnh: Nhân vật cung cấp