Người bạn lâu năm thành tri kỷ của nước Nga, Trung Quốc lo sợ?
Cánh cửa từ từ hé mở, Tổng thống Vladimir Putin bước vào và tiến tới chiếc bàn tròn trong căn phòng lớn. Mặc dù hơi khó khăn nhưng khi tiếng mở cửa vang lên, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng chống gậy đứng dậy.
Vài năm trước, do sức khỏe yếu nên trừ phi gặp gỡ các nhân vật quan trọng hoặc chiến hữu, Kissinger thường không chủ động đứng dậy.
Cuộc gặp giữa Kissinger và Tổng thống Putin thực tế đã diễn ra cách đây hơn một năm, vào ngày 29/6/2017.
Khi đó, Điện Kremlin cho biết, đây chỉ là một cuộc gặp riêng giữa những người bạn, Kissinger tham dự lễ kỷ niệm cố Thủ tướng Nga Yevgeny Primakov Nga Primakov ở Moscow, nhân tiện gặp gỡ ông Putin.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), cựu Ngoại trưởng Mỹ luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách cải thiện quan hệ Nga-Mỹ của Tổng thống Trump, đồng thời ông thậm chí còn đề nghị đi nước cờ lớn "liên Nga chống Trung".
Tri kỷ của Điện Kremlin
Báo Trung Quốc cho rằng, Kissinger là người ủng hộ chính sách cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, duy trì vị thế của Moscow trên vũ đài quốc tế, đặc biệt từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Trong hơn 20 năm, mối quan hệ giữa Moscow và Washington phần lớn đều ở mức thấp nhưng Kissinger đã trở thành một "tri kỷ" của Điện Kremlin.
Trong cuốn tự truyện First Person xuất bản năm 2000, Tổng thống Putin đã kể lại cuộc gặp đầu tiên giữa hai người vào năm 1990.
Trong lần đầu gặp ông Putin, Kissinger đã rất "tò mò" về nhà lãnh đạo nước Nga - người lúc này mới trở về từ Đông Đức sau khi kết thúc nhiệm vụ tình báo. Khi đó, trước loạt câu hỏi của Kissinger về xuất thân và quá khứ, ông Putin điềm tĩnh nói: "Tôi từng làm công tác tình báo".
Ngay lập tức, Kissinger tiếp lời khen ngợi: "Những người có năng lực đều bắt đầu từ công tác tình báo và tôi cũng vậy".
Từ đó về sau, dù quan hệ hai nước luôn trong tình trạng đóng băng nhưng mối quan hệ giữa Kissinger và ông Putin vẫn được duy trì chặt chẽ. Tính đến tháng 6/2017, họ đã gặp nhau 17 lần.
Kissinger là cố vấn đặc biệt của chính phủ Tổng thống Trump. Ảnh: Washington Post
Sự ủy thác bí mật của TT Trump
Tờ Hoàn cầu cho rằng, sau cuộc nói chuyện riêng giữa hai ông Kissinger-Putin vào năm ngoái, giới quan sát luôn đặt câu hỏi: "Liệu Kissinger có mang theo ủy thác nào của ông chủ Nhà Trắng tới Moscow hay không?".
Tờ này tiết lộ, sau khi thắng cử vào cuối năm 2016, Tổng thống Trump đã 3 lần gặp gỡ Kissinger và tham vấn về các chính sách đối ngoại, đặc biệt trong mối quan hệ với Moscow, cựu Ngoại trưởng Mỹ vẫn chủ trương nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với điện Kremlin.
Cuối năm 2016, tờ nhật báo Bild (Đức) dẫn nguồn tin tình báo Tây Âu tiết lộ, Kissinger đang giúp ông Trump lên kế hoạch bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ, bao gồm Mỹ công nhận quyền lợi của Nga đối với Crimea, đổi lại Nga đảm bảo sự an toàn cho Đông Ukraine, Mỹ đồng ý chuyển phạm vi sức mạnh của Liên Xô cho Nga để khôi phục mô hình thế giới lưỡng cực.
Dù nội dung báo cáo đó chưa được chứng thực nhưng suy đoán về vai trò của Kissinger trong mối quan hệ Nga-Mỹ không ngừng gia tăng, đặc biệt, sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ hồi tháng 7 vừa qua tại Helsinki.
Theo tờ The Daily Beast (Mỹ), trong các cuộc họp gần đây, Kissinger thường đề xuất chiến lược "liên Nga chống Trung", thông qua mối quan hệ mật thiết với Nga để kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Tạp chí Slate (Mỹ) nhận định, nếu chính sách này được thực hiện thì Kissinger đang tự đảo ngược chiến lược trước đây của chính mình - "liên Trung chống Xô". Trong những năm 1970, Kissinger rất nổi tiếng khi thúc đẩy chính sách liên kết với Trung Quốc để chống lại Liên Xô.
Hoàn cầu cho rằng, động thái này khiến nhiều người Trung Quốc e ngại và chỉ trích rằng "người bạn lâu năm của nước này đã quay lưng lại với Bắc Kinh".
Ám chỉ Trung Quốc
Thực tế bản thân Kissinger, Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chưa từng đưa ra bất kỳ phản ứng trước những suy đoán trên nhưng nhiều nhà quan sát chính trị ở Mỹ đã đưa ra những nhận định riêng.
Một số ý kiến cho rằng, nguồn tin của Beast Daily xuất phát từ nhóm cố vấn chính trị của Tổng thống Trump. Mục đích của họ rất có khả năng là muốn mượn vẻ hào nhoáng từ "cách thức Kissinger" để phủ lên các chính sách ngoại giao gần đây của Tổng thống Trump.
Với tính cách và kinh nghiệm của Kissinger, nếu chính phủ không lên tiếng thì ông cũng sẽ không đưa ra phản ứng nào. Hơn nữa, Tổng thống Trump hiện đang cải thiện mối quan hệ với Nga.
Luồng ý kiến khác cho rằng, đây rất có thể là đề xuất của chính cựu Ngoại trưởng Mỹ, bởi đề cao lợi ích quốc gia là logic hành động của ông này.
Kissinger được coi là người bạn lâu năm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Đặc biệt, hiện nay khi cục diện thế giới không ngừng thay đổi, nếu Kissinger nhận thấy Trung Quốc đang đe dọa vị trí của Mỹ thì chủ trưởng "liên Nga chống Trung" không chỉ là sự "tự đảo ngược" chính sách mà còn là một tư duy chiến lược hợp lý.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí National Interest năm ngoái, Kissinger chia sẻ rằng: "Theo thứ tự đa cực đang được hình thành, Nga sẽ trở thành một cực không thể thiếu trong sự cân bằng quyền lực toàn cầu".
Có thể thấy cân bằng quyền lực chính là từ khóa vĩnh cửu trong từ điển chiến lược của Kissinger.
Trong cuốn sách Trật tự thế giới được xuất bản năm 2015, Kissinger viết: "Sự cân bằng quyền lực có thể đối mặt với ít nhất hai thách thức: Thứ nhất, sức mạnh của một cường quốc đủ lớn mạnh để đứng đầu; thứ hai là một trong những quốc gia top dưới muốn sánh vai với top đầu buộc các cường quốc thực thi các chính sách đối phó, dẫn đến một sự cân bằng mới hoặc 1 cuộc chiến tranh toàn diện".
Hoàn cầu cho rằng, sau khi thông tin Kissinger muốn áp dụng chiến lược "liên Nga chống Trung" rò rỉ, rất nhiều ý kiến cho rằng, Kissinger đang nhắm đến Trung Quốc trong phát biểu trên.
Lợi ích quốc gia
Cho đến nay, Kissinger đã đến Bắc Kinh hơn 80 lần và kỷ lục này khó có thể bị phá vỡ trong một thời gian ngắn.
Báo Trung Quốc cho rằng, điều này khiến đôi khi ông được gọi là "người bạn lâu năm của người Trung Quốc" nhưng nếu Kissinger thực sự đưa ra chiến lược "liên Nga chống Trung" thì nhận định này sẽ càng "rõ ràng" hơn.
"Là một chính trị gia Mỹ, Kissinger có mối thân tình với Trung Quốc trong hơn 40 năm, xuất phát từ mục đích bảo vệ lợi ích của Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông này không phải người đầu tiên đề xướng ý tưởng khôi phục quan hệ Trung-Mỹ", Hoàn cầu viết.
Theo đó vào năm 1968 dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Nixon, Kissinger chỉ là một chuyên gia về châu Âu hoặc Liên Xô.
Hoàn cầu cho rằng, Kissinger quan tâm tới vấn đề Trung-Mỹ là do tác động từ học giả hàng đầu nước Mỹ John King Fairbank hoặc từ một lãnh đạo tình báo Đức trong cuộc gặp tại Tiệp Khắc. Nhà lãnh đạo này kiến nghị, Mỹ nên đạt được thỏa thuận chống lại Liên Xô với Trung Quốc.
Sau đó, đến năm 1971, ông đáp máy bay tới Bắc Kinh.
Báo Trung Quốc thừa nhận, Kissinger có vai trò to lớn trong việc phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ Trung-Mỹ, cải thiện môi trường quốc tế, giúp Trung Quốc cải cách và mở cửa. Sau khi về hưu, ông tiếp tục dựa vào các mối quan hệ trong giới doanh nghiệp Trung-Mỹ để đưa nhiều công ty Mỹ vào Trung Quốc.
Cũng theo tờ này, mục đích thực chất của Kissinger chính là để ngăn chặn Liên Xô, thúc đẩy công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc nhằm phục vu nhu cầu sản xuất toàn cầu của Washington
"Dù sao ông ấy cũng là một người Mỹ, là người yêu nước trung thành với nước Mỹ", Hoàn cầu viết.
Thực tế khó khăn
Trung-Mỹ là đối thủ cạnh tranh trên nhiều mặt trận. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, báo Trung Quốc cho rằng, Mỹ rất khó thực hiện theo đề xuất "liên Nga chống Trung" của Kissinger.
Bởi thứ nhất, hai bên đã rất vất vả lôi kéo đồng minh trong cuộc đối đầu trước đây giữa Liên Xô và Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ không lôi kéo đồng minh nên Mỹ sẽ khó thực hiện kế hoạch.
"Ngày nay khi lợi ích quốc gia đang ở hình thế phức tạp, dù cho Kissinger có ra tay, cũng khó để xây dựng được phe cánh chống Trung Quốc", Hoàn cầu cho rằng, Nga sẽ không nghiêng về phía Mỹ từ những kinh nghiệm đúc rút trong lịch sự.
"Mỹ-Nga rất khó bắt tay với nhau, hai bên còn tồn tại nhiều nút thắt như Ukraine, Syria. Nga tuyệt đội sẽ không nhún nhường, còn nếu Mỹ buông tay nước này sẽ mất đi sự tín nhiệm của châu Âu.
Ngoài ra, Mỹ càng khó khăn nếu chống lại Trung Quốc, bởi Nga-Trung đã sớm giải quyết vấn đề biên giới, trở thành đối tác chiến lược toàn diện, sẽ là mất mát nếu Nga vì phá băng với Mỹ mà đối đầu Trung Quốc", Hoàn cầu nhấn mạnh.
-
"Nguyên liệu" rẻ tiền và nguy hiểm cho cuộc bành trướng quân sự của TQ ở biển Đông
Tờ này cho rằng, thậm chí ngay với cả các đồng minh châu Âu hiện nay, các nước này cũng khó tin vào sự thỏa hiệp giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng.
"Rất lý tưởng để Mỹ "liên Ấn chống Trung" do Bắc Kinh-New Delhi tồn tại tranh chấp biên giới, vừa hay Ấn Độ cũng một trong những mắt xích của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng.
Tuy nhiên, trong hai lần sang thăm Trung Quốc năm nay, Thủ tướng Ấn Độ chia sẻ họ đã đạt được lợi ích từ phương Tây và mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác ổn định với Bắc Kinh", Hoàn cầu khẳng định, Ấn Độ không có ý ủng hộ Mỹ về chiến lược này.
Theo tờ này, so với châu Âu và Ấn Độ, mối quan hệ của Nga-Mỹ-phương Tây được coi là mối quan hệ thăng trầm nhất. Nga là một nước lớn với đầy đủ kinh nghiệm ngoại giao, trừ trường hợp nảy sinh xung đột lợi ích gay gắt với Trung Quốc, Moscow sẽ tuyệt đối không đánh đổi mối quan hệ với Bắc Kinh.
"Quan trọng nhất, mối quan hệ tam giác của thời đại Chiến tranh Lạnh hiện nay không thể tái tạo.
Vào thời điểm đó, quan hệ giữa các quốc gia không phức tạp như hiện nay, nên nếu Mỹ muốn cạnh trạnh với Trung Quốc thì đồng thời cũng cần tìm kiếm phương thức đối đầu khác với Nga. Tư duy bắt tay nước nào chống lại nước nào đã quá lỗi thời", Hoàn cầu kết luận.
Cuối cùng, tờ này khẳng định, Trung Quốc không quên "đóng góp" của Kissinger nhưng nếu cựu Ngoại trưởng Mỹ trở mặt, Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra phản ứng tương tự.
Thủy Thu