Nghị sĩ Đức gốc Việt đầu tư hệ thống giáo dục tại quê nhà
Từ công nhân trở thành ông chủ
Khi ở Việt Nam, ông Nghiệp là kỹ sư âm thanh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Trước khi là Tổng giám đốc của công ty Sapa Thale CHLB Đức, ông Nghiệp giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần GF 2000 AG tại Leipzig và là chuyên viên của hãng bảo hiểm Đức DKV.
Ngày 25/5/2014, Thành phố Thale (thuộc bang Sachsen-Anhalt, Đức) và 11 vùng phụ cận trực thuộc tổ chức bầu cử Nghị viện thành phố với nhiệm kỳ 5 năm. Ông Nguyễn Đắc Nghiệp là người nhập cư duy nhất thắng cử, giành được một ghế trong Nghị viện thành phố.
Ông Nguyễn Đắc Nghiệp đắc cử vào Nghị viện Thành phố Thale nhiệm kỳ 5 năm hồi tháng 5/2014
Năm 1972, ông Nghiệp là chiến sĩ thông tin cho một đơn vị pháo ở Thanh Trì, Hà Nội trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ông vẫn còn nhớ như in cuộc chiến đấu 12 ngày đêm nhiều mất mát mà đầy anh dũng của Thủ đô khi ấy. “Làm sao mà quên được những đồng chí vừa ngồi ăn cơm với mình, giây phút sau đã hy sinh dưới làn mưa bom bão đạn”, ông kể.
Năm 1987, ông Nghiệp sang Đông Đức, trở thành công nhân lái cần cẩu trong một nhà mát luyện thép ở thành phố Thale. Những năm 1980 – 1990, Đông Đức gặp nhiều khó khăn, hầu hết các bạn bè của ông đều về nước. Dù hoang mang, không biết sẽ phải làm gì để tiếp tục sống nhưng ông quyết định ở lại.
Mất việc, ông Nghiệp bắt đầu cuộc sống mới từ công việc buôn bán ngoài chợ. Mỗi ngày, ông dậy từ 3 – 4 giờ sáng, đi tàu hỏa đến vùng biên giới Ba Lan lấy quần áo về bán trong cái lạnh xuống đến âm 25 độ C. Thời kỳ đầu, ông phải trải áo mưa dưới gốc cây để bày bán hàng. Dần dần, ông tích lũy vốn, thuê một gian hàng trong chợ.
Nghị sĩ Đức gốc Việt chia sẻ, để có được thành công, ông luôn luôn giữ suy nghĩ tích cực. Bên cạnh đó, ông không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng. Dù bận rộn công việc, ông Nghiệp vẫn tranh thủ tham gia nhiều khóa đào tạo: kỹ năng giao dịch với khách hàng, ngoại ngữ…
Đến giờ, tòa nhà thuộc sở hữu của công ty luyện thép mà trước đây ông Nghiệp là công nhân được ông mua lại, đặt trụ sở công ty Sapa Thale. Người dân tại thành phố chứng kiến quá trình nỗ lực và gặt hái thành công của ông Nghiệp ngày càng dành cho ông tình cảm yêu mến, trân trọng. Bởi vậy trong cuộc tranh cử, ông giành số phiếu bầu lớn từ người dân để giành được ghế trong Nghị viện thành phố.
Mong muốn góp phần phát triển giáo dục Việt Nam
Ông Nghiệp luôn mong muốn quê hương Việt Nam phát triển, người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Với nghị sĩ Nguyễn Đắc Nghiệp, con đường đến với sự phát triển này là giáo dục. Vì vậy, ông đầu tư vào hệ thống giáo dục quốc tế.
Hồi tháng 5 năm nay, ông khai trương hệ thống giáo dục quốc tế Sapa Thale CHLB Đức ở TP. HCM. Hệ thống giáo dục này có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế và liên thông với các trường, tổ chức giáo dục danh tiếng ở Mỹ, Anh, Đức, Úc, Canada.
Mong muốn các bạn trẻ có môi trường học tập hiện đại, ông đang phát triển hệ thống giáo dục quốc tế tại Việt Nam
“Tôi muốn góp một phần công sức để đưa nền tảng giáo dục quốc tế về với học sinh, sinh viên Việt Nam thông qua hệ thống giáo dục Sapa Thale. Học sinh, sinh viên đạt kết quả tốt trong các kỳ thi sẽ nhận được phần học bổng theo chương trình liên kết đào tạo của nhiều trường trên thế giới”, ông Nghiệp bày tỏ.
Bên cạnh đó, là một chính trị gia, ông Nghiệp cũng tích cực làm cầu nối cho quan hệ Đức – Việt và ủng hộ công tác của cộng đồng người Việt tại Đức. Ông hiện là Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Đặc biệt, ông đang cố gắng tích cực tuyên truyền vận động các bạn bè người Đức ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.
Kết thúc chuyến thăm quê lần này, trở về Đức, ngay lập tức ông sẽ cùng Ban chấp hành Liên hiệp người Việt tại Đức chuẩn bị cho lễ đón tết Nguyên đán.
Ông kể, cộng đồng người Việt tại Đức rất có tổ chức. Vào các ngày lễ lớn của dân tộc hay dịp tết cổ truyền, mọi người cùng tập hợp tổ chức liên hoan, múa sư tử, múa lân, trình diễn các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc Việt… Đây cũng là dịp giới thiệu các nét văn hóa độc đáo của Việt Nam với bạn bè Đức.
Bên cạnh đó, ông cùng cộng đồng người Việt rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc ở thế hệ trẻ. Theo ông Nghiệp, khi hiểu được ngôn ngữ thì người trẻ sẽ hiểu về văn hóa cội nguồn, gắn bó và yêu thương quê cha đất tổ. Ông cho biết, ở thành phố của ông, các lớp học tiếng Việt được mở đều đặn vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Ông cho rằng, với việc phát triển dự án giáo dục tại Việt Nam, ông sẽ có nhiều cơ hội trở về thăm quê hương. Sắp tới, ông cũng góp phần xúc tiến việc kết nghĩa giữa thành phố Thale (Đức) và thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Mạnh Phúc