e magazine
Nghị quyết 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

09:12 | 22/11/2022

Sau khi được ban hành (2/2022), Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã lập tức thu hút được sự chú ý của dư luận. Vì sao Nghị quyết này lại được quan tâm như vậy? đâu là những điểm mới quan trọng của Nghị quyết và cách thức triển khai Nghị quyết vào cuộc sống? Để lý giải những câu hỏi này, Thời Đại đã phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (Ban KTTW).

Nghị quyết số 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Sau khi được ban hành (2/2022), Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã lập tức thu hút được sự chú ý của dư luận. Vì sao Nghị quyết này lại được quan tâm như vậy? đâu là những điểm mới quan trọng của Nghị quyết và cách thức triển khai Nghị quyết vào cuộc sống?

Để lý giải những câu hỏi này, Thời Đại đã phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (Ban KTTW).

Nghị quyết số 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

- Thưa ông, xin ông đánh giá về ý nghĩa chính trị của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (viết tắt là NQ 11)?

Việc Bộ Chính trị ban hành NQ 11 có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ nhất, đây là Nghị quyết đầu tiên về vùng được Bộ Chính trị hành hành sau khi tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW về vùng, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời thể hiện sự nhất quán và xuyên suốt trong quan điểm của Đảng về phát triển vùng qua các kỳ Đại hội Đảng. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng - một vùng có vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng có bề dày lịch sử, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, có truyền thống cách mạng vẻ vang; được ví như là “cội nguồn dân tộc”; “cái nôi của cách mạng Việt Nam”, là “phên dậu” và “lá phổi” của tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Cần phải nói thêm rằng chúng ta có tất cả 6 vùng kinh tế - xã hội và để thúc đẩy sự phát triển của 6 vùng này trong giai đoạn 2022-2025, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển cho từng vùng.

Thứ hai, bối cảnh mới trong nước và quốc tế đặt ra các thách thức mới đối với sự phát triển của vùng, đòi hỏi cần phải có tư duy mới, tầm nhìn mới và nhất là tâm thế phát triển mới. Nghị quyết mới là căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển vùng, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Những cơ chế, chính sách này sẽ giúp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; giúp khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển, nhất là khi vùng vẫn đang là “vùng trũng” trong phát triển và “lõi nghèo” của cả nước; sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển của vùng so với trung bình cả nước không những chưa được thu hẹp mà đang có xu hướng gia tăng.

Nghị quyết số 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ
Nhờ các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước mà đồng bào tại vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thể yên tâm phát triển kinh tế.

- Vậy đâu là những tư duy mới và tầm nhìn mới cho sự phát triển vùng được thể hiện trong Nghị quyết thưa ông?

Những điểm mới, trọng tâm của Nghị quyết đã được nêu rất rõ trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW vào ngày 15/4/2022, ở đây tôi chỉ xin nhấn mạnh và cụ thể hoá thêm một số điểm.

Một là, Nghị quyết số 11-NQ/TW đặt sự phát triển của vùng trong tổng thể phát triển của quốc gia. Sự phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ không thể tách rời sự phát triển của quốc gia, chịu sự chi phối và có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với phát triển quốc gia. Mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết là sự cụ thể hoá tầm nhìn, mục tiêu phát triển được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng; thể hiện tính xã hội chủ nghĩa trong phát triển vùng.

Nghị quyết đưa ra tầm nhìn phát triển vùng đến năm 2045 “là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường”. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Phát triển xanh và bền vững đòi hỏi từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của vùng.

Phát triển toàn diện là sự phát triển với người dân là trung tâm, người dân là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Đó là sự phát triển đảm bảo sự bình đẳng không chỉ trong thụ hưởng các thành quả của phát triển mà còn cả trong cơ hội tham gia vào quá trình phát triển, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa vùng với các vùng khác; giảm nghèo bền vững và đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Đây chính là tính xã hội chủ nghĩa trong phát triển vùng.

Hai là, Nghị quyết số 11-NQ/TW đưa ra yêu cầu về thống nhất nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển và liên kết vùng. Để thực hiện được tầm nhìn và mục tiêu đặt ra, trước hết cần tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng người dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với đảm bảo quốc phòng, an ninh; môi trường, sinh thái và khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cả nước.

Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, cần đổi mới tư duy phát triển, nhất là tư duy về liên kết vùng (Ông cha ta đã từng nói, “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, “một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”); tư duy về cơ chế chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực và về tiềm năng lợi thế. Trong đó, “Tư duy về liên kết vùng” cần phải là tư duy chủ đạo, kết nối và dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng theo một cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả nhằm thống nhất về nhận thức và định hướng phát triển vùng, huy động hiệu quả nguồn lực và tăng lợi thế nhờ quy mô; tránh được tình trạng cát cứ, phân mảng, cạnh tranh không lành mạnh, dàn trải trong đầu tư và lãng phí nguồn lực.

Ba là, Nghị quyết số 11-NQ/TW yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải có trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết xác định 02 khâu đột phá trong phát triển vùng là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là 02 khâu đột phá phù hợp với các đột pháp chiến lược được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 02 đột phá này sẽ giúp cho vùng khắc phục được những điểm yếu, những nút thắt trong phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để vùng có thể khai thác, phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững. Thêm vào đó, trong bối cảnh trình độ phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều nhau, để phát huy mạnh mẽ lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và tạo tác động lan toả, tích cực đối với toàn vùng Nghị quyết còn đặt ra nhiệm vụ phát triển các khu vực kinh tế động lực và các cực tăng trưởng.

Bốn là, Nghị quyết số 11-NQ/TW yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải gắn với phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển văn hoá vùng cần theo hướng toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; để văn hoá vùng thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng.

Năm là, Nghị quyết số 11-NQ/TW coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và rừng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng. Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao và rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng, kể cả trong lịch sử bảo vệ đất nước và hiện tại. Bảo vệ và phát triển rừng hay giữ được rừng là giữ được đất và nước; giữ được môi trường sinh thái. Giữ được rừng là giữ được truyền thống văn hoá và lịch sử; giữ được dân; bảo đảm được quốc phòng, an ninh. Giữ được rừng là tạo được cơ hội để người dân sống được bằng rừng và hướng tới làm giàu từ rừng, khắc phục nghịch lý “càng trồng được nhiều rừng, càng nghèo”.

Sáu là, Nghị quyết số 11-NQ/TW yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biên cương của Tổ quốc. Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh của vùng là: “Phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân…. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch”. Đây cũng chính là sự cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ “đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu và thường xuyên”.

Nghị quyết số 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ
Người dân sinh sống tại vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ luôn được lực lượng chức năng địa phương nhiệt tình giúp đỡ để ổn định cuộc sống và lao động sản xuất.

- Để Nghị quyết mang hơi thở của cuộc sống thì quá trình nghiên cứu có vai trò rất quan trọng, ông có thể cho biết về công tác chuẩn bị xây dựng NQ?

Cần phải khẳng định ngay rằng NQ là kết tinh của trí tuệ tập thể với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nghị quyết được xây dựng dựa trên cơ sở tổng hợp các Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong vùng; chắt lọc kết quả nghiên cứu về vùng của các viện nghiên cứu, trường đại học; tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học; kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương trong vùng; cập nhật, bổ sung các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển vùng trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2030; các Nghị quyết chuyên đề của Đảng có liên quan; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương trong vùng nhiệm kỳ 2020-2025.

- Trong quá trình xây dựng NQ, có nhiều ý kiến khác biệt gay gắt không, thưa ông?

Trong quá trình xây dựng Nghị quyết đều có sự thảo luận để đi đến thống nhất, đặc biệt là có sự tham gia tích cực của các địa phương trong vùng và các chuyên gia, nhà khoa học. Nhìn chung các ý kiến đều rất tâm huyết, có trách nhiệm và có chất lượng.

Nghị quyết số 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

- Chúng ta đều biết, để xây dựng được một Nghị quyết đã khó nhưng để đưa nội dung thực sự đi vào cuộc sống còn khó hơn nhiều. Xin ông cho biết những điểm mới trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết này?

Đúng vậy. Trước tiên, để Nghị quyết số 11-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, mở ra cơ hội và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Nghị quyết cần phải được thấm nhuần không chỉ ở các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội mà còn ở từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ở các địa phương trong vùng. Vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng cần được phát huy cao độ; cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Chính vì vậy mà quá trình triển khai Nghị quyết về vùng cũng có nhiều điểm mới.

Thứ nhất, Nghị quyết đã nhanh chóng được quán triệt trong toàn quốc.

Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết đã được quán triệt với sự tham gia của tất cả các cấp uỷ Đảng cả ở Trung ương và địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp phát biểu chỉ đạo và cấp uỷ các địa phương trong vùng trực tiếp tham dự Hội nghị quán triệt tại điểm cầu ở Trung ương.

Thứ hai, Nghị quyết đã nhanh chóng được triển khai thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Chính trị đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết, trong đó giao nhiệm vụ triển khai cụ thể cho các cấp uỷ đảng ở Trung ương và địa phương (Kế hoạch số 05-KH/TW, ngành 26/5/2022 triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW). Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Nghị quyết được ban hành Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, trong đó giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương trong vùng (Nghị quyết số 96/NQ-CP, ngày 01/8/2022, về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW); thành lập Hội đồng điều phối vùng (Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 23/8/2022 thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025)… Các địa phương trong vùng cũng đã nhanh chóng ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

- Ông kỳ vọng gì vào diện mạo vùng Trung du và miền núi phía Bắc sau khi NQ 11 từng bước được đưa vào thực tiễn?

Tôi tin rằng, với truyền thống yêu nước, cách mạng; người dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động và có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc; sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sẽ vươn lên, bắt nhịp cùng cả nước, đạt được tầm nhìn đã đặt ra và đóng góp lớn hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nghị quyết số 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Bài: Lê Sơn

Ảnh + Đồ họa: Đông Phong

Lê Sơn - Tào Đạt

Tin bài liên quan

Cần có tư duy, tầm nhìn mới về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Cần có tư duy, tầm nhìn mới về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Trong tình hình mới, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có chủ trương mới, toàn diện, tập trung, xuyên suốt với tư duy và tầm nhìn mới, phù hợp với thực tiễn hơn nữa.
Ông Nguyễn Duy Hưng làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Duy Hưng làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên vừa được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Triệu Tài Vinh làm Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương

Ông Triệu Tài Vinh làm Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương

Ban Bí thư vừa quyết định điều động và bổ nhiệm ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương giữ chức Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tin mới

Việt - Nhật: phối hợp chặt chẽ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên từng dự án

Việt - Nhật: phối hợp chặt chẽ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên từng dự án

Chiều 26/3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tiếp Phó Chủ tịch điều hành cấp cao Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Yamada Junichi đang có chuyến thăm Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống LB Nga Vladimir Putin

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống LB Nga Vladimir Putin

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Liên bang Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.

Tin khác

Những bước tiến sau 6 tháng nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Những bước tiến sau 6 tháng nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Ngày 25/3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), Tháng Thanh niên năm 2024, sáng 26/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại cùng thanh niên với chủ đề “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”.
Phần Lan coi Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng nhất trong ASEAN

Phần Lan coi Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng nhất trong ASEAN

Chiều 25/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-Aho đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp trong việc triển khai các sáng kiến thuộc Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN

Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp trong việc triển khai các sáng kiến thuộc Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN

Ngày 24/3, tại Luang Prabang, Bắc Lào đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 31 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào. Đây là kỳ họp đầu tiên trong năm 2024 với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn phụ trách Cộng đồng Văn hoá - Xã hội 10 nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu đến từ Timor Leste tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên.
Phiên bản di động