Nghệ An: Khẩn trương khống chế ổ dịch sốt xuất huyết khiến 36 người nhiễm bệnh
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu, dịch đang giảm dần, trên địa bàn huyện đã có 36 bệnh nhân bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết, trong đó, 23 người đã xuất viện, các bệnh nhân còn lại đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu.
Ngay sau khi bùng phát dịch, huyện Diễn Châu triển khai công tác giám sát, xử lý môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu đã phun 190 lít hóa chất diệt muỗi để xử lý môi trường đối với 4.000 hộ tại xã Diễn Ngọc và sẽ tiếp tục triển khai tại các xã Diễn Hồng, Diễn Vạn, Diễn Thành…
Các bệnh nhân bị nhiễm xuất huyết đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh C.H.
Bác sỹ Cao Đình Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu thông tin: “Tình hình bệnh sốt xuất huyết đang được trung tâm cùng đơn vị liên quan khống chế. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, xử lý môi trường, phun hóa chất diệt muỗi nhằm hạn chế tối đa các mắc bệnh, không để dịch bệnh lan rộng. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao đột ngột, cơ thể phát ban, đau bụng…”,
Trong tháng 4, trên địa bàn xã Diễn Ngọc, chỉ số bọ gậy phát triển nhanh, cao hơn mức báo động dịch. Tháng 5, huyện Diễn Châu tổ chức phát động ra quân phòng chống dịch sốt xuất huyết. Các ban, ngành, đoàn thể, các hộ dân cùng thực hiện dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy, lật úp các phế thải chứa nước. Tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn xuất hiện.
Phun thuốc để phòng trừ sốt xuất huyết tại xã Diễn Ngọc. Ảnh: P.H.
Trước đó, năm 2017, xã Diễn Ngọc cũng xuất hiện ổ dịch bệnh sốt xuất huyết, điều kiện thời tiết thuận lợi khiến muỗi Aedes (muỗi vằn) phát triển, dịch bùng phát trở lại. Sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy
Bác sỹ Bùi Tiến Dũng - Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, bởi đây là một bệnh nội tại. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tại đây tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Số lượng người di chuyển lớn, nguy cơ đưa mầm bệnh về cao hơn.
Sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, người dân chỉ có thể ngăn chặn dịch dựa trên nguyên tắc “không có muỗi không có bệnh”. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy.
PVMT